Khi ngày ra mắt đã đến gần, cánh cửa ra quốc tế vẫn đang đóng chặt với mẫu đầu bảng mới nhất của Huawei: theo tuyên bố mới đây của cả Huawei và Google, Mate 30 không được chứng nhận Google Play Services. Khi vén màn vào tháng 10 sắp tới, Mate 30 sẽ thiếu vắng toàn bộ các ứng dụng/dịch vụ của Google và thay vào đó rất có thể sẽ phải sử dụng một phiên bản EMUI được Huawei phát triển từ Trung Quốc – vốn là nơi Google hoàn toàn thiếu mặt.
Thoạt nhìn, đây không phải là vấn đề với người dùng Huawei có hiểu biết công nghệ. Do bản chất Android vẫn là hệ điều hành mở, người dùng hoàn toàn có thể cài đặt Google Play Services qua APK, từ đó truy cập vào cửa hàng Google Play và cài đặt các ứng dụng khác. Đây cũng chính là cách "lách luật" của người dùng Amazon Fire, vốn là chiếc tablet dùng Android do Amazon tự phát triển và cũng bị Google "cấm tiệt" như Huawei hiện tại.
Trên lý thuyết, cài đặt Google Play Store vào thiết bị không chính thống vẫn là hoàn toàn khả thi.
Vậy nên, về mặt lý thuyết, Huawei vẫn còn một con đường sống. Nhưng trong thực tế thì mọi thứ không đơn giản đến vậy.
Những vấn đề tiềm tàng
Vấn đề đầu tiên là quy mô và trách nhiệm. Trong khuôn khổ lệnh cấm, Huawei chắc chắn không được phép tự ý cài APK cho Google Play Services. Các nhà bán lẻ có thể nhận lấy trách nhiệm này, nhưng nếu họ thực hiện cài APK của Google trên quy mô lớn thì chắc chắn sẽ gặp phải rắc rối pháp lý từ Google.
Cuối cùng, kẻ duy nhất có thể thực sự cứu vớt Huawei là người tiêu dùng - nhưng đâu phải ai cũng biết cài APK? Nếu quá trình cài đặt APK gặp sự cố, liệu người dùng có thể hoàn trả thiết bị với lý do "không cài được Google Play"? Họ có bị từ chối bảo hành khi sideload (cài APK không chính thống), hiện vẫn là điểm mập mờ trong chính sách bán lẻ?
Cài được rồi, vấn đề tiếp theo phải tính đến là trải nghiệm. Cũng giống như bất kỳ một nhà sản xuất Trung Quốc nào khác, Huawei phải phát triển Android từ nhân mã nguồn mở AOSP. Vấn đề là Google đã bỏ mặc AOSP trong vòng nhiều năm liền, thay vào đó tập trung phát triển Android cho riêng mình cùng dự án Pixel; một số ứng dụng thậm chí còn không thay đổi từ thời 2.3 Jelly Bean. Chính chiến lược ranh mãnh này đã khiến cho Fire OS, Nokia X Platform trước đây và Android Trung Quốc hiện tại luôn luôn tỏ ra kém tầm so với Android quốc tế (hay chính xác hơn là Android-của-Google).
Người dùng Huawei sắp phải chấp nhận một trải nghiệm nhiều rủi ro và chắc chắn là thua kém Android Google.
Tiếp theo, ai là người sẽ đứng ra đảm bảo mức độ an toàn của file APK khi chắc chắn chúng sẽ đến từ những nguồn không chính thống? Trong thời đại mà tài khoản ngân hàng là yếu tố gần như bắt buộc để nhận lương, đây sẽ là điểm khiến nhiều người phải trăn trở. Như chính Google đã từng cảnh báo, "đẩy" người dùng đến với APK là đẩy họ đến với các nguy cơ về bảo mật.
Cần gì phải chịu đựng?
Trên tất cả, con đường sống của Huawei coi như vẫn khép chặt vì một lý do đơn giản: tại sao người dùng lại phải chấp nhận tất cả những vấn đề tiềm tàng trên chiếc Mate 30 nếu như họ vẫn có thể mua Samsung và smartphone của hãng Trung Quốc khác để tận hưởng một trải nghiệm Android đầy đủ? Trong lúc Huawei khổ sở vì lệnh cấm, Xiaomi vẫn kịp ra mắt chiếc A3 chạy Android One để trêu ngươi "đồng hương". Trong lúc Mate 30 còn chưa rõ số phận, Galaxy Note10 đã đoạt ngôi vương về ảnh chụp.
Cố mua Huawei để làm gì khi các hãng khác vẫn đang có Android như bình thường?
Cái khôn ngoan của Google là vậy. Trên giấy tờ, bản chất "mở" của Android sẽ luôn chừa cho bất kỳ một nhà sản xuất Android nào một con đường sống. Trong thực tế, cách duy nhất để bán thiết bị Android không-có-Google là… bán chịu lỗ theo kiểu của Amazon. Nhưng Amazon sẵn sàng bán lỗ là để làm mồi châm cho thương mại điện tử, cho nội dung số còn Huawei thì không. Huawei không có nền tảng thương mại điện tử số 1 thế giới để bù đắp cho điện thoại.
Nguồn: Genk.vn