Trước hết, cần phải nhắc lại một điều ít người nhận ra: Apple thực sự đã có ý tốt khi giảm hiệu năng iPhone! Những chiếc iPhone càng cũ thì sẽ càng dễ bị chai pin, và việc giảm xung nhịp vừa giúp gia tăng tuổi thọ pin, vừa tránh được tình trạng treo máy trong quá trình sử dụng.
Nhưng Apple lẽ ra đã có thể cung cấp TÙY CHỌN cho người dùng bật hoặc tắt tính năng này. Apple lẽ ra đã có thể thông báo về tính năng giảm hiệu năng này rõ ràng hơn trên màn hình iOS 12, hoặc qua mô tả bản cập nhật. Nhưng Apple KHÔNG làm cả 2 điều ấy, và dụng ý tốt trở thành một scandal có lẽ là tai tiếng nhất trong lịch sử nhà Táo.
Để xoa dịu cộng đồng, công ty của Tim Cook đã phải mở chương trình thay pin giá 30 USD cho người dùng tại nhiều quốc gia. Song, tòa án Mỹ vẫn buộc Apple phải thực hiện khoản dàn xếp giá 500 triệu USD. Tuy chỉ là "muối bỏ bể" so với lợi nhuận khổng lồ của nhà Táo, rõ ràng Apple đã có thể tránh được tất cả những thiệt hại này chỉ bằng một dòng chữ thông báo rõ ràng hơn khi cập nhật.
Nhắc đến Galaxy Note là nhắc đến chiếc điện thoại tiên phong cho trào lưu màn hình lớn. Nhưng nếu chỉ có màn hình 5.5 inch trở lên thôi thì chưa đủ: thứ khiến trải nghiệm Note trở nên thực sự hấp dẫn là những cây bút có trang bị nhiều tính năng, giúp tận dụng tối đa diện tích hiển thị để làm những tác vụ hữu ích cho công việc.
Năm 2014, cây bút này bỗng dưng lại khiến Samsung đau đầu. Chỉ vài tuần lễ sau khi sản phẩm lên kệ, một vài người dùng và nhiều trang tin công nghệ lên tiếng phàn nàn rằng bút của Note 5 sẽ bị kẹt trong thân máy nếu đút nhầm hướng. Cộng đồng Internet chia làm hai nửa tranh cãi kịch liệt. Một phía cho rằng Samsung đã mắc phải một lỗi thiết kế căn bản. Nửa còn lại cho rằng lỗi thuộc về người dùng khi không sử dụng cẩn thận.
Mỗi bên đều có lý của mình, nhưng điều đáng nói là cả 4 thế hệ Note trước đó đều KHÔNG gặp phải tình trạng này. Tất cả các thế hệ bút S Pen trước đó đều có đầu bút phía sau to hơn và do đó sẽ không thể nhét ngược vào khe cắm bút.
Sau khi ra thông báo thanh minh, và sau khi sửa lại tài liệu hướng dẫn sử dụng, Samsung cuối cùng cũng đã phải nhận phần sai. Toàn bộ các mẫu Note5 xuất xưởng về sau, và tất cả các thế hệ Note sau đó đều sử dụng bút S Pen có phần sau dày hơn phần trước. Cắm ngược bút trở thành câu chuyện của dĩ vãng xa xôi.
Tại thời điểm hiện tại, chống nước đã không còn là thế mạnh của riêng bất cứ thương hiệu smartphone nào khi mọi chiếc smartphone cao cấp đều đã có chứng nhận IP. Nhưng vào năm 2012, chống nước (và bụi) lại là thế mạnh của riêng Sony mà thôi.
Vấn đề là ở chỗ những chiếc Xperia Z dù có chống nước theo tiêu chuẩn IP nhưng lại không thể… chống nước hoàn toàn. Ví dụ, tiêu chuẩn IP68 chỉ đảm bảo thiết bị có thể "sống sót" được 30 phút ở độ sâu 1,5 mét trong phòng thí nghiệm. Khi quảng bá sản phẩm, Sony đã tung ra vô số hình ảnh người dùng đang sử dụng Xperia dưới bể bơi để chụp ảnh.
Hệ quả tất yếu là vô số những chiếc Xperia bị hư hỏng khi nước vào. Giọt nước tràn ly khi hãng smartphone Nhật Bản từ chối bảo hành cho tất cả các sản phẩm này, bao gồm cả những sản phẩm vẫn trong thời hạn. Các vụ kiện bắt đầu nổ ra, các tài liệu marketing của Sony được thay đổi để nói điện thoại Sony… không chống được nước, và đến 2016 thì công ty Nhật Bản phải chấp nhận bồi thường 50% giá bán cho những chiếc Xperia hư hỏng do nước vào.
Những thiệt hại do vụ kiện này gây ra có thể là một phần lý do khiến Sony dần "bốc hơi" khỏi thị trường smartphone. Sony và các nhà sản xuất khác phải học một bài học đơn giản, nhưng đắt giá: đừng sử dụng hình ảnh bể bơi hay bãi biển để quảng bá cho smartphone. Chỉ có một mình Samsung là phá lệ, và không mấy ngạc nhiên, năm 2019 nhà sản xuất Hàn Quốc cũng bị Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng tại Australia lôi ra tòa do những bức ảnh chụp smartphone Galaxy tại bể bơi và bãi biển.
Từ rất lâu trước khi Apple chuyển Mac sang ARM, Microsoft đã nhận thấy tiềm năng của loại chip vốn được coi là dành riêng cho di động thay vì Windows. Năm 2012, bên cạnh Windows 8, gã khổng lồ phần mềm ra mắt một bản Windows riêng chạy trên ARM với tên gọi "Windows RT". Một chiếc tablet biểu trưng cho Windows RT mang tên Surface RT cũng được ra mắt, bên cạnh chiếc Surface Pro chạy Windows 8 (chạy trên x86 của Intel/ARM).
Đáng tiếc rằng ARM rất khác biệt với x86, và Windows RT cũng chẳng thể chạy các ứng dụng exe quen thuộc với người dùng Windows. Mọi chuyện càng thêm rối loạn khi Microsoft sử dụng giao diện Windows đầy đủ cho Windows RT: người dùng phổ thông không có cách nào để phân biệt giữa 2 phiên bản cực kỳ khác biệt này.
Kết quả là sau thế hệ đầu tiên, "doanh số thấp" và "tỷ lệ đổi trả cao" đã khiến Microsoft phải ghi nhận khoản lỗ 900 triệu USD cho Surface RT. Cố chấp, Microsoft tiếp tục ra mắt Surface 2 và tiếp tục chịu lỗ cho đến khi khai tử dòng sản phẩm này vào năm 2015.
Cùng lúc, những chiếc ChromeBook của Google lại tăng trưởng chóng mặt: năm 2013, có tới gần 2 triệu ChromeBook được bán ra tại Mỹ. Rõ ràng, nhu cầu dành cho những cỗ laptop kém sức mạnh và chỉ tập trung quanh trình duyệt là có thật! Lẽ ra, Microsoft đã có thể hưởng trọn thành công của ChromeBook - nếu như Windows RT được khoác một lớp áo riêng, được quảng bá là một hệ điều hành khác biệt hoàn toàn chứ không phải là "cái bóng" của Windows 8.
Khi bành trướng ra toàn cầu, các hãng điện thoại Trung Quốc đã gặp phải không ít các sự cố tai tiếng. Ví dụ, OnePlus từng bị chỉ trích vì chương trình "đập điện thoại đối thủ", Huawei từng gây tranh cãi xung quanh những bức ảnh mặt trăng được AI tối ưu bằng cách… "cắt dán", còn OPPO từng gặp rắc rối khi nhân viên của hãng này có hành vi sai trái với quốc kỳ Ấn Độ.
Nhưng chắc chắn không có sự cố truyền thông nào ngớ ngẩn như Xiaomi. Năm 2019, hãng điện thoại Trung Quốc mở bán "flash sale" cho Mi 8 Lite và Mi A2 với giá chỉ hơn 1 Bảng Anh. Các Mi fan tại Anh chưa kịp ăn mừng thì đã phải ngã ngửa: đúng 1 ngày trước khi mở bán, Xiaomi thay đổi điều khoản khuyến mại và chỉ "flash sale" đúng 10 chiếc. Thông báo sau đó của Hạt Gạo Nhỏ dường như càng chọc giận fan hơn nữa: Chúng tôi không biết rằng công chúng lại gắn cụm từ "Flash Sale" với một mô hình deal mà Xiaomi đã chạy trên toàn cầu, với quy mô hơn 10 sản phẩm.
Chưa kết, một người dùng Twitter khi theo dõi mã java_script trên trang web của Xiaomi còn phát hiện ra rằng, khi người dùng nhấn mua, Xiaomi không thèm kiểm tra lượng hàng còn bán mà chỉ đặt thời gian và tự động hiện "đã hết hàng". Giám đốc sản phẩm của Xiaomi lên phân trần rằng có hàng nghìn người mua cùng lúc, và Xiaomi sẽ chọn ngẫu nhiên người thắng cuộc.
Thật nực cười, cách giải thích này lại đối lập hoàn toàn với điều khoản do chính Xiaomi công bố trước đó - người nào click mua trước thì sẽ được ưu tiên. Sau màn flash sale thảm họa này, Xiaomi bị cơ quan quản lý quảng cáo tại Anh (ASA) điều tra và sau đó nhận lệnh phải "rõ ràng hơn' trong các chiến dịch marketing của mình.
Nguồn: Genk.vn