Croise là cái tên mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ cuối năm 2016 nhưng hãng đã để lại tiếng vang không nhỏ nhất là ở mảng thiết bị âm thanh với chiếc tai nghe Bluetooth mà chúng tôi đã có lần giới thiệu với các bạn trước đây.
Bên cạnh tai nghe, Croise còn được biết là một thương hiệu chuyên sản xuất các loại thiết bị theo dõi sức khỏe khác đã từng được Bộ Y Tế Hàn Quốc chứng nhận với các sản phẩm nổi bật như nhiệt kế thông minh Croise.a, vòng đeo tay thông minh Urban S và cả trung tâm theo dõi sức khỏe Medical Center vừa được giới thiệu tại CES 2017 vừa qua.
Nói đến vòng đeo tay thông minh tại thời điểm này có lẽ Xiaomi Mi band 2 đang khó tìm thấy đối thủ bởi giá thành quá tốt (khoảng 700 ngàn đồng tại Việt Nam). Tuy tạo thành 1 cơn sốt khiến giá thành có lúc đã tăng tới 1,4 triệu đồng cho một chiếc Mi Band 2 nhưng chất lượng thực sự sau 1 thời gian sử dụng thì nhiều người đã thấy rõ. Cảm biến đo nhịp tim không chính xác, đếm bước chân không chuẩn hay lỗi bật cảm biến liên tục gây bỏng tay v.v...
Urban S PWB-200 là phiên bản thứ 2 mà Croise tung ra thị trường nhưng lại là sản phẩm đầu tiên tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam nên mức giá mà Croise Việt Nam đưa ra là khoảng 1,2 triệu đồng đắt hơn Mi Band 2 tương đối nhiều nhưng vẫn rẻ hơn so với các thương hiệu vòng theo dõi sức khỏe khác như Fibit chẳng hạn.
Mở hộp Croise Urban S PWB 200
Cũng giống như các loại smartband giá rẻ khác, hộp của Urban S chỉ gồm thân máy có dây đeo cùng với đế sạc nam châm (không có dây và củ sạc). Và dưới đây là những hình ảnh ban đầu về Croise Urban S:
Hình ảnh hộp đựng Urban S hoạt động được với 2 dòng điện thoại chạy Android và iOS.
Những tính năng mà Croise đưa ra cho sản phẩm bao gồm: Theo dõi giấc ngủ, Thông báo tin nhắn cuộc gọi, chống nước, đo nhịp tim và khả năng thay thế dây đeo.
Croise Urban S có thiết kế mặt cong và màn hình là một ma trận đèn led cỡ lớn nhưng ít điểm ảnh. Do đèn lớn và sáng nên việc đọc thông tin ngoài trời nắng khoogn có gì khó khăn.
Mặt dưới của Urban S có cấu tạo hơi cong cùng với cụm cảm biến đo nhịp tim nằm bên dưới.
Dây cao su đi kèm khám ềm và nhẹ có thể tháo rời và thay thế từng bên.
Cảm giác đeo
Là một thiết bị theo dõi sức khỏe hướng tới việc sử dụng 24/24 giờ thì cảm giác đeo là vô cùng quan trọng. Do phần thân được cấu tạo dạng cong nên khi đeo Urban S ôm sát vào cổ tay hơn. Trái lại, một sản phẩm khác ví dụ như Mi band 2 của Xiaomi lại bị gồ lên ở phần cảm biến khiến người dùng khó mà thoải mái đeo nó thường xuyên được.
Biên dạng tiếp xúc với cổ tay của Urban S so sánh với Mi band 2.
Thêm vào đó, trọng lượng thực tế của Urban S nhẹ hơn khoảng 10 gam so với Mi band 2 nên việc đeo Urban S khiến chúng ta có cảm giác không đeo gì trên tay vậy.
Chất lượng cảm biến
Một trong những cảm biến quan trọng nhất của các loại thiết bị đeo thông minh ngày nay đó là đo nhịp tim bởi nhịp tim chính là thông số quan trọng để phần mềm đưa ra đánh giá tình trạng sức khỏe của người sử dụng.
Nếu ai đã từng sử dụng Mi band thì đều biết rằng việc đo nhịp tim sai khi sử dụng xảy ra rất thường xuyên, đôi lúc khi đo 3 đến 4 lần cùng 1 thời điểm nhịp tim của chúng ta sẽ thay đổi từ 70 lên tới hơn 100 nhịp.
Urban S thì khác, nó được trang bị toàn bộ cảm biến được sử dụng trên Gear Fit của Samsung nên các hoạt động như đo nhịp tim, đếm bước chân thể hiện rất chính xác. Trên thử nghiệm thực tế khoảng 5 lần đo liên tiếp chúng tôi nhận được kết quả xê dịch khoảng 3 nhịp/ phút. Trường hợp đeo đồng hồ lỏng Urban S sẽ báo không đo được chứ không đưa ra kết quả sai.
Ứng dụng nhiều thông tin
Với một người tập luyện thể thao, các thông số mà họ cần quan tâm nhất chính là lượng calo mà họ đốt được sau buổi tập, các thương hiệu khác thường chỉ tính toán lượng calo đốt được thông qua số bước chân.
Đưa ra cùng lúc 6 chỉ số cần thiết.
Urban S thì khác, nó sẽ thu thập rất nhiều chỉ số khi bắt đầu chế độ luyện tập. Cụ thể là ngoài đếm bước chạy, app của Urban S có chế độ bật cảm biến nhịp tim theo thời gian thực để liên tục theo dõi mức độ vận động của cơ thể. Bên cạnh đó ứng dụng sẽ đo thêm cả độ cao mà các bạn đang tập luyện, nếu có sự thay đổi tăng dần, mức calo đốt được sẽ tăng lên và ngược lại. Điều này khiến những chỉ số mà Urban S đưa ra chính xác hơn các loại vòng đeo tay thông minh khác.
Nói về đo độ cao, đây thực chất không phải là cảm biến nằm trên Urban S, nhưng ứng dụng của Urban S tận dụng cảm biến khí áp kế nằm trên điện thoại để xác định áp suất không khí tại khu vực tập luyện, qua đó tính toán ra độ cao dựa vào dữ liệu của AccuWeather. Cũng là một cách rất thông minh để tăng độ chính xác cho thiết bị.
Chế độ đo nhịp tim cũng khá đầy đủ.
Ở chế độ đo nhịp tim, Urban S có một đồ thị rõ ràng thể hiện sự thay đổi của nhịp tim, qua đó chúng ta có thể nhận ra những thay đổi khó nhận biết của cơ thể. Đồng thời phần đo nhịp tim cũng cho chúng ta cài đặt sẵn chế độ cảnh báo khi nhịp tim vượt mức xác định. Tính năng này rất phù hợp để theo dõi sức khỏe cho những người có bệnh đường tim mạch.
3 thông số thể hiện ngay ở bên ngoài giúp người tập luyện đánh giá hiệu quả bài tập.
Lùi ra ngoài 1 chút, chúng ta có thể thấy 3 chỉ số thể hiện ngay ở đầu app, 3 chỉ số này là Sleep, Recovery và Condition.
Chỉ sô "Ngủ" càng cao chứng tỏ bạn có những giấc ngủ sâu và đầy đủ. Chỉ số này được tính bằng cách đo nhịp tim và kiểm tra cảm biến gia tốc kế trong lúc ngủ. cảm biến gia tốc sẽ cho ứng dụng biết khi nào chúng ta trở mình còn cảm biến nhịp tim cho ứng dụng biết chúng ta thực sự đang ngủ hay chỉ là đang nằm im.
Thời lượng pin không cao
Chính vì nhiều cảm biến phải hoạt động liên tục ở những khoảng thời gian rất ngắn nhằm rút ra số liệu chính xác nhất nên trên thực tế sử dụng Urban S chỉ sống sót được khoảng 6 ngày. Trong khi đó thời gian sử dụng ở Mi band 2 có thể lên tới 15 ngày ở chế độ bật full chức năng.
Ngoài chu kỳ đo có thể kéo xuống mức thấp hơn thì màn hình hiển thị của Urban S cũng tốn điện hơn so với màn hình của các thiết bị khác, kích thước điểm ảnh trên sản phẩm của Croise to hơn rất nhiều Fibit hay Mi band 2. do đó Urban S sẽ tốn điện hơn rất nhiều.
Đáng tiếc là Urban S không thể giảm độ sáng cho màn hình hiển thị nên thời lượng pin khó có thể tăng thêm.
Kết luận
Ở mức giá bán chính hãng là 1,2 triệu đồng tại Việt Nam, Croise có đủ sức để vượt qua bức tường giá mà Xiaomi đã lập ra hồi năm ngoái. Dù có giá rẻ hơn khoảng 400 ngàn đồng nhưng Mi Band 2 lại không có hàng chính hãng với mức giá thường xuyên dao động tùy vào thị trường và chế độ bảo hành cũng thất thường tùy vào người bán.
Nguồn: Genk.vn