Trang chuyên đánh giá smartphone Android đã nhận xét cảm biến vân tay được tích hợp vào nút nguồn vẫn chứng tỏ sự tiện dụng và hiệu quả vượt trội.
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, cảm biến vân tay dưới màn hình từ đã đi từ một bước đột phá công nghệ thành tính năng phổ biến trên smartphone. So với công nghệ này thì bảo mật vân tay với nút vật lý được cho là không thú vị và hiện đại bằng.
Tuy nhiên, theo trang AndroidAuthority, công nghệ vân tay dưới màn hình dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng việc có cảm biến vân tay vật lý, nhất là khi nó được trang bị kèm trong nút nguồn ở cạnh bên, vẫn chứng tỏ sự tiện dụng và hiệu quả vượt trội hơn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Một ưu điểm dễ thấy là chúng nhanh hơn một cách vượt trội. Không chỉ nhanh hơn trong việc mở khóa mà còn trong lúc đăng ký dấu vân tay. Ví dụ chiếc Zenfone 9 có cảm biến vân tay nhanh như chớp. Chiếc Sony Xperia 1 IV không hẳn là thiết bị có cảm biến vân tay nhanh nhất nhưng vẫn tốt hơn và chính xác hơn so với nhiều vân tay dưới màn hình.
So sánh với chiếc Google Pixel 6, sự khác biệt như là giữa ngày và đêm. Các cảm biến vân tay dưới màn hình thường gặp vấn đề với miếng dán bảo vệ màn hình, điều này không xảy ra với cảm biến vật lý.
Ngoài ra còn có những lợi thế khác nữa. Cảm biến vân tay ẩn trong nút nguồn cũng được che giấu rất tốt, nhưng bạn luôn biết chúng ở đâu. Cảm biến dưới màn hình rõ ràng cũng được ẩn đi, nhưng việc đoán chính xác vị trí của cảm biến khi màn hình tắt có thể là một vấn đề. Khu vực quét thường cũng khá nhỏ, dễ bị chạm hụt đối với cảm biến dưới màn hình, trong khi đó, nút nguồn rất dễ tìm do đó bạn chỉ cần chạm là trúng cảm biển.
Cảm biến vân tay tích hợp trong nút cũng có thể thông minh hơn. Ví dụ: Asus Zenfone 9 có các cử chỉ tùy chỉnh để khởi chạy ứng dụng nhanh chóng, xem thông báo, kích hoạt Trợ lý Google, v.v. Nhấn đúp, nhấn và giữ hoặc vuốt nhanh lên hoặc xuống sẽ giúp bạn truy cập nhanh vào các tính năng được sử dụng nhiều nhất.
Tất nhiên, cử chỉ vân tay không phải là mới. Các cử chỉ đã phổ biến khi điện thoại vẫn còn viền bezel dày chứa cảm biến vân tay, và khi các nhà sản xuất nghĩ rằng mặt sau là nơi tốt nhất để đặt cảm biến. Ví dụ: chiếc Pixel đầu tiên cho phép bạn xem nội dung trên thanh thông báo bằng cách vuốt trên cảm biến vân tay ở mặt sau của điện thoại. Nhưng việc tích hợp chúng vào trong nút nguồn hiện tại rất thanh lịch và về lý thuyết, có thể khả dụng trên mọi smartphone bất kể phong cách thiết kế của nó là gì.
Nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc tất cả cảm biến vân tay dưới màn hình trên thị trường đều có chất lượng kém. Cảm biến siêu âm 3D của Vivo X80 Pro là ví dụ tốt nhất hiện nay. Với một khu vực quét lớn, đăng ký dấu vân tay một chạm và phím tắt khởi chạy ứng dụng, thiết bị này đã đi trước một bước so với những gì hiện có trên thị trường, ngay cả khi so sánh cùng những sản phẩm cao cấp khác.
Dù là ví dụ thú vị về tương lai của công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình, nhưng X80 Pro vẫn là một ngoại lệ hiếm hoi. Hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy nhiều điện thoại được trang bị cảm biến vân tay dưới màn hình có chất lượng như X80 Pro hoặc vượt trội hơn, nhưng vấn đề chi phí, đánh đổi không gian bên trong, tương thích với màn hình, có thể vẫn sẽ là rào cản.
Không phải mọi cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm đều tuyệt vời, nhưng kỷ nguyên smartphone hiện đại dường như đã thiết lập tiêu chuẩn cho công nghệ này. Cho dù bạn đang bỏ ra hàng nghìn USD cho chiếc Xperia 1 IV cao cấp, hay mức chi phí thấp hơn nhiều để mua Poco F4 399 EUR, trải nghiệm nhanh chóng, đáng tin cậy và an toàn đều nằm trong tầm tay. Trong khi đó, Zenfone 9 đã chứng minh rằng cử chỉ vân tay rất hữu ích nhưng lại đơn giản đến mức mọi smartphone đều nên có.
Tập trung vào cảm biến vân tay tích hợp trong nút nguồn có thể khiến công nghệ vân tay dưới màn hình bị chậm lại vài năm, nhưng điều này cũng có thể là cần thiết, để nó được cải thiện cho đến khi chất lượng bắt kịp vân tay tích hợp vào nút vật lý và thật sự thay thế cảm biến vật lý truyền thống mà người dùng không cần phải đánh đối bất cứ điều gì.
GenK