Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Mặt tối của ngành công nghệ phần mềm Việt Nam – Lập trình viên hay một thế hệ yếu đuối

Mặt tối của ngành công nghệ phần mềm Việt Nam – Lập trình viên hay một thế hệ yếu đuối

Nếu tham gia vào một buổi tán gẫu hay tụ tập “làm một tí” cùng các lập trình viên trẻ tuổi Việt Nam, cụm từ ‘OT – overtime’ có lẽ sẽ là cụm từ được nhắc đến thường xuyên nhất. Họ hay bàn về nó như một cơn “ác mộng” sau giờ làm việc nhưng đâu đó lại xen lẫn tự hào vì khả năng “cày cuốc trâu bò” của mình, nói vui vui theo kiểu ví von. Hiệu quả của OT như thế nào thì phạm vi bài viết này xin không bàn đến, nhưng nếu bạn thử thức khuya liên tục cả tháng hay thậm chí là vài tháng trời, ăn uống không tuân theo giờ giấc và hầu như không vận động gì nhiều ngoại trừ 10 ngón tay vẫn luôn linh hoạt trên bàn phím thì bạn cũng có thể hình dung sức khoẻ của mình đang bị bào mòn như thế nào rồi.

Phần lớn những con người trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết ấy hầu như không quan tâm đến những vấn đề về sức khoẻ của họ. Đơn giản là vì với sức trẻ ở độ tuổi từ 20 đến 25, họ hầu như không thể cảm nhận được sự tác động trực tiếp của cường độ làm việc liên tục đến sức khoẻ của mình. Đó là lí do vì sao các công ty gia công phần mềm (out sourcing) có rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn lập trình viên trẻ hoặc sinh viên mới ra trường, những nhân lực miệt mài  làm việc chưa mệt mỏi. Những vấn đề về sức khoẻ và thời gian mà những người trẻ phải đối mặt sau những năm tháng vô độ của mình hầu như không bộc phát ngay tức thời mà thường xuất hiện sau độ tuổi 30, độ tuổi mà lập trình viên sẽ phải vừa fix bug, đồng thời vừa … fix sức khoẻ của bản thân mình.

Với tình trạng luôn phải gồng mình đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp và khắt khe của thị trường Nhật và phương Tây khi thực hiện gia công sản phẩm phần mềm, các công ty outsourcing của Việt Nam đồng thời đối mặt với việc chỉ có trong tay nguồn nhân lực tiêu chuẩn nội bộ vốn còn cần nhiều cải thiện về mặt năng suất và năng lực. Ấy đó là còn chưa kể đến việc nguồn nhân lực này luôn chịu nhiều tác động từ các yếu tố thiếu ổn định của một quốc gia đang phát triển khác như xã hội, gia đình và cả sức khoẻ. Vì vậy, cái nghề lập trình tưởng như luôn được đánh giá nằm trong nhóm các ngành nghề nghe sao tri thức mà lương lại cao thực chất lại chứa đựng nhiều mặt trái mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận rõ nhất. Rất nhiều lập trình viên ở Việt Nam đã trải qua “thanh xuân” của mình bằng việc nhận về lại ít hơn cho những khoản hy sinh nhiều hơn về thời gian và sức khoẻ của mình. Mà thanh xuân khi đã qua đi, khó có thể nói đâu sẽ là khoản bù đắp xứng đáng cho những gì mà tuổi trẻ của một bạn lập trình viên đã trải qua.

Trên thực tế, chưa có thống kê đầy đủ nào chỉ ra danh sách các bệnh nghề nghiệp hoặc bệnh liên quan mà các lập trình viên có thể mắc phải nhưng nếu nhìn vào điều kiện làm việc hiện tại của họ trong ngành công nghệ phần mềm ở Việt Nam thì có thể dự đoán một số hậu quả không mấy dễ chịu về sau như các vấn đề về tim mạch, huyết áp, và cả tiêu hoá. Hình ảnh phổ biến có thể thấy của nhân lực làm việc trong ngành này đó là chế độ ăn không  điều độ, thường lạm dụng cà phê và thuốc lá để chống chọi lại các cơn buồn ngủ hoặc sa đà vào một vài thú tiêu khiển để bớt đi sự căng thẳng trong công việc như nhậu nhẹt hay chơi game quá độ … từ đó làm cho tình trạng sức khoẻ của họ ngày một tồi tệ hơn.

Hơn 10 năm làm trong lĩnh vực này, tôi nhận thấy phần lớn lập trình viên đều thiếu hoặc ít có tinh thần vận động. Ngoài yếu tố khách quan là công việc chiếm phần lớn quỹ thời gian của họ thì không phải công ty nào cũng mặn mà trong việc tài trợ cho các hoạt động thể chất của nhân viên vì nó khá tốn kém và phát sinh nhiều hệ luỵ không mong muốn khác nếu không quản lý tốt các hoạt động này. Nhìn thẳng vào vấn đề đi, chẳng có công ty nào lại thích nhân viên mình chưa đến giờ về đã chăm chăm vọt ra sân bóng đá và hôm sau xin nghỉ vì lý do … chấn thương hay ôi trời ơi deadline đã dí đến nơi mà các anh các chị thì chỉ mãi hò hét xung quanh trái bóng bàn và viện cớ “làm ván cho đỡ căng thẳng”. Việc ngồi quá nhiều khiến hầu hết lập trình viên cảm thấy mình bị dán chặt vào cái máy tính, uể oải và mất dần tinh thần đối với việc được vận động.

“Hãy làm OT nhiều lên, chúng ta sẽ dùng tiền đó để mua … vitamin T”, nhiều lập trình viên vẫn tự cười cợt và động viên nhau theo kiểu không biết vui hay buồn. Khi tài chính trở thành động lực làm việc, rất nhiều bạn lập trình viên xem việc OT này là “một phần tất yếu của cuộc sống”.  Tuy nhiên không phải công ty nào cũng sẵn sàng trả tiền OT mà thay vào đó bù đắp lại thời gian làm việc ngoài giờ này bằng cách quy ra ngày phép. Và một lần nữa, số ngày phép này liệu có được sử dụng để nghỉ ngơi hay không hay các lập trình viên chúng ta lại tiếp tục quay cuồng trong các dự án từ gấp đến rất gấp? Giữa một bên là thành công của dự án và một bên là sức khoẻ của nhân viên, nhiều công ty đã chọn cách … mua bảo hiểm sức khoẻ như một khoản bù đắp lại và tôi thiết nghĩ nếu các công ty bảo hiểm thử làm một thống kê đơn giản về việc chi trả bảo hiểm khám chữa bệnh cho nhân viên ngành IT, có lẽ họ sẽ thu thập được nhiều thông tin thú vị.

“Gục ngã trên bàn phím” xem ra là một hình ảnh đủ thi vị để minh hoạ cho một thế hệ lập trình viên yếu đuối về thể chất và là một hồi chuông gióng lên cho những bạn còn thiếu nghiêm túc với sức khoẻ của mình chỉ vì tự tin rằng mình đang còn … trẻ.

Nghề lập trình, cũng như rất nhiều công việc khác, nếu bạn không có sự đầu tư về tinh thần và sức bền, sau 30 tuổi bạn sẽ giật mình nhìn vào gương khi thấy “thân xác hoang tàn không nhận ra”. Có thể bạn cho rằng, tôi đang nói quá về ngành nghề đang được xã hội tôn vinh là một trong những công việc có thu nhập cao nhất tại Việt Nam trong những năm qua. Thế nhưng, tôi chỉ đang chia sẻ thật nhất từ những trải nghiệm của mình về những mặt trái của ngành công nghệ phần mềm khi đang có quá nhiều sự thổi phồng về hào quang sang chảnh của chức danh “lập trình viên” hay “lập trình viên cấp cao”.

Đọc đến đây chắc nhiều bạn sẽ nói, nhiều mặt trái thế thôi thì đi làm nghề khác cho xong. Nhưng hỡi ôi, những trái tim yêu nghề trót dính vào ba chữ “lập trình viên” thì chắc khó lòng dứt khỏi cái nghiệp mà mình đã chọn từ đầu. Vấn đề là hãy đừng chủ quan về sức khoẻ của mình, hãy chọn cho mình một công ty có chính sách quan tâm đến nhân viên đủ tốt và tạo cho mình sức bền bằng cách đầu tư một khoản thời gian nhỏ cho việc thể dục thể thao thường xuyên để có thể gắn bó với nghề lâu dài và không góp thêm tên mình vào danh sách “lập trình viên hay một thế hệ yếu đuối”.

(Nguồn hình: Internet)

Lâm Đỗ

 

Similar blogs

Hot Blogs