Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Dùng MacBook Pro M1 Pro "đào" coin ETH, "lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn"

Dùng MacBook Pro M1 Pro "đào" coin ETH, "lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn"

Dù rất tiết kiệm điện và vẫn mang lại lợi nhuận, thợ đào phải mất đến 17 năm nếu muốn thu hồi vốn từ việc đào ETH trên MacBook Pro mới.

Các MacBook Pro mới của Apple được trang bị các con chip tùy chỉnh đầy mạnh mẽ, M1 Pro và M1 Max, với các bước tiến mạnh mẽ về hiệu năng xử lý lẫn đồ họa so với thế hệ tiền nhiệm. Điều này làm một số người tự hỏi: Liệu có thể dùng chúng để khai thác tiền số?

Đây cũng là câu hỏi của nhiều thành viên Reddit: "Với băng thông tương nằm trong khoảng từ RX 6700 XT và RTX 3060 Ti, liệu M1 Max có thể khai thác ETH với hashrate 55MH/giây (Megahash mỗi giây) không?" – "Nếu M1 Max có thể khai thác với hashrate hơn 40MH mỗi giây, tôi sẽ đặt hàng một chiếc MacBook Pro M1 Max thay vì M1 Pro."

Một lợi thế lớn trong các bộ xử lý của Apple khiến nhiều người kỳ vọng vào khả năng khai thác tiền số là mức độ hiệu quả năng lượng. Mức điện năng tiêu thụ của M1 Max và M1 Pro thấp hơn nhiều so với các GPU rời trong khi băng thông và hiệu năng tương đương, do vậy nhiều người kỳ vọng vào khả năng khai thác tiền số của chúng.

Một thành viên khác trên Reddit thậm chí cũng đã thử nghiệm khả năng này và cho biết: "Tôi có một MacBook Pro dùng M1 Max 16 64GB, khi chạy ở chế độ hiệu năng cao, tôi thu được hashrate 10,25MH/giây với phiên bản ETHminer-m1. Không nhanh chút nào, nhưng nó tiết kiệm năng lượng đến mức đáng kinh ngạc và số W trên mỗi hash rate đặc biệt tốt."

Tất nhiên mọi người muốn các con số cụ thể hơn về tác vụ này. YouTuber UFD Tech đã quyết định thử nghiệm nó với phiên bản dùng chip M1 Pro của mình.

Hiện đã có rất nhiều ứng dụng biên dịch nhị phân để các máy Mac M1 có thể khai thác tiền mã hóa, trong trường hợp này là để khai thác đồng Ethereum.

Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là không nên để việc khai thác tiền số chạy ngầm trên máy và làm các công việc khác. Khai thác tiền số luôn là một trong các tác vụ ngốn nhiều hiệu năng máy tính và kể cả chỉ dùng để lướt web đơn giản, trải nghiệm cũng vô cùng tồi tệ. Vì vậy, tốt nhất bạn chỉ nên khai thác tiền số khi không cần dùng máy tính vào việc gì cả.

Trong thử nghiệm nói trên, chiếc MacBook Pro dùng chip M1 Pro chỉ đạt tốc độ hashrate 5MH/giây. Quá chậm so với kỳ vọng của nhiều người, nhưng bù lại, mức tiêu thụ năng lượng của nó thấp đến mức đáng kinh ngạc – chỉ 17W – thấp hơn nhiều so với một máy tính Windows cho ra kết quả tương tự.

Quan trọng hơn cả là mức độ lợi nhuận của hoạt động này. Sau khi trừ đi chi phí cho điện năng tiêu thụ, cỗ máy này mang về lợi nhuận 12,82 USD mỗi tháng – nghĩa là 42 xu mỗi ngày. Nếu bạn muốn mua một chiếc MacBook Pro chỉ để khai thác tiền số, bạn sẽ mất 17 năm mới hòa vốn.

Thực tế hơn, bạn cần phải tính thêm cả giá trị bán lại của cỗ máy sau khi sử dụng trong vòng 4-5 năm. Lúc đó có thể mức lợi nhuận của bạn sẽ cao hơn, nhưng sẽ không nhiều như kỳ vọng. Đó là còn chưa tính đến các hư hại đối với linh kiện MacBook trong quá trình khai thác tiền số - đây vẫn là tác vụ tiêu hao nhiều nhất hiệu năng máy tính, việc hư hỏng hoặc giảm tuổi thọ sau một thời gian dài khai thác là điều khó tránh khỏi.

Ngay cả với con chip M1 Max, với hiệu năng khai thác có thể cao hơn gấp đôi M1 Pro, và giả sử như giá của đồng tiền số không biến động, hầu như cũng chẳng ai mua máy MacBook để khai thác tiền số cả.

Trước đó nhiều người còn cho rằng Apple có thể sẽ tham gia vào sân chơi tiền mã hóa, hoặc đầu tư một phần tiền mặt khổng lồ của mình vào lĩnh vực này, cho phép sử dụng tiền mã hóa trong ứng dụng Wallet, hoặc thậm chí tạo ra một phần cứng ví điện tử. Trong khi ông Tim Cook đã bác bỏ một vài khả năng này, gần đây ông cũng tiết lộ rằng, ông đã dùng tiền túi của mình để đầu tư vào lĩnh vực này.

GenK

Similar blogs