Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Đại chiến công nghệ Mỹ-Trung: Bắc Kinh tăng chi tiêu cho công nghệ, thung lũng Silicon đối mặt với "trận chiến khó nhằn"

Đại chiến công nghệ Mỹ-Trung: Bắc Kinh tăng chi tiêu cho công nghệ, thung lũng Silicon đối mặt với "trận chiến khó nhằn"

Trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng, Trung Quốc đã "bỏ hết vốn liếng" để trở thành cường quốc về khoa học và công nghệ.

Trung Quốc "dốc hết sức lực"

Nhà nước Trung Quốc ngày càng chú trọng vào hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghệ cao, với các mục tiêu phát triển dài hạn và đội ngũ kỹ sư khổng lồ. Điều này có thể mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế hơn so với Thung lũng Silicon trong vòng một thập kỷ, các nhà phân tích nhận định.

 

Bắc Kinh đặt mục tiêu thành lập một nền công nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới để tăng cường khả năng tự cường về kinh tế và giúp đất nước đứng vững trước áp lực từ bên ngoài trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ ngày càng gia tăng. Giám đốc CIA Mỹ William Burns đã mô tả công nghệ là "đấu trường chính để cạnh tranh và đối địch với Trung Quốc" và nền kinh tế số 2 thế giới đã là nhà sản xuất công nghệ cao lớn nhất.

Jeff Fieldhack, giám đốc nghiên cứu thiết bị di động của công ty phân tích thị trường Counterpoint Research cho biết: "Ngành công nghệ ở Mỹ biết rằng chính phủ không thể và sẽ không chi đủ để giúp nó phát triển".

Đầu tháng 3, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết tổng chi tiêu cho khoa học và công nghệ vào năm ngoái đạt tổng trị giá khoảng 51 tỷ USD. Nước này đã tăng cường tài trợ vào lĩnh vực công nghệ nhằm chống lại hành động của Washington, bao gồm lệnh cấm một số công ty Trung Quốc đầu tư vào các công ty công nghệ Mỹ và đưa các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei, vào danh sách đen thương mại.

Các nhà lãnh đạo tỉnh của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ phát triển hơn nữa "các ngành công nghiệp tương lai" như metaverse, blockchain và trí tuệ nhân tạo, Tân Hoa xã đưa tin. Tân Hoa xã cho biết việc chế tạo một siêu máy tính mạnh mẽ sẽ đặt tiền đề cho những tiến bộ công nghệ cao của Trung Quốc trong năm nay.

Nhà máy chế tạo chất bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc, Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC) một phần thuộc sở hữu của chính phủ, đã dành ra mức kỷ lục 5 tỷ USD để làm vốn trong năm nay, tăng hơn so với năm 2021 là 4,5 tỷ USD. Khoản đầu tư có thể nâng công suất hàng tháng của SMIC thêm 130.000 đến 150.000 tấm wafer 8 inch.

SMIC cũng nằm trong số hàng chục công ty Trung Quốc được thêm vào danh sách đen thương mại vào năm 2020 trong cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sean Su, một nhà phân tích công nghệ độc lập ở Đài Bắc cho biết: "Chống lại những gã khổng lồ của Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn sẽ là một trận chiến khó khăn cho các công ty khởi nghiệp của Mỹ và các công ty ở Thung lũng Silicon. Chính phủ Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể tưởng tượng được để hỗ trợ các công ty của mình, mang lại cho các công ty Trung Quốc một lợi thế to lớn".

Ông Su cho biết các công ty Trung Quốc đã dẫn đầu Thung lũng Silicon trong việc phát triển mạng không dây 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thanh toán di động. Mark Natkin, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường Marbridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết quốc gia này có các kho dữ liệu đặc biệt lớn để phát triển AI.

Trung tâm công nghệ California cũng kém Trung Quốc về kỹ năng trong khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật và toán học, theo ông Su. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc sắp tốt nghiệp, với tỉnh Quảng Đông dự kiến mở 11 trường đại học mới trong năm nay và Thâm Quyến có kế hoạch chi 23,74 tỷ USD cho 20 trường đại học mới vào năm 2025.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng sẵn sàng tăng cường thuê các kỹ sư, nhà nghiên cứu và giáo sư nổi tiếng quốc tế. Vào tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ "dốc hết sức lực" để tuyển dụng các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới nhằm trở thành cường quốc về khoa học và công nghệ. Ông Su nhận định: "Nếu Mỹ không làm gì, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ".

Ông Natkin cho biết các công ty công nghệ Trung Quốc có thể "mua một số bộ óc sáng tạo nhất từ khắp nơi trên thế giới". Ví dụ, gã khổng lồ Huawei cũng cho biết họ sẽ thuê thêm nhiều tân binh nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, để kích thích hoạt động nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài. Ông Natkin nói: "Một trong những thế mạnh của Trung Quốc là khả năng lập và thực hiện các kế hoạch phát triển công nghiệp dài hạn, nhưng ở một quốc gia như Mỹ lại rất khó do thị trường có nhu cầu về lợi nhuận nhanh hơn hoặc giao tranh giữa các đảng phái chính trị".

Rủi ro khó tránh khỏi

Tuy nhiên, việc tìm kiếm tài năng có thể đi kèm với rủi ro. Tại đảo Đài Loan, các nhà chức trách đã đột kích vào văn phòng của hai công ty tuyển dụng vào năm ngoái liên quan đến việc "săn lùng" nhân tài địa phương cho một công ty sản xuất chip tại đại lục. Đài Loan đã chặn các quảng cáo tuyển dụng từ Trung Quốc đại lục và thắt chặt các quy tắc tuyển dụng.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 - từ năm 2021 đến năm 2025 - đã đặt khả năng tự cung tự cấp về công nghệ như một trụ cột chính trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đến năm 2035, "sức mạnh kinh tế và khoa học của Trung Quốc sẽ tăng vọt đáng kể và nước này sẽ trở thành một quốc gia hàng đầu theo định hướng đổi mới", Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định, hành động điều tiết của Trung Quốc đối với lĩnh vực internet bắt đầu vào đầu năm 2021 có nguy cơ cản trở tiến trình vượt qua Thung lũng Silicon. Năm ngoái, cuộc khủng hoảng đã làm suy yếu một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc khi các cơ quan quản lý đã tìm cách phá vỡ thế độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng và hạn chế tiếp xúc với thị trường chứng khoán nước ngoài do hậu quả của tranh chấp thương mại Trung-Mỹ.

Zennon Kapron, giám đốc công ty nghiên cứu ngành tài chính Kapronasia, cho biết: "Trung Quốc luôn phải vật lộn với phần mềm hoặc công nghệ mềm, đó là lĩnh vực mà Thung lũng Silicon phát triển vượt trội. Có vô số lý do giải thích cho điều này, nổi bật nhất là cuộc "thanh trừng" công nghệ của Trung Quốc, vốn có xu hướng tập trung vào những công ty sản xuất phần mềm".

Ông Kapron cho biết hành động ngăn cản "các hành vi phản cạnh tranh có nguy cơ làm tổn hại thêm sự phát triển của công nghệ phần mềm. Thung lũng Silicon hiểu rõ điều này và đã nắm được lợi thế rõ ràng, chắc chắn về công nghệ phần mềm và có tiềm lực về công nghệ phần cứng".

Thung lũng Silicon đã phát triển từ những năm 1970 nhờ văn hóa đổi mới và mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học được xếp hạng hàng đầu như Stanford. Nhân tài, nhà cung cấp và đầu tư mạo hiểm đã chuyển đến Thung lũng Silicon khi số lượng các công ty không ngừng tăng lên. Các công ty công nghệ ở thung lũng thường huy động tiền thông qua vốn tư nhân.

Cuộc thanh trừng công nghệ của Trung Quốc có thể giảm nhẹ trong năm nay, cho phép những gã khổng lồ internet trong nước phát triển mạnh theo các quy định mới. Stephen Pau, Giám đốc điều hành của Văn phòng Gia đình Hefeng ở Quảng Châu, cho biết những thay đổi về quy định thậm chí có thể tích cực bằng cách phá bỏ môi trường độc quyền, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo để đạt được "sự thịnh vượng chung".

GenK

Similar blogs

Hot Blogs