Tờ Nikkei vừa đưa tin, Cơ quan Giám sát Thị trường Trung Quốc hôm nay vừa thông báo chính thức mở cuộc điều tra về cáo buộc "nghi ngờ độc quyền" đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.
Động thái kể trên cho thấy, giới chức Trung Quốc đang ngày càng siết chặt kiểm soát với các đại gia Internet từng được coi là biểu tượng sức mạnh công nghệ nước này.
Hiện tại phía Cơ quan Giám sát Thị trường Trung Quốc chưa cho biết thêm chi tiết.
Giới chức tài chính Trung Quốc cũng cho biết sẽ triệu tập Ant Group - công ty thanh toán của Alibaba đến các cuộc nói chuyện mang tính chất "hướng dẫn và giám sát", vài tuần sau khi IPO khổng lồ của Ant bị chính Bắc Kinh chặn lại vào phút chót.
Cổ phiếu SoftBank - cổ đông lớn nhất của Alibaba đã cắm đầu lao dốc sau khi thông tin kể trên được công bố. Hiện giá cổ phiếu này giảm 2,3% trên sàn Tokyo.
Từng được coi là lực đẩy cho sự thịnh vượng kinh tế và là biểu tượng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, Alibaba và đối thủ Tencent Holdings đang ngày càng chịu nhiều sức ép từ giới chức. Trung Quốc lo ngại khi các hãng này thu hút được hàng trăm triệu người dùng và có ảnh hưởng đến gần như mọi phương diện trong cuộc sống của người dân.
Trước đó, Jack Ma đã khiến chính quyền Bắc Kinh nổi giận sau một bài phát biểu vào tháng 10 khi lên tiếng chê các nhà băng Trung Quốc và các quy định của chính quyền mà ông cho là không hiểu gì về internet.
Kết quả là, chi nhánh tài chính Ant Group của Alibaba đã bị đình chỉ IPO khiến giới đầu tư hoang mang tột độ.
Tờ WSJ tiết lộ rằng trong cuộc họp với nhà chức trách trước đó, Jack Ma thậm chí đã bày tỏ ý định muốn hiến 1 phần Ant cho chính quyền nhưng vẫn không ngăn được quyết định đình chỉ IPO của Ant. Cụ thể, Jack Ma đã nói rằng: "Các vị có thể lấy đi bất kỳ nền tảng nào mà Ant có, miễn là đất nước cần".
Gần đây chính quyền Trung Quốc đã ra tay quyết liệt với một vài tập đoàn tư nhân trong đó có cả Ant. Cho tới gần đây, Jack Ma nổi tiếng có mối quan hệ tốt với chính quyền. Trước bài phát biểu công khai vào ngày 24/10, ông chưa từng có bất kỳ lời nói công khai nào liên quan tới các vấn đề chính sách của nhà nước.
Trong nhiều năm, nhiều công ty bao gồm cả Ant và các gã khổng lồ như Alibaba, Tencent đều được hưởng 1 giai đoạn chịu rất ít sự soi xét của chính quyền, nhờ vậy họ mở rộng được sang nhiều lĩnh vực từ thanh toán, cho vay…
Với WeChat của Tencent và một số ứng dụng khác được phát triển bởi những công ty này, người tiêu dùng Trung Quốc và những chủ doanh nghiệp nhỏ có thể mua sắm, gọi taxi, thực hiện đầu tư hay vay tiền chỉ bằng một cú vuốt điện thoại. Những công ty như Alibaba và Tencent đã trở nên quá quyền lực đến nỗi chính quyền phải lo ngại.
Tháng 11, Trung Quốc đã công bố một vài dự thảo luật nhắm tới việc ngăn những công ty như vậy thu thập dữ liệu nhạy cảm người dùng, chống độc quyền.
Nguồn: Genk.vn