Chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 không chỉ khiến chính trường nước Mỹ cũng như thế giới biến động mà còn khiến hàng loạt các ông chủ gặp khó trong việc quản lý nhân viên của mình.
Chỉ vài giờ sau khi Giám đốc điều hành Ginni Rometty của hãng IBM gửi lời chúc mừng đến Tổng thống Trump sau chiến thắng bầu cử năm ngoái cũng như đề nghị được cộng tác nhiều hơn cho các mục tiêu kinh tế, nhân viên của hãng đã có các động thái đáp trả.
Theo đó, Kỹ sư phần mềm Daniel Hanley đã soạn thảo một bản kiến nghị thúc giục ông Rometty phải có hành động phù hợp với các nhân viên của IBM, bao gồm “quyền từ chối của tập thể nhân viên tham gia vào bất cứ hợp đồng nào của chính phủ mà họ cho rằng vi phạm hiến pháp và tự do nhân quyền”.
Hiện bản kiến nghị này đã nhận được hơn 1.600 chữ ký của nhân viên IBM.
Khi quan điểm chính trị trở thành nhân tố bất ổn
Kể từ khi ông Trump làm chủ Nhà Trắng, hàng loạt CEO của những công ty lớn như Facebook, Uber đang phải chịu áp lực từ nội bộ cho những chính sách của doanh nghiệp cũng như quan điểm chính trị của riêng họ.
Hàng loạt những nhân viên như kỹ sư Hanley đang gây sức ép để buộc các ông chủ của họ hạn chế hoặc ngừng liên hệ cá nhân với Nhà Trắng. Ngoài các cuộc biểu tình, công khai phản đối hay thư kiến nghị, một số người thậm chí đã từ chức để phản đối việc công ty quá thân thiết với ông chủ mới của Nhà Trắng.
Trước đây, các công ty có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Mỹ thường trở thành tâm điểm chỉ trích cũng như biểu tình cho các sự kiện chính trị, như Coca Cola bị dính nạn phân biệt chủng tộc hay một số nhà thầu vũ khí khi Mỹ tham chiến ở nước ngoài. Mặc dù vậy, nhân viên của các công ty bị chỉ trích hiếm khi tham gia vào các phong trào này.
Tuy nhiên, Giáo sư Roger Gottlieb của Viện WPI nhận định tình hình đã thay đổi khi nền kinh tế đã có nhiều thay đổi, người lao động cảm thấy ít trung thành với doanh nghiệp hơn và họ nhận thấy cần phải lên tiếng trước những bức xúc trong xã hội.
Hiện trạng nhân viên từ chức vì bất đồng quan điểm chính trị tại các công ty Mỹ đang ngày một gay gắt. Sau khi Giám đốc điều hành Safra Catz của Oracle gia nhập đội ngũ cố vấn cho Tổng thống Trump, nhà quản lý đám mây của hãng, ông George Polisner đã từ chức và công khai lý do là do bất đồng quan điểm chính trị trên trang LinkedIn, thu hút được hơn 350.000 lượt xem.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Elizabeth Holli Wood của IBM cũng đã bỏ việc nhằm phản đối động thái ủng hộ Tổng thống Trump từ các nhà lãnh đạo hãng.
Thậm chí, thị trường việc làm của Mỹ cũng trở nên xáo trộn chỉ vì bất đồng quan điểm chính trị. Theo hãng tin Bloomberg, một vị luật sư đã hủy buổi phỏng vấn với hãng luật nổi tiếng Morgan, Lewis & Bockius khi biết rằng công ty này đã từng bào chữa cho các vụ kiện của ông Trump và thậm chí nhận được giải “Hãng luật tốt nhất của người Nga trong năm”.
Vị luật sư giấu tên này cho biết đã viết cho người tuyển dụng rằng anh ta không muốn làm việc cho một công ty luật không có cùng quan điểm chính trị với mình.
Bất chấp điều này, người phát ngôn của hãng luật Mobius cho biết công ty không phân biệt quan điểm chính trị của các khách hàng và không có luật sư nào là không muốn cộng tác với hãng.
Trong một diễn biến khác, một cuộc biểu tình đã diễn ra với 1.700 y bác sĩ nhằm chống lại sự kiện quyên góp của hãng Cleveland Clinic, dự kiến sẽ diễn ra tại một khu nghỉ dưỡng của ông Trump. Mục đích chính của cuộc biểu tình này là nhằm phản đối mệnh lệnh hành pháp ngày 27/1, qua đó cấm nhập cảnh với công dân của một số nước Hồi giáo.
Vì lệnh cấm này, nhiều bệnh nhân của Cleveland Clinic đã không thể đến điều trị theo kế hoạch và một số y bác sĩ cũng không thể quay trở lại làm việc sau thời gian công tác ở nước ngoài.
Và đây là kết quả
Dẫu vậy, kết quả của những động thái chống đối trên không thực sự rõ ràng. CEO Rometty vẫn tiếp tục ủng hộ Tổng thống Trump trong khi CEO Tony Cosgrove của Cleveland vẫn thực hiện buổi quyên góp ở khu nghỉ dưỡng của ông Trump.
Trong khi đó, một số CEO của các hãng khác thì lại có vẻ nghe theo tiếng nói nhân viên. Ví dụ như các nhân viên của Facebook đã kêu gọi CEO Mark Zuckerberg xem xét lại vai trò của công ty trong tình hình nhiều thông tin giả mạo bị phổ biến, qua đó gây biến động trong cuộc bầu cử năm 2016. Đáp lại, ông Zuckerberg đã công bố hàng loạt những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của các thông tin giả mạo, sai sự thật.
Người biểu tình phản đối Tổng thống Trump
Tương tự, CEO Travis Kalanick của Uber đã viết tâm thư cho nhân viên sau hàng loạt cuộc biểu tình của lái xe và khách hàng nhằm thông báo rằng ông đã rời khỏi Hội đồng cố vấn của tổng thống cũng như hạn chế liên quan đến chính phủ.
“Những lao động nhập cư và mở cửa cho người nước ngoài là một phần quan trọng cho thành công của đất nước chúng ta cũng như với Uber”, anh Kalanick nói.
Phó chủ tịch Subha Barry của Working Mother Media nhận định các công ty ngày nay sẽ phải giải thích cho những tài năng của họ về chính sách cũng như quan điểm chính trị để có thể đảm bảo một môi trường làm việc đoàn kết, thống nhất. Một số hãng như Comcast thậm chí vẫn trả lương ngoài giờ cho nhân viên tham gia biểu tình chống mệnh lệnh ngày 27/1 của Trump dù doanh nghiệp không hề có ý chống đối nhà lãnh đạo mới.
Việc giải quyết các quan điểm chính trị của công ty một cách khôn ngoan là điều cần thiết nhất với những công ty lớn hiện nay khi xung đột tư tưởng đang ngày một tăng cao ở Mỹ. Hòa hợp với nhà lãnh đạo mới là điều tất yếu, nhưng các hãng lớn cũng phải khéo léo để giữ chân nhân tài và không để trở thành tâm điểm chỉ trích từ công chúng.
Nguồn: Genk.vn