Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Đắp chiếu 5 tháng trời vì COVID-19, chủ quán net làm 'đủ trò' để cầm cự: Kẻ đào coin, người vội vàng thanh lý

Đắp chiếu 5 tháng trời vì COVID-19, chủ quán net làm 'đủ trò' để cầm cự: Kẻ đào coin, người vội vàng thanh lý

‘Đắp chiếu’ 5 tháng trời vì Covid 19, chủ quán loay hoay biến hàng net thành trang trại ‘trâu cày’, nhiều người phải ‘bán tống bán tháo’ cả cửa hàng

Phải thừa nhận một điều, chưa khi nào ngành kinh doanh quán net tại Việt Nam lại ảm đảm đến vậy. Kể từ thời điểm cuối tháng 4 đến nay, một loạt quán net, từ ''net cỏ'' cho đến các cyber lớn tại Hà Nội & TP.HCM đều trong tình trạng cửa đóng then cài.

Dưới các tác động của dịch COVID-19, quán net được coi là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao hơn đáng kể do đây là nơi tập trung khá đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do vậy, giống như dịch vụ giải trí như quán bar, vũ trường, karaoke,… các cửa hàng Internet tại Hà Nội & TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đều thuộc diện chưa biết bao giờ được mở lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều chủ quán phải đối diện cảnh không có doanh thu, trong khi các chi phí như tiền thuê nhà, tiền nhân viên, tiền mạng, tiền bản quyền phần mềm quản lý phòng máy vẫn phải chi ra.

Đứng trước khó khăn như vậy, không ít đã buộc phải tìm đủ mọi cách để kiếm thêm thu nhập, bao gồm cả việc đào coin nhằm gỡ gạc chút vốn liếng.


Nhiều quán net tấp nập người ra vào ngày nào giờ phải chịu cảnh ‘vườn không nhà trống’, các thiết bị máy móc bám bụi do lâu ngày không được vệ sinh.

Kẻ biến quán net thành ‘trại trâu cày", người vội vàng ''bỏ của chạy lấy người"
Chia sẻ với người viết, anh Lê Tuấn Nghĩa – chủ một cybergame tại Hà Nội cho biết, cửa hàng của anh từ trước dịch luôn giữ mốc doanh thu ổn định trên dưới 2 triệu VNĐ/ ngày. Tuy nhiên, mức doanh thu này đã trở về 0 khi quán buộc phải đóng cửa từ đầu tháng 5 theo chỉ thị từ thành phố. Giống như một số chủ quán net khác, anh Nghĩa cũng bất đắc dĩ trở thành một ‘thợ đào coin’ từ vài tháng nay.

"Khi có chỉ thị giãn cách xã hội do Covid-19, quán buộc phải đóng cửa. Dịch bệnh kéo dài không biết lúc nào mới kết thúc, nên mình đã cùng một số người bạn đã tận dụng VGA sẵn có tại cửa hàng để đào đồng ETH. Việc set up dàn máy đào coin cũng khá đơn giản, chỉ cần cài phần mềm, mua giá đỡ VGA và sắm thêm nguồn công suất lớn. Sau khi trừ đi chi phí tiền điện, lợi nhuận mỗi chiếc VGA của mình đem lại là khoảng chục nghìn đồng mỗi ngày. Nếu tất cả dàn máy trong cửa hàng mình chạy hết công suất, tổng lợi nhuận đem lại cũng khá ổn so với việc mở quán", anh Nghĩa chia sẻ.


Công việc kinh doanh bị đình trệ do Covid, nhiều chủ hàng net đã buộc phải tận dụng nguồn tài nguyên máy tính sẵn có để đào coin nhằm gỡ gạc chút vốn liếng và cầm cự qua mùa dịch.

Tuy nhiên, theo anh Nghĩa, việc đào coin không quá ‘ngon ăn’ như nhiều người tưởng tượng. Chẳng hạn, độ khó của việc đào ETH càng ngày càng tăng khi đang có quá nhiều người tham gia vào thị trường, trong khi giá trị của đồng ETH liên tục biến động trong thời gian qua khiến cho lợi nhuận thu được từ việc đào coin không ổn định, thậm chí đôi khi sụt giảm mạnh. 

Đặc biệt, việc đào coin liên tục 24/24 cũng khiến tuổi thọ của VGA nhanh chóng bị hao mòn, thậm chí bị hỏng hóc. Theo anh Nghĩa, điều này có thể ảnh hưởng tới việc kinh doanh khi cửa hàng được mở cửa lại, khi cửa hàng phải mất thêm khoản tiền thay thế, sửa chữa VGA bị hỏng.

Cũng phải nói thêm, không phải quán net nào cũng có thể tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có để đào coin như anh Nghĩa. Chẳng hạn, một số quán net ‘cỏ’ trang bị các GPU đời cũ như GTX 750Ti đành để không đắp chiếu do không đáp ứng đủ hiệu năng để trở thành ‘trâu cày’.  Bên cạnh đó, nhiều quán net tại Hà Nội & TP.HCM cũng không thể dự trù được những yếu tố cần thiết để vận hành một "nông trại trâu cày" như hệ thống tản nhiệt, nguồn cấp điện giá rẻ .v.v

Đây cũng là tình hình chung của nhiều chủ quán net, khi không biết kiếm đâu ra nguồn thu để cầm cự trong suốt tháng qua. Với một số quán net không mất chi phí tiền nhà (do mở tại gia), nhiều chủ quán chọn phương án cho nhân viên nghỉ việc, thậm chí cắt bớt đường truyền mạng để giảm tải chi phí hàng tháng. 

Tuy nhiên, với những ‘ông chủ’ của các chuỗi cybergame lớn, vốn mất khoản tiền không nhỏ để đầu tư cơ sở vật chất và thuê địa điểm, nhiều người đã tính đến phương án ‘bỏ của chạy lấy người’, thanh lý hàng loạt để thu hồi vốn.

Nhiều chủ quán phải thanh lý lại cửa hàng do không còn đủ khả năng tài chính để duy trì

Dạo quanh một số hội nhóm về quán net trên Facebook, không khó để thấy số lượng các bài viết có nội dung thanh lý quán net đang xuất hiện ngày càng nhiều. Một số chủ quán đã cay đắng thừa nhận rằng bản thân ‘không thể cầm cự nổi’ khi không rõ khi nào các cửa hàng mới có thể mở cửa trở lại.

"Dù đã cố gắng cầm cự trong nhiều tháng, nhưng tiền lãi ngân hàng, tiền thuê nhà vẫn phải trả hàng tháng. Tình hình dịch như này không biết lúc nào mới hết, dù vẫn còn đam mê với nghề nhưng giờ mình không thể trụ được nữa. Chỉ mong giờ thanh lý cửa hàng được đồng nào hay đồng đấy để mình còn tiếp tục duy trì cuộc sống", anh Lê H.T, chủ một cyber game tại TP.HCM chua xót chia sẻ.

Genk

Similar blogs