Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Nửa ngày cùng "chú khủng long ăn kiêng" Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được

Nửa ngày cùng "chú khủng long ăn kiêng" Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được

*Bài viết trên quan điểm trải nghiệm nhanh vì người viết chỉ được cầm trong vòng nửa ngày, sẽ có những điểm không được đánh giá sâu mà chỉ cảm nhận những gì thích hay không thích từ chiếc máy này ở lần gặp đầu tiên. Chi tiết thông số/cấu hình máy sẽ không được nhắc nhiều ở bài này, quý bạn đọc có thể tham khảo ở bài trên tay trước đây.

Tính đến thời điểm viết bài, Sony a7C đang rất hot và nhận được nhiều sự chú ý từ các fan cũng như người dùng máy ảnh nói chung. Bởi đây là một trong số ít sản phẩm máy ảnh Full Frame thay ống kính (interchangeable lens camera) có kích thước siêu nhỏ gọn và hứa hẹn sẽ mở ra kỉ nguyên mới trong việc thiết kế lại form-factor máy ảnh.

Nửa ngày cùng chú khủng long ăn kiêng Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được - Ảnh 1.
 

Chính vì độ hot này, người viết cũng không thể giữ máy được lâu mà chỉ mượn trong vòng nửa ngày. Rất may hôm đấy cũng là Lễ Giỗ lần thứ 188 Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt nên có tuồng hát bội và tôi đã quyết tranh thủ khoảng 3 giờ đồng hồ ít ỏi để trải nghiệm nhanh hiệu năng của chiếc máy này, nhất là trong điều kiện ánh sáng phức tạp, thậm chí là thiếu sáng ở đây.

Như đã nói ở bài trên tay trước, cảm nhận đầu tiên về chiếc máy này là rất nhẹ, vậy nên trong thời gian cầm máy trải nghiệm tôi vẫn cảm thấy cổ tay rất thoải mái, không khác gì đang cầm một chiếc máy compact cả.

Thậm chí Sony a7C tôi mang theo lúc đấy cũng không có dây đeo, nên 100% buổi chụp là phải cầm, nhưng rất may là gờ đặt ngón tay của chiếc máy ảnh này khá sâu, tạo độ bám chắc mà không cần phải dùng lực để bấu vào nhiều.

Nửa ngày cùng chú khủng long ăn kiêng Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được - Ảnh 2.
 

Có thể nói về mặt công thái học, Sony đang làm rất tốt với sản phẩm a7C của họ. Khi kết hợp cùng với chiếc lens kit mới FE 28-60mm F4-5.6, Sony a7C tạo thành một cặp đôi vô cùng nhỏ gọn và dễ cầm đi khắp nơi, không khác gì dòng APS-C của hãng.

Vào việc nhanh, sau khi đến được lăng Tả quân Lê Văn Duyệt tôi liền rút máy để chụp ngay hậu trường, cảnh mọi người đang tất bật cho tuồng diễn hát bội. Thực tế thời điểm tôi đến là buổi diễn đã bắt đầu được khoảng gần 2 giờ, nhưng vẫn tiếp tục diễn ra thêm hơn 3 giờ nữa nên có lẽ cũng không hẳn là trễ.

Vài chiếc ảnh đầu tiên chụp bằng chiếc Sony a7C. Đây gần như là thời điểm duy nhất tôi bật màn hình để xem lại ảnh chụp có đủ như ý muốn hay không:

 

Nửa ngày cùng chú khủng long ăn kiêng Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được - Ảnh 4.

Màn hình Sony a7C có kích thước 3 inch, ưu điểm có thể xoay lật đa hướng nên rất phù hợp với dân quay vlog. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý với những ai quan tâm đến chất lượng hiển thị màn hình: độ phân giải của nó chỉ 992.000 điểm ảnh, tức chỉ ngang với a7 III và thua thiệt với một số sản phẩm khác trên thị trường vốn đã có hơn 1 triệu điểm ảnh.

Nhưng riêng tôi, màn hình là thứ tôi không quan tâm lắm, bởi xuyên suốt buổi chụp ảnh tôi có thói quen bấm chụp và quan sát xung quanh nhiều hơn là xem lại ảnh. Với tôi, việc xem lại ảnh là khi tôi đã xong buổi chụp và về nhà đổ ảnh ra máy tính để xem, tránh việc chụp vài tấm rồi cứ xem ảnh sẽ lỡ mất rất nhiều khoảnh khắc hay.

Nửa ngày cùng chú khủng long ăn kiêng Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được - Ảnh 5.
 

Đó cũng chính là lý do vì sao dạo thời gian trước tôi chọn dùng Fujifilm X-Pro3, dù nhiều người chê màn hình bị lật vào trong rất khó chịu, nhưng với tôi đó lại là cái hay để tôi tập trung hơn vào những gì đang diễn ra xung quanh thay vì chú tâm vào cái máy. Suy cho cùng, chiếc máy ảnh cũng là công cụ để ta ghi lại những khoảnh khắc mà ta thấy được mà thôi, nên hãy cảm nhận thế giới bằng chính con mắt ngoài của mình và bắt lấy nó bằng máy ảnh. Đừng phí thời gian xem lại ảnh quá nhiều trên màn hình camera.

Hầu như đa phần buổi chụp hôm đó tôi chỉ nhìn vào EVF của máy, với 2,36 triệu điểm ảnh, theo tôi là đủ để bố cục một cách rõ ràng và chi tiết. Một điểm nữa tôi thích ở chiếc máy ảnh này là đặt EVF sang góc trái kiểu rangefinder ngày xưa nên tôi có thể dùng mắt phải để ngắm vào và đôi khi mở mắt trái để quan sát những gì đang diễn ra xung quanh hay có bất kỳ ai đang chuẩn bị bước vào khung hình không để sẵn sàng "bắt" ngay khi cần.

Nửa ngày cùng chú khủng long ăn kiêng Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được - Ảnh 6.
 

Nói như thế không có nghĩa là màn hình của chiếc Sony a7C này vô dụng với tôi, thực tế có một số góc hạ thấp máy (hoặc giơ cao) tôi buộc phải dùng màn hình để bố cục và phải cảm ơn Sony đã trang bị cơ chế xoay lật đa chiều cho chiếc máy này.

Với thân hình nhỏ, tôi cứ nghĩ Sony sẽ rút gọn nhiều thứ bên trong và ta buộc phải chấp nhận để đổi lại độ mỏng và nhẹ. Bên cạnh đó, chiếc lens kit mới cầm cũng khiến tôi lăn tăn đôi chút vì khẩu độ quá nhỏ mà lại chụp trong môi trường ánh sáng vô cùng phức tạp, tranh sáng tranh tối liên tục. Nhưng sau vài bức ảnh, combo này đã thuyết phục được tôi hoàn toàn.

Hầu hết các bức ảnh đều được chụp ở ISO 12.800, điều mà trước đây tôi không dám đẩy lên mức này vì sợ bệt màu, chi tiết kém và đặc biệt là noise nặng. Nhưng không, Sony a7C đã mang đến điều bất ngờ, những mảng màu được render lại rất tốt, không bệt, không lẫn vào nhau và chi tiết vẫn giữ ổn định.

Nửa ngày cùng chú khủng long ăn kiêng Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được - Ảnh 7.
 

Ngoài ra, vì đứng ở cánh gà nên đèn sân khấu thường xuyên chỉa về phía ống kính của máy, trường hợp này sẽ là thử thách không nhỏ với hệ thống lấy nét của máy ảnh, nhưng bù lại bạn sẽ có được những khoảnh khắc ấn tượng. Sony a7C trong những trường hợp này lại thể hiện được điểm mạnh của mình, bắt nét rất nhanh và gần như số bức ảnh bị sai nét trong 500 bức ngày hôm ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Dù thân hình nhỏ gọn, Sony vẫn "nhét" cho a7C hệ thống chống rung 5 trục bên trong body và cũng nhờ đó những bức ảnh chụp thiếu sáng hôm ấy tôi có thể đẩy xuống ở tốc độ chụp thấp để bù cho khẩu độ khép sâu.

 

Điểm tôi thích cuối cùng là thời lượng pin, với gần 500 bức ảnh chụp RAW trong ngày hôm đó mà máy chỉ ngốn 34%. Điều này có nghĩa ngoài việc thân hình nhỏ gọn, Sony a7C còn giúp tâm thế tôi vô cùng thoải mái mỗi khi đi chụp hơn vì không cần phải sạc hay mang thêm pin dự phòng nữa. Cứ việc cầm mỗi máy đi dạo phố, thế là đủ.

Trên đây là những điều tôi thích nhất ở chiếc máy này sau nửa ngày trải nghiệm, vậy còn những gì chưa ưng ý hoặc người mua cần lưu ý?

Đầu tiên là thẻ nhớ chỉ có 1 khe duy nhất nên với những ai hay quay video nhiều thì nên lưu ý việc này.

Tiếp đến là thân hình nhỏ gọn của máy đôi khi lại là "con dao hai lưỡi", với mục đích sử dụng của cá nhân tôi thì không vấn đề vì chỉ dùng ống tiêu cự ngắn nhưng với những ai thích chụp chân dung hoặc dùng những ống kính tele thì có thể sẽ làm máy mất cân đối, từ đó việc cầm nắm và thao tác sẽ gặp khó khăn hơn.

Việc thiếu đi phần joystick với tôi cũng không mấy quan trọng, nhưng một lần nữa với các nhiếp ảnh gia chụp chân dung hoặc chụp sản phẩm thì đây là thứ khó có thể chấp nhận. Có lẽ vì cần "giảm béo" tối đa nên ta buộc phải mất đi một vài thứ.

Nửa ngày cùng chú khủng long ăn kiêng Sony a7C, đây là những điều tôi cảm nhận được - Ảnh 10.
 

Và cuối cùng, không hiểu vì sao giao diện menu của Sony a7C lại rất giống hệ thống APS-C trước đây hơn là kiểu mới trên đời a7 hiện tại. Tôi đánh giá không cao phần menu cũ của Sony bởi nó khá rối và đây sẽ là thứ cản trở người dùng mới nhập môn. Và dù màn hình hỗ trợ cảm ứng nhưng chỉ khi bạn thao tác ở giao diện chụp, còn ở menu thì lại không dùng được và buộc phải dùng đếm cụm phím điều hướng để di chuyển.

Nhìn chung do thời gian trải nghiệm ngắn nên tôi chỉ có thể cảm nhận được như vậy. Với những người dùng phổ thông, đây là chiếc máy ảnh rất phù hợp để sử dụng, ít nhất là trông nó bắt mắt và gọn gàng hơn so với các sản phẩm Full Frame khác trên thị trường, bên cạnh đó là hiệu năng rất tốt. Tuy nhiên nếu là người sử dụng cho mục đích thương mại, a7C có thể sẽ không đủ sức đáp ứng được hết vì lỡ "giảm béo" quá đà.

Nếu được so sánh, mọi người thường gọi những chiếc máy ảnh Full Frame khác là "mãnh thú", là "quái vật", nhưng ở Sony a7C, tôi xin phép được ví von nó là chú khủng long ăn kiêng, khi có tâm hồn to bự nhưng lại vì cố gắng giữ form đẹp nên buộc đánh đổi một số thứ mà không phải ai cũng chấp nhận. Dẫu sao, đây cũng là bước đi rất đáng khen của Sony và hứa hẹn sẽ mở ra kỷ nguyên thiết kế mới cho dòng máy ảnh Full Frame "compact" trong tương lai.

 

 

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs