Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Huawei thua kiện và bị phán quyết ăn trộm công nghệ của startup CNEX

Huawei thua kiện và bị phán quyết ăn trộm công nghệ của startup CNEX

Bồi thẩm đoàn của vụ tranh chấp giữa Huawei và công ty do một nhân viên cũ của họ đồng sáng lập, CNEX, đã đưa ra quyết định của mình vào hôm qua. Theo đó, bồi thẩm đoàn này bác bỏ tuyên bố rằng người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc là nạn nhân trong vụ tranh chấp này, và cho rằng Huawei Technologies đã ăn trộm các bí mật thương mại từ CNEX.

Bồi thẩm đoàn ở Sherman, Texas cho rằng Huawei không được hưởng lợi từ vụ trộm cũng như không phải bồi thường thiệt hại cho startup CNEX Labs Inc.

Trung tâm của vụ tranh chấp này xoay quanh công nghệ ổ lưu trữ thể rắn, được làm từ các con chip có tên chip nhớ NAND Flash, để lưu trữ thông tin trên chất bán dẫn. Các ổ lưu trữ này cho phép truy cập dữ liệu với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với công nghệ ổ đĩa dựa trên đĩa từ truyền thống.

Huawei thua kiện và bị phán quyết ăn trộm công nghệ của startup CNEX - Ảnh 1.

CNEX Labs được thành lập năm 2013 bởi hai cựu giám đốc của Marvell Technology Group và nhà nghiên cứu Yiren "Ronnie" Huang, người trước đó từng làm việc tại Futurewei, công ty con tại Mỹ của Huawei.

Dựa vào công nghệ của mình, CNEX thiết lập mối quan hệ với các công ty công nghệ lớn như Microsoft, để phát triển phương pháp giúp việc lưu trữ trở nên nhanh hơn và rẻ hơn. Đây là một nhu cầu rất cần thiết đối với việc lưu trữ và truy cập những khối dữ liệu khổng lồ trên các dịch vụ lưu trữ đám mây.

Lập luận của các bên trong phiên tòa

Huawei cáo buộc rằng Huang muốn thành lập công ty riêng nhưng không nhận được sự hỗ trợ nào vì vậy ông đã gia nhập Futurewei vào năm 2011. Cũng theo Huawei, trong khi làm việc tại đây, ông Huang đã sử dụng một nhóm kỹ sư để phát triển công nghệ mới cho các thiết bị lưu trữ và sau đó rời khỏi công ty khi thành lập CNEX ba ngày sau đó. Tại đây, ông và các nhà sáng lập khác của CNEX tuyên bố ý tưởng của Huang thuộc về sở hữu của họ và lôi kéo các nhân viên khác của Huawei.

Trong khi đó, CEO của CNEX, Alan Amstrong nói với Bồi thẩm đoàn rằng, ông yêu cầu Huang giúp thành lập CNEX sau khi được giới thiệu từ một người bạn chung của hai bên. Bất kỳ cựu nhân viên nào của Huawei khi gia nhập CNEX đều là bởi vì họ cảm thấy "không hạnh phúc ở nơi họ làm việc và muốn làm cho một startup."

Huawei thua kiện và bị phán quyết ăn trộm công nghệ của startup CNEX - Ảnh 2.

Ông Huang, một trong ba người sáng lập nên CNEX, cho biết ông đã có ý tưởng này từ lâu trước khi gia nhập Futurewei, và rời khỏi đây sau khi nhận thấy công ty này không có nhiều hỗ trợ cho mình.

Huawei còn cho rằng, Huang bắt đầu tìm cách cấp bằng sáng chế trong nhiều tháng sau khi gia nhập Futurewei và rằng, bằng sáng chế của Huang dựa trên nghiên cứu ông thực hiện tại Futurewei. Bồi thẩm đoàn chỉ cho rằng Huang đã vi phạm thỏa thuận công việc về điều khoản tiết lộ đơn xin cấp bằng sáng chế, nhưng Futurewei không bị tổn hại bởi lỗi lầm đó.

Trong phiên tòa vừa qua, bồi thẩm đoàn nhận thấy Huang không ăn trộm bí mật thương mại nào trong vụ việc này. CNEX lập luận rằng, bất cứ điều gì Huawei tuyên bố là bí mật thực ra đều là các thông tin đã được công bố công khai.

Vụ kiện này không phải vì tiền

Huawei thua kiện và bị phán quyết ăn trộm công nghệ của startup CNEX - Ảnh 3.

Luật sư trưởng của CNEX, Matthew Gloss, cho biết sau phán quyết của phiên tòa: "Bởi vì chúng tôi là một công ty mới không có doanh thu hay lợi nhuận, vì vậy bồi thẩm đoàn không thể phán quyết về bồi thường cho CNEX đối với bất kỳ thiệt hại nào."

"Đây là một chiến thắng đối với các quy định của luật pháp và các tiêu chuẩn toàn cầu về đạo đức trong hành vi của doanh nghiệp." Ông cho biết thêm. "Vụ kiện này chưa bao giờ về tiền. Vụ kiện này là để cứu lấy công ty."

Bồi thẩm đoàn của phiên tòa còn cho rằng chính Huawei, nhưng không phải bộ phận nghiên cứu của họ tại Mỹ Futurewei, đã ăn trộm các bí mật thương mại của CNEX. Các luật sư của Huawei tại phiên tòa không đưa ra bình luận nào về phán quyết của phiên tòa này.

Trong khi đó theo Tim Danks, phó chủ tịch Huawei về quản trị rủi ro, công ty đang đánh giá lại quyết định này và cân nhắc các bước đi tiếp theo của mình. Ông Danks cho rằng kết quả này là "một phán quyết hỗn độn", và rằng công ty "thất vọng về việc bồi thẩm đoàn không cho bồi thường sau khi nhận thấy ông Huang vi phạm thỏa thuận công việc của mình."

Tham khảo Bloomberg

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs