Những điểm tương đồng đó, ví dụ, là chip xử lý Qualcomm Snapdragon 845 - một con chip được tung ra vào tháng 12 năm ngoái và thu hút được sự chú ý của cả ngành công nghiệp di động. Và cũng chỉ mất một thời gian ngắn sau khi con chip này ra mắt, các "đại gia" di động đã, đang và sẽ tiếp tục tung ra các điện thoại flagship sử dụng Snapdragon 845.
Tất nhiên, chip xử lý chỉ là một phần tạo nên một chiếc điện thoại. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những tính năng sẽ xuất hiện và thống trị ngành công nghiệp smartphone trong năm nay.
Một điều hiển nhiên là mọi thiết bị sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Chip Snapdragon 845 mạnh hơn đến 30% xét về tốc độ xử lý CPU và GPU, đồng thời tiêu thụ ít năng lượng hơn 30% so với con chip tiền nhiệm vốn xuất hiện trên các mẫu flagship của năm 2017.
Hiệu năng nhanh hơn và thời lượng pin lâu hơn chỉ là đỉnh của một tảng băng lớn. Một tính năng khác rất có thể sẽ xuất hiện trên mọi chiếc flagship sắp đến là khả năng quay HDR 10-bit - vốn đã xuất hiện trên flagship XZ2 của Sony ra mắt tại MWC 2018. Tính năng này ghi lại được nhiều dữ liệu hơn vào một tập tin video bởi nó tận dụng đến 10-bit dữ liệu thay vì 8-bit thông thường. Từ đó, video thu được sẽ có nhiều sắc thái màu hơn và hình ảnh sẽ trở nên chân thực hơn. Bên cạnh độ sâu màu, số lượng màu cũng tăng lên đến hơn 1 tỷ. Loại gam màu và độ sâu màu này chưa hề xuất hiện trên bất kỳ chiếc máy ảnh giá hàng ngàn USD nào trên thị trường, thế nhưng chẳng bao lâu nữa nó sẽ có mặt trên những thiết bị mà chúng ta vẫn thường nhét túi thường ngày.
Tiếp theo là sự bùng nổ của quay phim super slow-mo (siêu chậm). Sony XZ2 và Samsung Galaxy S9/S9 Plus có thể quay super slow-mo lên đến 960 fps, trong khi nhiều thiết bị khác đã có thể đạt đến 240 fps. Không cần phải nói, bạn cũng có thể đoán được các mạng xã hội sẽ sớm tràn ngập những đoạn video cực chất miêu tả cảnh người ta ném những thứ lên không trung theo khung hình rất chậm như vậy.
Các camera di động sẽ được tích hợp công nghệ AI và cảm nhận chiều sâu nhờ những tính năng có sẵn trong chip xử lý Snapdragon 845. Nhiều flagship trong thời gian đến sẽ có tính năng hiển thị AR thời gian thực, cho phép bạn tạo ra những AR emoji - tức những video hoạt hoạ về biểu cảm khuôn mặt của bạn tương tự như Animoji của Apple hay AR Emoji của Samsung. Sony XZ2 còn có ứng dụng 3D Creator, cho phép bạn quét khuôn mặt và các vật thể khác để tạo ra một mô hình 3D trực tiếp trên smartphone. Những tính năng này cho thấy công nghệ theo dõi khuôn mặt đã tiến xa đến thế nào trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là những công nghệ theo dõi tận dụng một vài phần cứng "nho nhỏ" khác bên cạnh camera điện thoại.
Điều đáng chú ý cuối cùng về camera trên những chiếc flagship sắp đến là chúng sẽ cho phép bạn đặt những vật thể AR vào thế giới thực dễ dàng hơn nhiều. Chúng ta đã thấy điều này trên iPhone và một vài thiết bị khác được trang bị những bộ vi xử lý thế hệ trước, nhưng những bộ vi xử lý thế hệ mới sẽ mang lại độ chính xác còn cao hơn nữa, cũng như giúp hiệu năng tổng thể tốt hơn. Hiện ứng dụng của AR vẫn chưa nhiều, nhưng cũng rất thú vị khi chứng kiến công nghệ này phát triển thần tốc như vậy.
Về mặt âm thanh, cả âm thanh độ phân giải cao và âm thanh độ phân giải cao qua Bluetooth đang dần trở thành các tiêu chuẩn công nghiệp. Nếu bạn chưa biết nhiều về âm thanh độ phân giải cao, thì nó về cơ bản là một khái niệm đề cập đến âm thanh có chất lượng cao hơn chất lượng CD. Nhiều thiết bị nền tảng Snapdragon 845, nổi bật là Sony XZ2 và Asus 5Z, sử dụng bộ giải mã âm thanh Qualcomm (DAC) để mang lại âm thanh chất lượng cao ở tần số bitrate cao hơn.
Đối với Bluetooth, công nghệ âm thanh chất lượng cao được cung cấp bởi Aqstic HD của Qualcomm, cho phép stream âm thanh 24-bit tới một tai nghe tương thích thông qua Bluetooth. Về cơ bản, mọi thiết bị mới được công bố tại MWC 2018 trở về sau có chip Snapdragon 845 đều sẽ tận dụng được các tính năng liên quan âm thanh này. Vậy nên ngay từ bây giờ, bạn nên sắm sẵn một vài bộ chuyển đổi 3.5mm sang USB-C bởi jack cắm này đang được xếp vào danh mục "động vật quý hiếm gặp nguy hiểm" mất rồi!
Nhờ bộ codec đã nhắc đến ở trên, các thiết bị này có thể được thiết lập để luôn luôn lắng nghe mà không tiêu thụ quá nhiều điện năng. Ví dụ như Sony XZ2 có thể kích hoạt Google Assistant mà không cần phải được cắm điện hoặc đánh thức. Bixby - trợ lý ảo của Samsung - cũng sẽ có thể thực hiện được như vậy. Có nghĩa là bạn chỉ cần nói "Hey, Google" hoặc "Hi, Bixby" để kích hoạt các trợ lý ảo này, giúp smartphone có thể sánh ngang với các loa thông minh như Amazon Echo và Google Home.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều flagship được trang bị chip Gigabyte LTE thế hệ thứ 2, mà khi kết hợp với Snapdragon 845 sẽ có thể cho tốc độ download đỉnh điểm lên mức 1.2Gbps. Công nghệ này hiện đã xuất hiện tại một số thị trường, và việc mang nó lên các flagship sắp đến sẽ giúp chúng "đón đầu" được tương lai.
Vẫn còn một số tính năng khác để chúng ta trông ngóng trong năm nay, nhưng trên đây là những tính năng thú vị nhất, với khả năng cao xuất hiện cao nhất.
Tham khảo: DigitalTrends
Nguồn: Genk.vn