Không chỉ còn là tin đồn, điều iFan lo sợ nhất năm 2020 đã trở thành sự thật: Apple đã không còn bán kèm củ sạc với iPhone. Không chỉ có những chiếc iPhone SE hay iPhone 11 "giá mềm", ngay cả iPhone 12 Pro giá nghìn đô cũng bị cắt bỏ phụ kiện được coi là thiết yếu này.
Lý do được nhà Táo đưa ra rất cao đẹp: bảo vệ môi trường. Theo Apple, khi iFan sử dụng 2 tỷ củ sạc Apple đã lưu hành trên thị trường (và hàng tỷ củ sạc bên thứ ba khác), việc loại bỏ phụ kiện này sẽ giúp giảm mức độ ô nhiễm tương đương với 450.000 chiếc xe lưu hành trên thị trường.
Sự thật có đơn giản đến vậy?
Nâng cấp từ Android (hoặc iPhone 11 Pro/Pro Max)
Để "bảo vệ môi trường", Apple bỏ củ sạc và bán kèm iPhone 12 với dây sạc USB-C.
Một chi tiết duy nhất sẽ giúp bạn nhận ra dụng ý thực sự của Apple: dây sạc USB-C và Lightning được bán kèm iPhone 12. Bất kỳ một fan cứng nào của Apple cũng đều biết rằng chỉ có iPhone 11 Pro và 11 Pro Max là sử dụng loại củ sạc tương thích với đầu USB-C (cỡ nhỏ). Tất cả những chiếc iPhone khác, từ chiếc iPhone SE mới ra mắt năm nay cho đến những chiếc iPhone X/XS giá nghìn đô của quá khứ đều chỉ được bán kèm củ sạc có cổng USB-A (cổng lớn). Tất cả những chiếc sạc này đều không hề tương thích với dây sạc được bán kèm trong hộp iPhone 12.
Thật trớ trêu, dây sạc USB-C sang Lightning lại có thể sử dụng tốt với củ sạc của… smartphone Google. Không ngoài ai khác, Google chính là kẻ đầu tiên sử dụng cổng USB-C trên củ sạc để thay thế cho cổng USB-A cũ, bất tiện. Những chiếc Nexus 5X (do LG sản xuất) và Nexus 6P (do Huawei sản xuất) đã sở hữu củ sạc có cổng USB-C từ 2015, tức là cách đây 5 năm. Cả 5 thế hệ Pixel đến nay đều dùng củ sạc USB-C.
Tuy vậy, Google thuộc về nhóm thiểu số khi phần lớn các nhà sản xuất Android khác vẫn dùng củ sạc có cổng lớn - ngay đến cả Samsung năm nay mới chính thức chuyển sang củ sạc USB-C cho Galaxy S20. Xiaomi, OPPO, OnePlus, Huawei… phần lớn vẫn đang tặng kèm củ sạc USB-A theo máy.
Có rất ít điện thoại cũ sử dụng củ sạc tương thích với dây sạc đi kèm iPhone 12.
Điều này có nghĩa rằng nhóm người dùng có củ sạc tương thích với dây đi kèm iPhone 12 Pro là rất rất, ít. Muốn "bảo vệ môi trường" theo ý của nhà Táo, bạn phải thuộc về nhóm cực kỳ dư dả, sẵn sàng nâng cấp từ iPhone nghìn đô của năm ngoái sang iPhone nghìn đô năm nay. Hoặc, bạn đã chán Android và sẽ dùng iPhone 12 để thay thế những chiếc Pixel vốn nổi tiếng là… ế ẩm.
Còn với cộng đồng người mua iPhone đông đảo nhất - những kẻ nâng cấp từ những chiếc iPhone đã hơn 2 năm tuổi đời... bạn sẽ chẳng thể "bảo vệ môi trường" theo cách của Táo.
Vẫn nên mua củ sạc mới
Nếu chuẩn bị nâng cấp lên iPhone 12 từ iPhone cũ, bạn đang có sẵn một củ sạc cổng USB-A. Nếu bạn rất, rất cẩn thận, có lẽ dây sạc gốc của iPhone cũ vẫn còn, và bạn chẳng cần phải mua thêm bất cứ thứ gì để có thể sạc được cho iPhone 12. Nhưng dây Lightning của Apple vốn nổi tiếng là có chất lượng… dở tệ. Nếu bạn dùng một chiếc iPhone đã hơn 2 năm tuổi đời, có lẽ dây Lightning đi kèm chiếc iPhone của bạn đã sắp bong tróc đến mức phải vứt đi.
Như thế, bạn có trong tay một củ sạc cũ dùng cổng Type-A và một chiếc dây sạc mới, đầu Type-C. Bạn có hai lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là mua dây Lightning mới để dùng kèm với sạc cũ, mức giá là 19 USD. Lựa chọn thứ hai là mua củ sạc mới để dùng với dây Lightning - USBC đi kèm iPhone 12. Mức giá vẫn là 19 USD.
Có 19 USD, bạn mua dây mới để dùng với sạc cũ, hay mua sạc mới để dùng với dây đi kèm iPhone 12?
Rõ ràng lựa chọn thứ hai là lựa chọn hợp lý hơn. Cùng một khoản tiền bỏ ra, lựa chọn thứ 2 sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm sạc nhanh hơn hẳn.
Nhưng cũng với lựa chọn thứ hai, bạn thực chất đã chẳng tái sử dụng được bất cứ thứ gì từ iPhone cũ cả. Củ sạc cũ của bạn sẽ bị cho vào tủ cất, vì tốc độ sạc quá chậm so với củ sạc mới. Bạn vẫn gây hại cho môi trường bằng cách sử dụng củ sạc mới - điểm khác biệt lớn nhất là bạn phải TRẢ TIỀN CHO APPLE để mua củ sạc này.
Đến cuối cùng, những chiếc iPhone 12 không bán kèm củ sạc chẳng hề đem lại lợi ích gì cho môi trường cả. Kẻ nhận được lợi ích duy nhất là Apple. Công ty của Tim Cook đã giương lên một khẩu hiệu thật đẹp để tối ưu lợi nhuận thu về từ người dùng. Chỉ khi đặt mình vào tình huống thực tế, bạn mới nhận ra rằng đích đến cuối cùng của Apple vẫn chỉ là lợi nhuận mà thôi.
Nguồn: Genk.vn