Startup giá trị nhất Indonesia là Gojek vừa tuyên bố họ sẽ hợp nhất tên thương hiệu ở 2 thị trường Việt Nam và Thái Lan, trở thành 1 nền tảng công nghệ duy nhất. Đây được cho là nỗ lực của Gojek nhằm tìm cách củng cố hoạt động và hình ảnh bên ngoài thị trường quê nhà.
Bước đi này tới khi Gojek đang trong cuộc chiến khốc liệt với Grab – đơn vị đang hoạt động rộng khắp trong khu vực và dưới cùng 1 thương hiệu, nền tảng.
Theo đó, GoViet của Việt Nam và Get của Thái Lan sẽ có cùng tên và nền tảng ứng dụng như công ty mẹ.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ phục vụ tốt hơn các thị trường và mang lại những doanh nghiệp lớn hơn ở mỗi nước bằng việc hợp nhất công nghệ và thương hiệu. Điều này đã được tiến hành trong nhiều tháng. Chúng tôi bắt đầu chiến lược để nâng cấp, đạt quy mô hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn khách hàng ở những thị trường này kể từ giữa năm ngoái", Adrew Lee - Chủ tịch toàn cầu của Gojek nói.
Cả chi nhánh Việt Nam của Gojek ra đời vào năm 2018 và chi nhánh Thái Lan ra đời năm 2019 đều mang tên thương hiệu khác lần lượt là GoViet và Get – sử dụng những ứng dụng khác nhau.
Nadiem Makarim – nhà sáng lập Gojek hiện là Bộ trưởng giáo dục Indonesia nói thời điểm ra mắt ứng dụng ở Việt Nam rằng Gojek không muốn áp dụng thương hiệu nước ngoài thay vào đó muốn chi nhánh hóa để "xác định được cá tính riêng".
Việc tiếp cận đó gây ra sự tương tác thấp giữa các nền tảng Gojek: Người dùng phải tải những ứng dụng riêng khi họ đi du lịch đến những quốc gia khác. Hợp nhất thương hiệu và công nghệ sẽ cho phép "siêu ứng dụng" Indonesia – nhà cung cấp từ gọi xe đến thanh toán mang đến những dịch vụ mới hiệu quả hơn.
Kỳ lân Indonesia – được định giá hơn 10 tỷ USD là một cái tên khá mới với cả 2 thị trường Việt Nam và Thái Lan. Grab đã có mặt tại Thái Lan kể từ năm 2013 và Việt Nam là 2014. Trong khi các dịch vụ của họ không khác biệt lớn, Gojek phải rất nỗ lực để chiến đấu với startup giá trị nhất khu vực.
Grab chỉ có 1 thương hiệu và ứng dụng duy nhất trên khắp 8 quốc gia đang hoạt động ở Đông Nam Á, trong khi đó cái tên Gojek chỉ hoạt động tại Indonesia và Singapore.
Bước đi lần này cho thấy Gojek đang trong thế tấn công bên ngoài thị trường quê nhà của họ sau khi được củng cố về mặt tài chính. Công ty mới nhận một khoản vốn đầu tư từ gã khổng lồ Facebook vào đầu tháng 6 và tuyên bố giảm 9% lực lượng lao động 1 tháng sau đó do những khó khăn mà họ gặp phải vì dịch Covid-19.
Lee muốn 50% người dùng Gojek và lượng giao dịch đến từ bên ngoài Indonesia và hợp nhất thương hiệu là "một cột mốc lớn với chúng tôi" trong việc đạt được mục tiêu đó. Việc thay đổi thương hiệu khiến họ "có khả năng cho ra mắt những sản phẩm mới và bước vào những thị trường mới".
Việc thay đổi thương hiệu sẽ không tạo ra bất kỳ thay đổi nào trong cấu trúc sở hữu của chi nhánh Thái Lan và Việt Nam. Công ty mẹ cũng bổ nhiệm ông Phùng Tuấn Đức – đồng sáng lập GoViet và cựu CEO trở thành Tổng giám đốc của chi nhánh Việt Nam. Chi nhánh này đã không có nhà lãnh đạo chính thức kể từ tháng 9 năm ngoái khi họ mất đi CEO lần thứ 2 trong 1 năm.
Lee cũng nói thêm rằng khi Gojek tấn công vào các thị trường mới nữa, họ cũng sẽ vẫn sử dụng thương hiệu và nền tảng công nghệ Gojek. Họ hiện đang đàm phán với nhà chức trách Philippine về việc tham gia thị trường này.
Gojek và Grab đang cạnh tranh trở thành siêu ứng dụng thống trị ở khu vực, thu hút người dùng đến các tảng của họ bằng việc tạo ra nhiều dịch vụ như gọi xe, thanh toán và giao đồ ăn.
Gojek hiện được "chống lưng" bởi Facebook, Tencent...
Nguồn: Genk.vn