Nền tảng Trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI (FPT.AI) đã vượt qua nhiều đối thủ đến từ khắp nơi trên thế giới để giành vị trí cao nhất tại 03 hạng mục: ngôn ngữ Tiếng Anh, Tiếng Việt, Tiếng Hàn trong cuộc thi về mô hình Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) mang tên SHINRA2020-ML do Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản RIKEN và Đại học Tổng hợp Tohoku - Nhật Bản tổ chức.
Cuộc thi SHINRA2020-ML là hoạt động chính trong khuôn khổ Hội nghị NTCIR lần thứ 15 – sự kiện khoa học thường niên uy tín của Nhật Bản, thu hút sự tham gia của các trường đại học, phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu trên thế giới, với mục tiêu tạo dựng kho cơ sở kiến thức mở gồm các mô hình trí tuệ nhân tạo tối ưu nhằm chia sẻ cho cộng đồng công nghệ.
Đến với cuộc thi năm nay, các đội tham gia phải hệ thống và phân loại 25 triệu bài viết thuộc 30 ngôn ngữ khác nhau thành 219 lĩnh vực được định danh cụ thể trên trang Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
Để đạt được vị trí dẫn đầu, FPT.AI không chỉ sở hữu mô hình Xử lý ngôn ngữ tự nhiên với độ chính xác cao mà còn cả tài nguyên tính toán (hệ thống máy chủ và các bộ xử lý trung tâm) đủ "lực" để hoàn thành tác vụ yêu cầu. Đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực AI - nền tảng lõi trong cuộc cách mạng số, FPT đã sớm thúc đẩy nghiên cứu AI theo hướng ứng dụng trong nhiều năm qua nhằm mang công nghệ đến với từng doanh nghiệp, tổ chức. Thứ hạng cao tại cuộc thi quốc tế là một trong những minh chứng mạnh mẽ về sự đầu tư nghiêm túc, bài bản của FPT vào lĩnh vực này, góp phần khẳng định năng lực nghiên cứu công nghệ AI Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.
Cuộc thi thu hút nhiều đội thi đến từ các trường đại học, công ty, viện nghiên cứu uy tín của Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Việt Nam. Một trong những tên tuổi đình đám tham dự có thể kể đến Studio Ousia – công ty công nghệ nổi tiếng Nhật Bản vừa mới công bố mô hình NLP có tên "LUKE" với khả năng xử lý vượt trội so với các mô hình của Google, Facebook hồi tháng 4 vừa qua.
Thành tích xếp hạng của FPT.AI ở 3 ngôn ngữ
Là một trong những trụ cột quan trọng của Trí tuệ nhân tạo, công nghệ Xử lý ngôn ngữ tự nhiên tập trung vào nghiên cứu các tương tác bằng ngôn ngữ giữa máy tính và con người, từ đó mang lại các giải pháp giúp đột phá hiệu suất lao động cho con người, tối ưu hóa vận hành cho doanh nghiệp.
Sở hữu công nghệ Trí tuệ nhân tạo hàng đầu và hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, nền tảng FPT.AI có khả năng vận hành 24/7 với hiệu quả xử lý đa nhiệm nhanh gấp 10-15 lần so với quy trình xử lý truyền thống, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tập trung nguồn lực con người để thực hiện các công việc tạo ra giá trị cao hơn. Mô hình đoạt giải sẽ được tích hợp vào hệ sinh thái sản phẩm FPT.AI, giúp nâng cao độ chính xác và hiệu quả cho các giải pháp, ứng dụng AI đang ngày càng trở nên phổ biến như Chatbot, Tổng đài tự động, Tối ưu thông tin trích xuất từ ảnh chụp…
Sản phẩm đột phá Trợ lý ảo tổng đài nằm trong hệ sinh thái sản phẩm FPT.AI
Với tiền đề vững chắc này, FPT.AI dự kiến sẽ nghiên cứu và phát triển mở rộng sản phẩm sang các ngôn ngữ khác, từng bước chinh phục các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Về FPT.AI
Nền tảng FPT.AI cung cấp hệ sinh thái giải pháp dựa trên Trí tuệ nhân tạo mang lại đột phá hiệu suất vận hành doanh nghiệp, với các gói dịch vụ từ miễn phí tới trả phí được thiết kế riêng theo từng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp bao gồm: Nền tảng xây dựng Chatbot đa ngôn ngữ FPT.AI Conversation, Trợ lý ảo tổng đài tương tác bằng giọng nói tự nhiên Tiếng Việt (FPT.AI Virtual Agent For Call Center), Nhận dạng và trích xuất chính xác thông tin từ ảnh chụp (FPT.AI Vision), Tổng hợp và Nhận dạng giọng nói (FPT.AI Speech).
Được vinh danh Top 10 Danh hiệu Sao Khuê 2020 trong Hạng mục giải pháp công nghệ 4.0, FPT.AI đang là sự lựa chọn của hơn 70 tổ chức, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Vietnam Airlines, Honda, HomeCredit, Prudential, Bộ Y tế… với hơn 27.000 lập trình viên sử dụng thường xuyên, đem lại lợi ích cho hơn 11 triệu người dùng cuối.
Trải nghiệm miễn phí ngay tại https://fpt.ai/vi.
Về hội nghị NTCIR
Được tổ chức thường niên tại Nhật Bản từ 1998 đến nay, Hội nghị NTCIR tập trung vào mục tiêu thu thập các nguồn dữ liệu thử nghiệm lớn phục vụ cho các mục đích nghiên cứu sâu về khoa học máy tính, đồng thời mở ra "sân chơi" dành cho các nhóm nghiên cứu trao đổi và thảo luận những kết quả thử nghiệm này, hướng tới xây dựng cộng đồng chung các nhà khoa học nghiên cứu sâu về Trí tuệ nhân tạo.
Nguồn: Genk.vn