Ozone là một cái tên đang dần trở nên quen thuộc với giới game thủ Việt. Bằng việc tung ra nhiều mẫu gaming gear thuộc đủ mọi phân khúc, Ozone đã dần chiếm được lòng tin của người dùng bằng chất lượng ổn định. Dù chỉ là “người đến sau”, nhưng nhìn chung, Ozone đã đạt được thành công đáng kể, khi chiếm lĩnh một bộ phận trong nhiều dàn máy cá nhân cũng như trong các hệ thống cybergame.
Nếu như dòng sản phẩm chuột gaming của Ozone đã dần hoàn thiện, thì với những người quan tâm, Ozone còn thiếu một món đồ được đông đảo giới chơi gear ưa chuộng: một chiếc bàn phím RGB chất lượng cao. Và như để chiều lòng game thủ, Ozone đã tung ra sản phẩm bàn phím RGB chất lượng cao nhất của họ vào năm nay: Ozone Strike Pro Spectra – nhân vật chính của chúng ta ngày hôm nay.
*Cần tuyển dụng gấp 100+ C# ngay*
Strike Pro Spectra là sản phẩm bàn phím cơ đầu bảng của Ozone, chính vì vậy ngay cả việc đóng gói cũng được hãng chăm chút cẩn thận. Bên trong lớp hộp mỏng bên ngoài đầy những thông số về chiếc bàn phím con cưng, Ozone cẩn thận thiết kế một lớp vỏ carton chắc chắn.
Mở lớp hộp này ra, cuối cùng tôi cũng được chạm tay vào Ozone Strike Pro Spectra. Việc kéo phần dây ra khỏi vỏ hộp có đôi chút khó khăn, tuy không đáng kể nhưng với một người đang nóng lòng như tôi thì khá dễ gây hỏng hộp. Trong hộp không có phụ kiện gì ngoài sách hướng dẫn sử dụng, sticker Ozone và bộ feet cao su thay thế, nên chúng ta sẽ cùng đến với nhân vật chính.
Ấn tượng đầu tiên của tôi có thể tóm gọn bằng 2 từ: chắc chắn. Với chất liệu vỏ nhựa cứng, tôi không hy vọng về một chiếc bàn phím nặng, nằm im dưới mọi tác động, nhưng cảm giác Strike Pro Spectra đem lại là rất vững chãi. Thiết kế với phần kê tay nằm thoải xuống với mong muốn tạo độ dễ chịu khi sử dụng, nhưng cũng gián tiếp tăng diện tích tiếp xúc của phím với mặt bàn.
Strike Pro Spectra tiếp nối người anh Strike Pro, nhưng độ hoàn thiện đã một lần nữa nâng cao. Với lớp phủ mịn trên vỏ case, cảm giác khi đặt tay lên Strike Pro Spectra trong thời gian dài là rất dễ chịu, không bị bám vân tay hay mồ hôi. Từng góc bo, từng đường gấp đều được hoàn thiện rất cẩn thận nếu so với những cái tên khác cùng tầm giá của Razer hay Corsair. Hãy nhìn vào góc logo này, bạn sẽ hiểu điều tôi đang nói.
Một ấn tượng khác mà bạn sẽ gặp phải khi mở hộp Ozone Strike Pro Spectra hay bất kỳ bàn phím nào có hỗ trợ USB Hub và Audio Input đó là rất nhiều dây, rất nhiều chân kết nối. Trong trường hợp này, chúng ta có 4 chân kết nối: 1 USB cho phím, 1 USB cho USB Hub, 1 jack tai nghe 3.5 và 1 jack cho micro. Mức độ hoàn thiện của toàn bộ phần dây cũng rất tốt: dây bện chắc chắn còn các chân kết nối đều được mạ vàng.
Vị trí của cụm USB Hub và Audio Input trên Strike Pro RGB cũng rất hợp lí, nếu so với một số bàn phím gaming khác. Nếu bạn từng sử dụng bàn phím cơ Razer, chắc hẳn bạn không bao giờ sử dụng gì nhiều đến cụm hub này, đơn giản bởi chúng nằm bên hông phải – cạnh vị trí cầm chuột. Cụm cổng này, ít nhất phải đạt được mục đích sử dụng ban đầu là quản lý dây, chứ không phải gây ra phiền toái cho người sử dụng.
Một thay đổi nữa trên dòng Strike Pro so với dòng Strike Battle (TKL) của Ozone đó là cách đặt switch. Nếu như dòng Strike Battle lựa chọn gắn switch nổi so với case, lộ ra các chân switch và đèn LED nhằm đạt hiệu ứng ánh sáng thì trên Strike Pro là dãy switch chìm hẳn so với case. Đây vốn là cách sắp xếp truyền thống, nên có vẻ hợp lí khi được Ozone lựa chọn trên dòng sản phẩm “Pro” của mình.
Ozone Strike Pro Spectra đã đem lại cảm quan tốt cho tôi. Để chắc chắn đây không phải một món hàng “ chỉ được cái mã”, tôi bắt đầu tìm hiểu, thử nghiệm sử dụng các tính năng trên phím.
Trước hết, điều đầu tiên cần phải thử với mọi bàn phím là cảm giác gõ. Phiên bản Ozone Strike Pro Spectra tôi nhận được sử dụng switch Cherry Red, một loại switch không hợp với tôi lắm. Dù sao, theo tôi được biết, Ozone cung cấp đủ 4 loại switch Cherry cơ bản cho bạn lựa chọn trên Strike Pro Spectra.
Cảm giác gõ phím liên tục trên Strike Pro Spectra phiên bản Cherry Red switch chưa làm hài lòng tôi lắm. Thứ nhất, có vẻ keycap xuyên LED chất liệu nhựa ABS không phù hợp lắm với Red switch, khi cảm giác nhấn xuống không thật trơn và độ nảy lại hơi chậm một chút. Một điểm trừ nữa, với cá nhân tôi, lại chính là phần kê tay. Như đã đề cập bên trên, kê tay này có vẻ như tập trung vào việc tạo độ cân bằng cho bàn phím hơn là thực sự có chức năng kê tay. Khi gõ các hàng phím kể từ hàng phím cơ sở trở xuống, tay bạn sẽ không thể tiếp xúc với phần kê tay này. Theo tôi, nguyên nhân là do phần kê tay được thiết kế hơi ngắn quá. Có lẽ đúng như ấn tượng ban đầu: đây là một phần phục vụ thiết kế hơn là công năng.
Tạm gác chuyện cảm giác gõ, tôi thử kiểm định vài chức năng phục vụ gaming trên Ozone Strike Pro Spectra. Theo như nhà sản xuất Ozone, sản phẩm đầu bảng của họ có đầy đủ các tính năng quan trọng như: N-key rollover (từ đó có thể anti-ghosting), nhiều profile với gaming profile tự động tắt nút Windows, nhưng làm tôi chú ý hơn cả là tính năng macro với bộ nhớ trong 64 KB.
Háo hức cài đặt driver và phần mềm của Ozone, tôi được chiêm ngưỡng điều mà nhiều game thủ ưa thích. Phải công nhận, dù không phải fan của màu RGB, nhưng cảm giác nhìn chuyển động RGB thực sự mãn nhãn với bất cứ ai.
Thực tế, hệ thống đèn đã làm tôi hơi xao lãng mục đích ban đầu và chuyển sang “nghịch ngợm” hệ thống LED RGB này. Ngoài các chế độ LED vui mắt mà ít ai sử dụng, bạn cũng có thể cài đặt các chế độ riêng của mình và chuyển qua nhanh chóng.
Sau khi đã thử nghiệm mọi chế độ LED có thể, tôi quay lại với việc thử nghiệm các tính năng gaming. Đầu tiên là tính năng cơ bản trên mọi bàn phím gaming: anti-ghosting. Tuy ở mức độ sử dụng bình thường sẽ không mấy khi chúng ta phải tận dụng đến tính năng này, nhưng nó đã trở thành thước đo cho chất lượng. Qua thử nghiệm nhanh với một phần mềm keylog, có thể khẳng định Ozone Strike Pro Spectra có khả năng ghi nhận đầy đủ các phím được nhấn đồng thời (giới hạn của tôi là 10 phím).
Tiếp đó là một tính năng “real-world” mà tôi quan tâm hơn: macro. Thử nghiệm macro trong thời gian ngắn là một thử thách, dù thâm tâm tôi rất muốn dành nhiều thời gian thiết lập để có thể chơi Invoker trong Dota 2 như những player chuyên nghiệp. Cuối cùng, tận dụng trình điều chỉnh macro do Ozone cung cấp, tôi chấp nhận thử nghiệm một combo trong tựa game quen thuộc: Megaman.
Sau một hồi điều chỉnh từ thông số cực thấp cho tới cực cao (so với trong ảnh), cuối cùng tôi đã tạm thiết lập được macro bên trên. Và khi vào game thì cảm giác giống như tôi đang chơi cheat vậy. Từng combo được thực hiện với tốc độ tôi chưa từng đạt được. Kiểm tra lại với...Notepad tôi cũng thấy tốc độ tăng lên đáng kể, dù tay tôi đã rất quen thuộc với cách nhấn combo này. Với những game thủ, việc mang theo gear đi mọi nơi đã trở thành nhu cầu tất yếu, và bạn có thể yên tâm vì mọi cụm macro được lưu trong bộ nhớ 64 KB của phím, luôn bên bạn dù bạn ở nơi đâu.
Tổng kết lại, xét riêng trong mảng bàn phím gaming, tôi đánh giá Ozone Strike Pro Spectra xứng đáng được 8/10 điểm. Thiết kế hiện đại, tinh tế, build cứng cáp, sử dụng switch Cherry chất lượng, các tính năng gaming hoạt động ổn định, Strike Pro Spectra là một lựa chọn đáng cân nhắc ở phân khúc của mình.
Nguồn: Genk.vn