Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế

Doanh thu sụt giảm vì dịch bệnh

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm nay đạt 3,82%, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính vẫn là tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và tại Việt Nam "công tác phòng chống và dập dịch được đặt lên hàng đầu, phải hi sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân", theo chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ.

Đặc biệt Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng âm về doanh số smartphone năm 2019 trong xu thế người tiêu dùng trung thành với những điện thoại cũ thay vì mua smartphone mới, theo nghiên cứu của GfK, thì sự xuất hiện thêm của dịch bệnh càng giáng thêm đòn đau vào các doanh nghiệp, chuỗi bán lẻ tại nước ta.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ chính là các cửa hàng, chuỗi bán lẻ di động có quy mô vừa và nhỏ. "Về cơ bản, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động đến hầu hết rất nhiều ngành hàng kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, từ doanh thu cho đến quá trình hoạt động. Tháng 2 với sự ra mắt của flagship mới, doanh số so với năm trước có tăng trưởng. Tuy nhiên xét về 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu mỗi tháng liên tục sụt giảm vào khoảng 20%, đỉnh điểm hiện tại là vào tháng 3. Với sự sụt giảm doanh số này, hiện công ty đang gặp rất nhiều khó khăn và mức độ thua lỗ dự kiến nghiêm trọng hơn trong thời gian tới nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát", đại diện CellphoneS chia sẻ.

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế - Ảnh 1.

Các cửa hàng, chuỗi bán lẻ vừa và nhỏ đang bị tác động nhiều nhất bởi tình hình dịch bệnh hiện tại

Chúng tôi ghi nhận tình trạng tương tự ở chuỗi cửa hàng Di Động Việt với mức sụt giảm doanh thu trung bình 30% trong vòng hai tháng đổ lại đây. "Doanh thu trong tháng 2 vừa qua giảm xuống chỉ còn 1/3 so với tháng trước, trở thành thời kỳ khó khăn chưa từng có đối với công ty kể từ khi thành lập", đại diện cửa hàng di động 24hStore chia sẻ, cho thấy tình thế cùng chung cảnh ngộ.

Với hai tên tuổi lớn nhất ngành bán lẻ di động là FPT Shop và Thế Giới Di Động (TGDD), sự ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh thu hiện tại ở mức nhỏ hơn. Báo cáo định kỳ của tập đoàn MWG cho thấy TGDD trong hai tháng đầu năm không tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với tên tuổi bán lẻ số 2 tại Việt Nam, tình hình kinh doanh theo đại diện của FPT Shop ở mức "trong tầm kiểm soát". "Tính đến hết tháng 2, kết quả kinh doanh vẫn diễn ra theo kế hoạch, tuy nhiên sang tháng 3 khi dịch bùng phát, đang thấy dấu hiệu doanh thu giảm nhẹ nhưng vẫn trong tầm kiểm soát theo kế hoạch. Trong thời gian vừa qua, mảng laptop của FPT Shop ghi nhận tăng trưởng rất tốt, cụ thể doanh số tháng 2/2020 tăng 79% so với tháng 1 và tháng 3 tăng 153% so với tháng 1".

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế - Ảnh 2.

Tác động của dịch bệnh Covid-19 lên các hệ thống bán lẻ lớn thời điểm hiện tại là chưa nhiều

"Xu hướng mua điện thoại của khách hàng từ lúc dịch bùng phát đến nay có thay đổi, tuy nhiên không hoàn toàn khác biệt. Người tiêu dùng bên cạnh việc quan tâm đến các sản phẩm Hero mới ra mắt, cũng đồng thời quan tâm đến các dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu và khả năng, đặc biệt các sản phẩm đã được chứng minh về chất lượng, thương hiệu và đang có ưu đãi thiết thực như Samsung S20 Series, Samsung Note10/10+. Tình hình bán điện thoại ở FPT Shop trong quý 1 vẫn đang bám khá sát kế hoạch đặt ra, đạt trên 90%", vị này cho biết thêm.

Kinh doanh mùa dịch, "cái khó ló cái khôn"

Để đối phó với tình hình dịch bệnh và cải thiện tình hình kinh doanh, các chuỗi kinh doanh di động chúng tôi liên lạc được đều cho rằng bên cạnh các thách thức gặp phải, đây còn là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng thúc đẩy mảng kinh doanh online cũng như tối ưu hóa chi phí vận hành.

Hiện tại các cửa hàng đều cố gắng giữ số lượng nhân viên cần thiết để phục vụ khách hàng mua offline, đảm bảo an toàn theo quy định của nhà nước. Trang bị đầy đủ khẩu trang cho nhân viên và yêu cầu giữ khoảng cách từ 2m trở lên, khuyến khích làm online đối với khối nhân viên văn phòng, nước rửa tay cho khách hàng, thiết bị khử khuẩn cho điện thoại, tablet, … là những việc làm thiết thực khác được các chuỗi bán lẻ, cửa hàng triển khai.

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế - Ảnh 3.

Mọi khách hàng đều được sát khuẩn tay trước khi vào cửa hàng

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế - Ảnh 4.

Một cửa hàng còn giới hạn mỗi lần đón tiếp chỉ tối đa 10 khách hàng

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế - Ảnh 5.

Các nhân viên đều đeo khẩu trang, các thiết bị bảo hộ cần thiết cũng như giữ khoảng cách an toàn

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế - Ảnh 6.

Rất nhiều cửa hàng còn trang bị thêm máy tiệt trùng để vệ sinh miễn phí cho điện thoại, tablet của khách hàng

Khi người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường, đây cũng là lúc các cửa hàng tăng cường mảng kinh doanh online. Đại diện cửa hàng 24hStore cho biết: "Hiện tại ngoài website chính thức của công ty, chúng tôi còn quan tâm đẩy mạnh phát triển những kênh thương mại điện tử khác, cụ thể như các gian hàng online trên Shopee, Sendo và Lazada".

Tại ba hệ thống lớn hơn bao gồm TGDD, FPT Shop và CellphoneS, ngoài đẩy mạnh bán hàng online, sự đa dạng về mặt hàng cũng được tận dụng. Làm việc/học hành từ xa khiến nhu cầu về các trang thiết bị như laptop, thiết bị kết nối mạng, linh phụ kiện tăng cao. Để kích cầu tốt hơn, tất cả hệ thống bán lẻ chúng tôi ghi nhận đều có khá nhiều ưu đãi cho khách hàng từ miễn phí giao hàng, giảm giá sản phẩm cho tới các hình thức độc đáo như tùy chọn mang thêm nhiều màu, sản phẩm khác tới nhà để khách lựa, hay tặng gói bảo hiểm Anti Covid-19.

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế - Ảnh 7.

Đa dạng các tùy chọn mua hàng online nhằm kích cầu mua sắm trực tuyến

Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn nhận và tối ưu quy trình hoạt động, tối ưu hóa hiệu quả làm việc cũng như chi phí vận hành. Như đại diện CellphoneS chia sẻ: "Trước những tác động do dịch bệnh tác động tới việc kinh doanh, ngoài những khó khăn, chúng tôi cũng nhìn thấy ra nhiều vấn đề trong quản lý doanh nghiệp, đặc biệt trong việc quản lý chi phí. Chúng tôi đã biết cách và thực hiện việc cắt giảm nhiều chi phí không trực tiếp đem lại doanh thu, cũng như việc tăng năng suất , hiệu quả của nhân sự , đây là điều mà chúng tôi không thể nhìn ra trước đây".

Bên cạnh tập trung thích ứng tình hình kinh doanh nhiều thách thức hiện tại, đại diện của FPT Shop cho biết phía tập đoàn đã đóng góp 2.000 chỗ cách ly tại ký túc xá của Tổ chức Giáo dục FPT ở Hòa Lạc và 20 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, buồng khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế … Đây là hành động đẹp với cộng đồng, xã hội, đồng thời nâng cao thêm giá trị hình ảnh doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.

Dự báo một năm "kinh tế buồn" cho ngành bán lẻ di động

Theo dự báo của IDC, sản lượng smartphone nửa đầu năm 2020, do bệnh dịch có thể suy giảm đến 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng trưởng âm 2,3% nếu tính trong cả năm 2020. Tính riêng tại Việt Nam, khi thị trường di động có dấu hiệu bão hòa, cú hit mang tên 5G tại nước ta được Nikkei nhận định đang có dấu hiệu thụt lùi trong cuộc đua triển khai vì người dùng tỏ ra thờ ơ thì dịch bệnh Covid-19 khiến tình hình đã khó càng thêm khó với các nhà bán lẻ.

"Trước khi dịch bùng phát, các nhà nghiên cứu từng cho rằng thị trường smartphone 2020 sẽ tăng trưởng mạnh sau một thời gian ảm đạm, tuy nhiên diễn biến của Covid-19 đã biến mọi dự báo trở thành một giấc mơ mà các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng smartphone phải chờ đến khi cơn dịch đi qua mới có thể tái khởi động", chia sẻ của đại diện 24hStore.

Kinh doanh di động mùa Covid-19: nhiều đại lý coi đây là cơ hội vàng để tái cơ cấu, dù thừa nhận chưa bao giờ gặp khó khăn lớn đến thế - Ảnh 8.

2020 dự báo sẽ là năm buồn với nền kinh tế nói chung, thị trường smartphone tại Việt Nam nói riêng

Đại diện CellphoneS dự báo về tương lai tương đối ảm đạm: "Mặc dầu các thiết bị công nghệ ngày nay đã thành mặt hàng khá quan trọng trong đời sống, tuy nhiên là nhu cầu mua sắm nâng cấp mới sẽ sụt giảm mạnh, và đặc biệt phân khúc cao cấp, khi người dân cần ưu tiên thu nhập cho các mục sinh hoạt. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, người lao động mất việc làm và thu nhập giảm sẽ là thách thức tác động trực tiếp tới ngành bán lẻ thiết bị công nghệ. Với các nhà sản xuất trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nặng nề, nên nguồn cung sẽ khó khăn và chi phí đầu vào tăng, ngành smartphone sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể phục hồi ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát".

IDC dự đoán riêng ngành sản xuất smartphone có thể phải đến quý III năm nay mới có thể quay trở lại vận hành một cách hoàn toàn bình thường. "Vấn đề lớn nhất đối với các công ty buôn bán smartphone sỉ và lẻ, là các nhà sản xuất, các nguồn cung smartphone ở thời điểm hiện tại sở hữu nhiều nhà máy ở Trung Quốc, lại phải đình trệ sản xuất vì dịch bệnh. Riêng ở Việt Nam nếu có thể chung tay kiểm soát tốt dịch bệnh, vượt qua thời kỳ đỉnh điểm này, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một tương lai gần khả quan hơn", nhận định mang tính lạc quan hơn từ phía 24hStore.

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs