Tại sự kiện WWDC dành cho lập trình viên hồi tháng 6 năm ngoái, Apple đã công bố dòng sản phẩm máy tính Mac của hãng sẽ chuyển dịch từ chip của Intel sang chip riêng của hãng, hay còn được gọi là Apple Silicon. Theo Apple, việc sử dụng chip riêng sẽ giúp Apple tạo ra những sản phẩm không chỉ đem lại hiệu năng cao hơn, mà còn hiệu quả hơn về khả năng tiết kiệm năng lượng.
Vài tháng sau đó, Apple đã ra mắt thế hệ chip đầu tiên dành cho máy Mac được hãng này phát triển mang tên "M1", kèm với đó là ba thiết bị đầu tiên được tích hợp con chip này là MacBook Air, MacBook Pro 13" và Mac mini. Gần đây nhất, vào hồi tháng 4, Apple đã công bố thêm chiếc iMac đầu tiên cũng với chip M1.
MacBook Pro và MacBook Air mới với chip Apple M1
Liên tục ra mắt những mẫu Mac mới với chip "cây nhà lá vườn", thế nhưng Apple cũng khẳng định rằng họ sẽ không bỏ rơi những máy Mac có sẵn chạy chip Intel. Apple không đưa ra một khoảng thời gian cụ thể, mà chỉ nói chung chung rằng "trong nhiều năm sắp tới".
Dù vậy, với bản cập nhật macOS 12 Monterey mới nhất, đã có dấu hiệu cho thấy những mẫu Mac chạy chip Intel bắt đầu bị Apple coi là "công dân hạng hai".
macOS Monterey
Phiên bản macOS Monterey dành cho máy Mac chạy chip Intel sẽ bị lược bỏ nhiều tính năng so với phiên bản dành cho M1, cụ thể là:
- Chế độ xoá phông nền cho FaceTime.
- Live Text: Nhận dạng chữ viết từ hình ảnh.
- Một vài tính năng trên ứng dụng bản đồ Apple Maps như chế độ hiển thị dưới dạng địa cầu (tương tự Google Earth) hay bản đồ chi tiết tại một số thành phố như San Francisco, Los Angeles, New York và London.
- Giọng máy đọc tự nhiên ở các ngôn ngữ Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.
- Nhận dạng giọng nói không cần kết nối Internet và không giới hạn thời gian (trước đây, tính năng nhận dạng giọng nói bị giới hạn trong 60 giây).
Xoá phông trên FaceTime, một trong số những tính năng bị cắt giảm trên máy Mac chạy chip Intel
Một số lời lý giải chưa chính thức từ cộng đồng người dùng Apple cho rằng chip Intel thiếu bộ xử lý AI như Apple M1, khiến cho những tính năng trên không thể hoạt động. Một số máy Mac chip Intel ra mắt trong vài năm trở lại đây có được trang bị chip bổ trợ T1 và T2 của Apple, tuy nhiên theo Rene Ritchie, một blogger chuyên về Apple, ngay cả chip T2 mới nhất cũng chỉ có sức mạnh tương đương chip Apple A10 trên iPhone 7. Ngoài ra, Apple A10 cũng không được tích hợp bộ xử lý AI, vốn chỉ xuất hiện kể từ chip Apple A11.
Dù vậy, lời giải thích này vẫn thiếu tính thuyết phục. Một số tính năng như xoá phông cho FaceTime hay nhận dạng chữ viết từ hình ảnh có vẻ như thật sự sẽ cần đến chip xử lý AI của Apple, nhưng liệu những tính năng như bản đồ địa cầu hay bản đồ chi tiết liệu có gì đặc biệt đến nỗi chip Intel không thể xử lý nổi hay không?
Không chỉ có vậy, macOS Monterey chứng kiến việc Apple loại bỏ hàng loạt mẫu Mac chip Intel khỏi danh sách hỗ trợ. Một số mẫu MacBook Pro 15" hay iMac ra mắt năm 2014 với chip lõi tứ và RAM 16GB vẫn còn rất mạnh, thế nhưng vẫn bị Apple "kết liễu" sau bản cập nhật này. Điều này cho thấy Apple đang trên đà loại bỏ dần những mẫu Mac với chip Intel để dồn sức phục vụ những mẫu Mac chạy chip xử lý riêng của mình.
Nhiều model Mac chạy chip Intel bị cắt giảm trên bản cập nhật macOS Monterey
Apple cho biết quá trình chuyển đổi từ chip Intel sang Apple Silicon sẽ kéo dài khoảng 2 năm. Hiện tại, Apple đã đi được một nửa chặng đường với sự ra mắt của MacBook Air, MacBook Pro 13", Mac mini và iMac. Một vài dòng sản phẩm dành cho giới chuyên nghiệp như MacBook Pro 14"/16", iMac Pro và Mac Pro vẫn chưa được Apple cập nhật, tuy nhiên dự kiến trong năm nay, người dùng sẽ còn được thấy ít nhất một trong ba dòng máy này có phiên bản mới.
Nguồn: Genk.vn