Tuy nhiên, không dễ để các hãng Trung Quốc có thể chiếm lĩnh miếng bánh tại thị trường Nga.
Việc các hãng công nghệ phương Tây ồ ạt rút khỏi nước Nga đang tạo nên một khoảng trống lớn trên thị trường cần được lấp đầy. Không ai khác ngoài các công ty Trung Quốc đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống này.
Tuy nhiên, điều này có thể không hề dễ dàng trước các khó khăn đang ngày càng gia tăng về vận tải, tài chính và pháp lý.
Cho dù Nga là thị trường thiết bị công nghệ tương đối nhỏ so với các tiêu chuẩn toàn cầu – họ chỉ chiếm khoảng 2% lượng xuất xưởng smartphone và máy tính toàn cầu – nhưng đây cũng là thị trường điện thoại lớn nhất châu Âu và là một sân chơi công nghệ đầy tính cạnh giữa các thương hiệu phương Tây với các đối thủ đến từ Trung Quốc.
Hiện tại, theo Counterpoint Research, Xiaomi đang là thương hiệu điện thoại lớn thứ hai tại Nga, kẹp giữa người dẫn đầu Samsung và hãng Apple đang đứng thứ ba. Trong khi đó Lenovo đang là nhà cung cấp PC lớn thứ hai tại Nga, sau HP. Còn Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đầu tại Nga hiện nay và đang cạnh tranh với Ericsson về các hợp đồng 5G.
Trong khi đó, cùng với việc nhiều hãng công nghệ phương Tây rút khỏi Nga, Mỹ và các nước đồng minh cũng áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận lên nước này, bao gồm cả việc cấm xuất khẩu các sản phẩm cho lĩnh vực quốc phòng Nga cũng như các sản phẩm được làm từ thiết bị, phần mềm và trang bị của Mỹ.
Điều này lại càng tạo nên sự thiếu hụt về các thiết bị điện tử tiêu dùng như máy tính và điện thoại, nhưng lại mở toang cánh cửa dành cho các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn có những khó khăn không dễ giải quyết phía trước về khả năng vận tải, thanh toán cũng như lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và đồng minh.
Việc cấm xuất khẩu các sản phẩm được làm bằng công nghệ Mỹ vào Nga tương tự như những gì Washington đã áp đặt lên Huawei vào năm 2020. Đối với Huawei, lệnh cấm này đã khiến người khổng lồ công nghệ Trung Quốc lao đao khi các công ty trên thế giới – gồm cả nhiều công ty Trung Quốc – dừng bán hàng cho họ. Điều tương tự như vậy có khả năng lặp lại với Nga.
Đó là lý do vì sao nhiều nhà phân tích cho rằng, các công ty Trung Quốc sẽ không muốn chấp nhận rủi ro để mở rộng hoạt động tại thị trường Nga.
"Các công ty Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn là được lợi khi vi phạm các lệnh cấm vận. Đối với hầu hết công ty Trung Quốc, Nga chỉ là thị trường quá nhỏ so với rủi ro bị loại bỏ khỏi các thị trường phát triển khác hoặc bị trừng phạt." Các nhà phân tích tại hãng Gavekal Dragonomics cho biết.
Thứ Tư tuần trước, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng một bài báo nói về cơ hội của các hãng smartphone và ô tô Trung Quốc tại Nga khi các đối thủ Mỹ rút lui. Không lâu sau đó, bài báo này đã bị gỡ xuống.
GenK