Hóa ra trong quy định chặt chẽ của Apple có một kẽ hở mà ông Elon Musk và Twitter có thể tận dụng để thu phí người dùng mà không phải trả hoa hồng cho Apple.
Kể từ khi Twitter dưới triều đại ông Elon Musk bắt đầu thực hiện kế hoạch thu phí người dùng cũng là lúc họ phải đương đầu với một vấn đề khác: phí hoa hồng 30% cho Apple cũng như Google. Đó cũng là lý do cho những đồn đoán rằng Twitter có thể bị loại khỏi Apple App Store thậm chí cả Google Play Store nếu không chịu nộp khoản hoa hồng 30% này.
Không lâu sau đó, đích thân ông Musk đã đến gặp CEO Apple Tim Cook để nói chuyện và dù không có các chi tiết về cuộc thảo luận này, nhưng ông Musk vẫn khẳng định rằng "mọi chuyện tốt đẹp" và rằng Twitter đã làm hòa với ông lớn Apple. Nhưng làm thế nào hai công ty này có thể tránh được việc đối đầu nhau xoay quanh khoản phí hoa hồng 30%?
Đầu tiên, gần như chắc chắn rằng Twitter sẽ rất khó khăn nếu phải đối đầu một mất một còn với Apple. Cửa hàng App Store giúp tiếp cận hơn 1,5 tỷ thiết bị trên toàn cầu và là cửa ngõ chính giúp mọi người tiếp cận ứng dụng Twitter. Cho dù ông Musk từng tuyên bố rằng mình sẽ tự làm điện thoại và hệ điều hành riêng để đối phó với trường hợp bị loại khỏi App Store và Play Store – tuy nhiên hầu như ai cũng hiểu điều này khó khăn và phức tạp như thế nào.
Nếu thu phí tích xanh từ người dùng, Twitter của ông Elon Musk sẽ phải nộp hoa hồng 30% cho Apple
Apple cũng không thể có chiến thắng trọn vẹn. Chặn Twitter có thể khiến các lãnh đạo hàng đầu Apple phải đối diện với các buổi điều trần trên đồi Capitol trong nhiều tuần. Thương hiệu Apple cũng sẽ bị tổn hại và bị xem như có thiên vị chính trị. Và tất nhiên, nền tảng này sẽ không có Twitter – ít nhiều cũng là một ứng dụng giúp người dùng gắn bó với các thiết bị Apple.
Nhưng mức phí hoa hồng 30% của Apple cũng là điều kiện gần như bất di bất dịch đối với các ứng dụng muốn thu phí người dùng hiện diện trên App Store. Thậm chí gần đây, Apple còn thu cả hoa hồng 30% đối với các nền tảng quảng cáo như Facebook của Meta.
Trong khi đó, đối với một doanh nhân tỷ phú như Elon Musk, người vốn luôn than phiền rằng cái giá 44 tỷ USD để mua Twitter là quá đắt và gần như chắc chắn sẽ không muốn phải gánh cả phí hoa hồng 30% cho Apple – một khoản phí trước giờ ông luôn phản đối. Đó là chưa kể đến việc ông Musk còn dự định sẽ bán lại Twitter trong vài năm tới, do vậy nếu không loại bỏ được trở ngại về tài chính do Apple gây ra, kế hoạch này sẽ ngày càng xa vời.
Hơn thế nữa, với một người danh tiếng như Elon Musk, nếu để Twitter tự mình xây dựng hệ thống thu phí trong ứng dụng và công khai đối đầu với Apple, rất có thể sẽ tạo nên một hiệu ứng domino lôi kéo các ứng dụng khác làm theo. Đây là điều Apple không hề muốn – đặc biệt là khi họ đang trong cuộc chiến pháp lý đối với Epic và nhiều ứng dụng khác xung quanh việc độc quyền hệ thống thanh toán trên App Store.
Là một nhà ngoại giao cao tay, ông Tim Cook hiểu rằng cũng không dễ đối đầu với ông Elon Musk
Đó là lý do CEO Apple cũng cho thấy mình là nhà ngoại giao khôn khéo như thế nào khi tìm được cách hạ nhiệt căng thẳng với một người có tính cách bốc đồng và khó lường như ông Elon Musk. Dường như đó là lý do sau cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo công nghệ hàng đầu tại trụ sở Apple vừa qua, ông Musk tự tin tuyên bố rằng Apple không bao giờ có ý định loại bỏ Twitter.
Tuy nhiên trở ngại giữa hai bên vẫn còn đó và có rất ít khả năng ông Musk sẽ âm thầm chấp nhận mức phí của Apple. Tin tốt là vẫn có một giải pháp hoàn hảo có thể giúp ông Musk vẫn thu được khoản phí 8 USD cho mỗi tài khoản tích xanh trên Twitter mà không phải đương đầu với quy định ngặt nghèo của Apple về phí hoa hồng trên App Store.
Twitter có thể tự mình xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến trên website của mình để thu phí và khi người dùng đăng nhập vào tài khoản của họ trên thiết bị di động, các tính năng trả phí sẽ được mở khóa mà không phải xử lý thanh toán qua hệ thống của Apple.
Một quy định trong App Store có thể giúp Twitter thu phí từ người dùng mà không phải trả hoa hồng cho Apple.
Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Apple khi theo điều khoản số 3.1.3 (b) trong quy định của App Store, còn gọi là quy tắc Các dịch vụ Đa nền tảng, cho biết phí thuê bao có thể được thanh toán trên các nền tảng khác – bao gồm cả website – cho đến khi các ứng dụng thực hiện việc thanh toán trong ứng dụng.
Với quy định này, ông Musk có thể tính phí 8 USD cho những người thanh toán qua website và cộng thêm 30% nữa (khoảng 10 – 11 USD) cho những người thanh toán qua ứng dụng trên iPhone. Cuối cùng ông vẫn thu được 8 USD cho mỗi người dùng nhưng mức chênh lệch phí có thể khuyến khích người dùng sử dụng website nhiều hơn. Tất nhiên quy định này cũng đi kèm với điều kiện Twitter không được quảng bá hình thức thanh toán trên website trong ứng dụng.
Cho dù đã dàn xếp được với Apple, nhưng Twitter của ông Musk vẫn còn một nhiệm vụ khó khăn hơn trước mắt: đó là lôi kéo các nhà quảng cáo quay trở lại với nền tảng của mình. Nguồn thu từ những nhà quảng cáo này có thể lớn hơn rất nhiều so với số tiền thu được từ người dùng trả phí thế nhưng đang sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi ông Musk lên nắm quyền.
GenK
Nhân viên Digital Marketing - Google
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ OMMANI
Location: Hà Nội
Salary: 10 Mil - 15 Mil VND
Digital Marketing/ Facebook Ads hoặc Google Ads Thị Trường US - CA
Location: Hà Nội
Salary: Under 20 Mil VND