Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Đánh giá ASUS ROG Strix GTX 1080 11Gbps OC: băng thông bộ nhớ đi lên cùng hiệu năng

Đánh giá ASUS ROG Strix GTX 1080 11Gbps OC: băng thông bộ nhớ đi lên cùng hiệu năng

Ngay sau khi GTX 1080 Ti được bán ra thị trường, Nvidia cùng các đối tác AIB đã ngay lập tức có động thái nâng cấp chip nhớ cho 2 chiếc card đồ họa Pascal được yêu thích nhất, GTX 1060 và GTX 1080. Trong khi GTX 1060 được nâng cấp chip nhớ từ 8Gbps lên 9Gbps, chip nhớ 10Gbps của GTX 1080 lại được thay thế bằng chính chip nhớ 11Gbps của GTX 1080 Ti. Tất cả các thông số khác đều được giữ nguyên từ xung nhịp GPU tới số lượng pha nguồn. Bài đánh giá này sẽ là câu trả lời cho việc bản nâng cấp này sẽ cho hiệu năng chênh lệch thế nào và liệu nó có đáng để móc hầu bao trong thời buổi card đồ họa bị làm giá do cơn sốt tiền ảo chưa có hồi kết.

Mở hộp:

 
 

Phần hộp của chiếc ASUS ROG Strix GTX 1080 11Gbps OC trên tay tôi hôm nay gần như không có sự thay đổi so với phiên bản 10Gbps ngoại trừ dòng chữ 11Gbps GDDR5X khẳng định việc chip nhớ đã được nâng cấp. Nếu che dòng chữ trên chắc bạn sẽ khó lòng phân biệt được hộp của 2 sản phẩm có khoảng cách ra mắt tới gần 1 năm trời.

 
 

Là dòng sản phẩm cao cấp nhất của ASUS, chiếc GTX 1080 11Gbps này được ưu ái đóng gói 2 lần hộp. Bên trong bao bì in thông tin sản phẩm là hộp đựng với màu đen tuyền cùng logo Strix. Mở nắp ra, chúng ta lại có một chiếc hộp nhỏ đựng đĩa driver và sách hướng dẫn sử dụng được đặt ngay ngắn ở chính giữa lớp xốp bảo vệ.

 
 

Chiếc GTX 1080 11Gbps này được đóng gói giống y hệt phiên bản 10Gbps với lớp xốp dày bao quanh để bảo vệ tốt nhất. Ngoài phần sách hướng dẫn sử dụng và đĩa driver, ASUS còn tặng kèm cho game thủ một chiếc cổng chuyển nguồn cũng như 2 chiếc dây buộc cáp có in logo Republic of Gamers. Đây gần như là trang bị tiêu chuẩn trên mọi chiếc card đồ họa có thương hiệu ROG Strix.

 
 

Mặt trước và sau sản phẩm cũng không có gì khác biệt với người tiền nhiệm khi vẫn trang bị hệ thống tản nhiệt 3 quạt kích thước lớn. Phần LED RGB cũng được trang trí khá tinh tế với 2 dải đèn chạy dọc 2 bên quạt. Phần backplate bằng nhôm xước cũng được tăng tính thẩm mỹ bằng logo ROG tích hợp đèn LED RGB. Nhờ vậy, với kiểu cắm card đồ họa quay xuống dưới ở hầu hết các case máy tính, chiếc card này vẫn sẽ nổi bật với logo ROG tỏa sáng.

 
 

Mặt trên và dưới của chiếc GTX 1080 11Gpbs này cũng không có gì nổi bật ngoài việc chúng ta có thể thấy phần tản nhiệt bằng đồng của chiếc card này dày đến mức nào. Phần logo ROG ở phía trên được phát sáng bằng dải LED RGB ở mặt trước của card nên không thể tùy chỉnh màu riêng biệt được. Logo GeForce GTX không có đèn nền vẫn là một điểm trừ dù hầu hết các nhà sản xuất AIB như MSI, Gigabyte cũng không hề trang bị đèn nền cho logo này kể cả ở những chiếc card cao cấp nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy cấu hình nguồn của GTX 1080 là 8+6pin, khá dư dả để ép xung nếu cần nhờ vào tổng điện năng có thể cung cấp lên tới 300W.

 
 

2 bên hông cũng là những trang bị tiêu chuẩn giống như chiếc GTX 1080 10Gbps với 2 chân quạt PWM để tạo hiệu quả làm mát tốt nhất thông qua 2 quạt thổi ở mặt trước của case. Các cổng xuất hình cũng theo tiêu chuẩn với 2 cổng DisplayPort, 2 cổng HDMI 2.0 và 1 cổng DVI-D sẵn sàng cho mọi thiết lần màn hình.

Bên trong sản phẩm:

 

Việc tháo rời tản nhiệt của chiếc Strix GTX 1080 11Gbps này không hề dễ dàng bởi ASUS đã thiết kế thêm phần khung nhựa để đỡ sản phẩm giúp nó bớt bị "sệ" do trọng lượng không mấy nhẹ nhàng. Phần khung này còn đóng vai trò dẫn nhiệt từ các chip nhớ lên bộ tản nhiệt để chúng có thể đạt hiệu năng cao nhất.

 
 

Trái tim của GTX 1080 11Gbps là GPU Nvidia GP104-410-A1 chỉ xếp thứ 3 trong họ hàng Pascal. Bao quanh là 8 chip nhớ Micron dung lượng 1GB với băng thông được nâng cấp lên 11Gbps tương đương với chip nhớ của GTX 1080 Ti. Nguồn điện cấp cho GPU và chip nhớ được đảm bảo thông qua hệ thống VRM 10 pha.

 

Đế silicon bóng đến mức có thể phản chiếu hình ảnh nhìn không thể "sexy" hơn.

 

Lần lượt từ trái sang phải là chân nguồn cho quạt tản nhiệt, chân LED RGB và 2 chân quạt PWM mà người dùng có thể sử dụng để cấp nguồn cho quạt ở mặt trước của case. Theo như ASUS quảng cáo thì 2 chân quạt này sẽ giúp tối ưu hóa khả năng làm mát cho card bằng cách điều chỉnh quạt theo nhiệt độ GPU.

 
 

Với một chiếc card đồ họa cao cấp thì việc tháo dỡ cũng khá phức tạp. Sau khi đã thao được phần tản nhiệt thì bạn sẽ phải tháo thêm 6 con ốc nữa mới có thể mở được phần backplate. Phần logo ROG cũng được kết nối trực tiếp lên bo mạch để tiện điều khiển thông qua AURA Sync.

 
 

Tản nhiệt đồ sộ với cân nặng khoảng 6-700g đảm bảo khả năng tản nhiệt tốt nhất cho GPU và các linh kiện liên quan. Tất cả các ống đồng hay lá đồng dẫn nhiệt đều được mạ nickel cho thấy đẳng cấp của sản phẩm. Mặt tiếp xúc với GPU cũng được mạ bóng như gương nhìn cực đã mắt.

 

Nhờ đèn LED được trang bị cả mặt trên và dưới nên chiếc Strix GTX 1080 11Gbps có thể nổi bật ở bất cứ môi trường case nào.

 

Cấu hình thử nghiệm:

-CPU: AMD Ryzen 7 1700X

-Bo mạch chủ: X370

-RAM: G.Skill TridentZ RGB 2x8GB @ 2993MHz

-Card đồ hoạ: ASUS GeForce GT 1030

-NVMe: Samsung SM961 256GB

-SSD: SanDisk Ultra II 500GB

-PSU: CoolerMaster Silent Pro 1000W

-Case: Phanteks P400 Tempered Glass

Hiệu năng:

Khả năng chơi game của bất cứ chiếc GTX 1080 nào là không phải bàn cãi. Với GPU GP104 mạnh mẽ cùng bộ nhớ trong lên tới 8GB, chiếc card đồ họa này có thể sẵn sàng chiến game ở mọi độ phân giải từ 4K trở xuống. Tuy nhiên, nếu muốn mượt mà thì 2K vẫn là một lựa chọn an toàn hơn. Tạm thời 4K vẫn là thánh địa của GTX 1080 Ti trở lên. Tuy nhiên, thứ chúng ta quan tâm hơn trong phần đánh giá hiệu năng có lẽ là sự chênh lệch giữa phiên bản 11Gbps và 10Gbps.

 

Điểm số đồ họa ở công cụ thử nghiệm 3DMark TimeSpy của chiếc card này là 7482 điểm. Nếu so với điểm đồ họa của chiếc GT 1030 mà tôi có cơ hội viết bài đánh giá gần đây thì nó gấp tới hơn 7 lần. Một điểm cần lưu ý là vì cấu hình thử nghiệm sử dụng CPU Ryzen nên kết quả có thể bị ảnh hưởng đôi chút bởi khả năng tối ưu hóa của nhà phát triển phần mềm.

 

Với công cụ GPGPU của bộ phần mềm AIDA64, chúng ta có thể thấy tốc độ đọc ghi đã tăng đáng kể so với người tiền nhiệm. Phần hiệu năng điện toán gần như không có thay đổi bởi GPU vẫn được giữ nguyên.

 

Strix GTX 1080 11Gbps cũng cho điểm số khá ấn tượng ở thiết lập 1080p extreme của công cụ Unigine Superposition. Điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi trên thị trường, GTX 1080 cũng chỉ thua kém mỗi GTX 1080 Ti và TITAN Xp.

 

Đi vào khảo nghiệm thực tế, chiếc ASUS ROG Strix GTX 1080 11Gbps của chúng ta có điểm số nhỉnh hơn đôi chút so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ở mức FPS đã quá cao này thì sự khác biệt chỉ vài FPS này là quá khó để nhận ra trừ khi bạn ngồi ghi thông số rồi cộng trừ nhân chia như tôi.

 

Deus Ex: Mankind Divided có thể được coi là tựa game cực kì được ưa chuộng để thử nghiệm phần cứng nhờ tích hợp công cụ benchmark rất trực quan. Một lần nữa, mức chênh lệch về FPS trung bình và FPS tối thiểu gần như là không có. Với mức chênh của FPS tối thiểu chỉ là 2, tôi nhận định đây thậm chí có thể được coi là sai số trong quá trình thử nghiệm.

 

Ở độ phân giải 1080p, tựa game như Doom chẳng thể nào gây khó khăn cho một con quái vật đồ họa như GTX 1080. Bởi vậy, mức FPS tối đa - 200 cũng chính là mức FPS trung bình của game. Tất nhiên, đôi khi ở những cảnh có môi trường rộng lớn và số lượng quái nhiều thì FPS vẫn có thể tụt đôi chút nhưng vẫn là mức khó nhận biết kể cả trên màn hình 144Hz.

 

Ở một tựa game khác là Hitman với công cụ benchmark khá đa dạng cũng cho chúng ta thấy để gây khó dễ cho GTX 1080 là một việc khá bất khả thi ở độ phân giải phổ thông 1080p. Ở bài thử này, một lần nữa chúng ta lại thấy hiệu năng của chiếc GTX 1080 11Gbps có nhỉnh hơn đôi chút nhưng là không đáng kể so với bản 10Gbps.

 

GTA V cũng tương tự với thiết lập max settings ở độ phân giải 1080p. Rất khó để phủ nhận sự chênh lệch giữa phiên bản mới và cũ của GTX 1080 nhưng mức chênh lệch quá nhỏ này có lẽ đủ để giúp các game thủ đang sở hữu GTX 1080 10Gbps thở phào nhẹ nhõm.

 

Ngoài ra, tôi cũng tranh thủ thử nghiệm DotA 2 với chiếc card này. Ở độ phân giải 4K, băng thông bộ nhớ có vẻ đã giúp FPS được đảm bảo ở mức ổn định hơn đôi chút. Tuy nhiên, số FPS trung bình cũng chưa cho thấy sự vượt trội của phiên bản 11Gbps. Quả thực, DotA 2 ở độ phân giải 4K đã cho tôi một trải nghiệm hoàn toàn mới về độ sắc nét của các chi tiết hay hình minh họa của item trong game.

Tính năng phụ trợ:

 

Như tất cả những chiếc card đồ họa ROG khác, chiếc Strix GTX 1080 11Gbps cũng được trang bị hệ thống đèn LED RGB với 7 hiệu ứng tất cả. Tuy nhiên, một điểm trừ là phần led dải cạnh quạt tản nhiệt và logo ROG ở backplate không thể được chỉnh độc lập mà luôn phải đồng bộ khiến việc cá nhân hóa dàn máy bỗng bị thu hẹp lại đôi chút.

Hiệu ứng LED của ASUS ROG Strix GTX 1080 11Gbps OC

Dù vậy, khi đặt vào một dàn máy full RGB như test bench của tôi thì phần đèn LED vẫn đủ nổi bật và giúp người ta dễ dàng nhận thấy đây là một chiếc card đồ họa Republic of Gamers.

Một điểm cộng của dòng card đồ họa ROG là phần đèn LED báo kết nối nguồn. Khi tháo nguồn hoặc nguồn chưa kết nối chặt thì đèn sẽ báo đỏ. Khi dây nguồn đã được cố định thì bộ đôi led này sẽ có ánh sáng trắng. Trang bị led này thậm chí còn xuất hiện trên những chiếc card cấp thấp hơn như Strix RX570.

Nhiệt độ và điện năng tiêu thụ:

 

Kết quả ghi nhận sau 15 phút chạy Furmark cho thấy khả năng tản nhiệt của chiếc Strix GTX 1080 11Gbps là cực kì ấn tượng. Nhiệt độ cao nhất cũng chỉ ở mức 65W trong khi nhiệt độ để quạt bắt đầu quay là 55 độ. Điện năng tiêu thụ của riêng chiếc card này khi chạy hết công suất mới chỉ dừng lại ở mức 200W. Chẳng trách phiên bản Founders Edition chỉ cần 1 nguồn 8-pin là đủ Trừ đi phần điện dành cho quạt tản nhiệt và đèn đóm thì vẫn còn dư tương đối để người dùng có thể ép xung nhẹ. Vốn bản thân chiếc card này đã là bản OC nên việc ép xung cũng không thực sự có ý nghĩa. Như vậy, với một hệ thống một card thì nguồn 500W công suất thực là mức tối thiểu mà bạn cần khi build máy.

Kết luận:

ASUS ROG Strix 1080 11Gbps OC là một chiếc card đồ họa mạnh mẽ với chip nhớ được nâng cấp cũng như được ép xung sẵn. Hiệu năng trên các tựa game AAA ở độ phân giải từ 2K trở xuống có lẽ là điều không cần bàn cãi. Chip nhớ được nâng cấp cũng giúp "vắt" thêm được chút ít hiệu năng từ GPU GP104 hàng khủng. Tuy nhiên, sự khác biệt này không quá rõ ràng để một người đang sở hữu một chiếc GTX 1080 10Gbps phải suy nghĩ về việc nâng cấp. Chưa kể, đây đang là thời điểm mà cơn sốt tiền ảo vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến không chỉ GPU AMD mà cả Nvidia cũng khan hiếm trầm trọng, đồng nghĩa với việc giá bán lẻ sẽ bị cao hơn bình thường đôi chút. Nếu có cơ hội, tôi vẫn khuyên mọi người nên mua phiên bản 11Gbps để có được hiệu năng cao nhất với cùng số tiền nhưng nếu hàng không có sẵn hoặc mua second-hand thì phiên bản 10Gbps cũng sẽ chẳng làm bạn thất vọng.

 

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs