Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Phản Phác Quy Chân – Từ chuyện luyện võ cho tới chuyện học code

Phản Phác Quy Chân – Từ chuyện luyện võ cho tới chuyện học code

Lâu qua không viết bài style kiếm hiệp. Hôm nay, sau một hồi trà dư tửu hậu, Code Dạo quyết định đối style, mượn chuyện kiếm hiệp để nói chuyện code.

Chuyện nửa thật nửa đùa nhưng lại… hơi hơi sâu sắc. Các bạn sinh viên, lập trình viên đã đi làm cứ đọc thử xem, biết đâu lại thấy bóng dáng mình trong đó, tự rút ra cho mình bài học gì hay ho thì sao.

 

Chương 1 – Cầm Dao Phái

Ngọn nguồn câu chuyện bắt đầu từ Tiêu Dao Sơn, động phủ của Cầm Dao Phái.

Nghe đồn, lão Tổ Tông của phái này ngày xưa có biệt hiệu là Code Dạo, một thời lừng lẫy giang hồ với món bảo bối Chiếu Yêu Kính – Nhận Diện JAV Idol.

Lúc về già, ngài vô tình cưỡi phi kiếm ngang qua Tiêu Dao Sơn, thấy nơi này long mạch dồi dào, linh khí phát đạt, liền ỷ mạnh chiếm đoạt đất đai bất hợp pháp, lấy Tiêu Dao Sơn làm nơi khai tông lập phái, chọn một cái tên hơi “nữ tánh” là Cầm Dao Phái.

Tiêu Dao Sơn, động phủ của Cầm Dao Phái

Nhân vật chính trong câu chuyện là hai thanh niên tài tuấn tên Bao Công và Công Tôn Thụ, đệ tử đời thứ hai của Cầm Dao Phái (Ngẫu nhiên trùng tên thôi chứ không phải người công người thụ đâu nhé hihi).

Chương 2 – Cầm Dao Phái Nhị Hùng

Ngưỡng mộ công phụ của Code Dạo Đại Sư, Công và Thụ gia nhập Cầm Dao Phái vào những ngày vừa lập phái. Cả Công và Thụ đều là đệ tử chân truyền của Code Dạo Đại Sư, được ngài dốc lòng dạy bảo.

Công tính tình chân chất thiện lương, lầm lì ít nói. Chàng không quá thông minh nhưng rất siêng năng, bền chí. Chàng thích luyện tập đứng tấn, trụ cột quyền pháp và nội công.

Thụ thì ngược lại. Vốn thông minh, học một hiểu mười, chàng nhanh chóng nắm vững võ công căn bản. Chàng đặc biệt thích nghiên cứu bí tịch, võ thư, đủ loại võ công tâm pháp. Luyện võ hai năm mà chàng đã rành thập bát ban võ nghệ (kiếm, đao, thương, tiễn).

Sau 4 năm luyện võ, hai người xuống núi, dùng một thân bổn sự hành hiệp giang hồ, trừ hại cho bá tánh; được võ lâm phong cho danh hiệu Cầm Dao Phái Nhị Hùng – Tức nhị vị anh hùng của Cầm Dao Phái.

Công và Thụ được người đời phong tặng danh hiệu Cầm Dao Phái Nhị Hùng

Code Dạo Đại Sư rất hài lòng với hai đệ tử, cho rằng một ngày hai người sẽ làm rạng danh môn phái, trở thành một đoạn truyền kỳ.

Chương 3 – Ma Đầu thức tỉnh, huynh đệ quyết đấu

Thế rồi ngày đó cũng đến! Một gã ma đầu xuất hiện làm võ lâm đai loạn (Nghe đồn gã Ma Đầu này đã tạo ra NodeJS). Nhân sĩ giang hồ đồng lòng tổ chức một hồi Lôi Đài so đấu, nhằm tìm ra Minh Chủ Võ Lâm trấn áp gã ma đầu này.

Với võ công siêu quần, Công và Thụ lần lượt hạ gục hàng nghìn đối thủ, tiến vào trận chung kết:

  • Thụ: Bao Huynh, trận chiến này liên quan tới sinh tồn của võ lâm. Đệ sẽ không vi tình đông môn mà nương tay
  • Công: Công Tôn Đệ, ta cũng vậy. Vì tôn trọng đệ, tôn trọng Cầm Dao Phái, ta cũng sẽ trổ hết chân tài thực học.

Vừa vào trận, Công Tôn Thụ vội trổ hết Thập Bát Ban Võ Nghệ, Di Tinh Chuyển Nguyệt, Quỳnh Hoa Bảo Điển.

Bao Công vẫn bình lặng đứng Kim Cương Tấn, tiếp vô vàn chiêu thức vẫn không suy suyễn.

Nửa canh giờ sau, Công đột nhiên thi triển một quyền cơ bản, thoạt nhìn nhẹ tựa lông hồng mà lại có sức nặng di sơn đảo hải, đánh Thụ văng khỏi Lôi Đài.

Trận chiến kết thúc, chàng trở thành Võ Lâm Minh Chủ.

Công đánh bại Thụ, trở thành Võ Lâm Minh Chủ

Chương 4 – Một đoạn gian tình

Chuyện về sau tạm thời chưa bàn đến. Nay chúng ta bàn một chút về gian tình giữa Công và Thụ, nhầm… giữa Thụ và Code Dạo Đại Sư.

Sau trận thua triệt để trên Lôi Đài, Thụ vô cùng tiếc hận. Chàng bế quan hai ngày hai đêm, vẫn không nghĩ ra tại sao mình thua trận. Bế tắc, chàng bèn thỉnh giáo Code Dạo Đại Sư:

  • Bẩm thầy, tại sao Thụ con một thân sở học ngất trời, tường tận Thập Bát Ban Võ Nghệ, Di Tinh Chuyển Nguyệt… mà lại không chịu nổi một quyền cơ bản của Công?

Đại Sư thở dài, ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi trả lời:

  • Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Mọi võ công đều xây dựng dựa trên trụ cột. Trụ cột của phòng thủ là đứng tấn và điều tức (hô hấp). Trụ cột của tấn công là nội lực.
  • Chiêu thức có tinh vi xảo diệu đến mấy mà không có nội lực hỗ trợ thì cũng chỉ như cây không có rễ, có hoa mà không có quả.
  • Nội công thâm hậu thì không cần chiêu thức, có thể trực tiếp lấy lực phá xảo. Mỗi quyền đánh ra đều có uy lực di sơn đảo hải.

Nói xong đại sư lặng lẽ bước đi, để Thụ ngẫm nghĩ một hồi lâu. Chàng đốn ngộ ra chân lý “Mọi võ công đều xây dựng dựa trên trụ cột”. Từ đó võ đạo không ngừng tinh tiến, danh chấn giang hồ.

Từ đó, võ đạo của Thụ không ngừng tinh tiến, danh chấn giang hồ

Chương cuối – Chuyện về sau

Sau đó, Công lẫn Thụ quyết định gạc bỏ hiềm khích, hợp lực đi trấn áp gã Đại Ma Đầu nọ. Trấn áp xong ma đầu, hai người sức tàn lực tẫn, nắm tay nhau mà chết.

Cũng có tin đồn Công và Thụ nhận ra tình cảm cả hai dành cho nhau, quyết định lánh xa thế sự, tìm chốn thế ngoại đào viên để an hưởng tuổi già. Ngày ngày 2 người nắm tay nhau đi ngao du sơn thuỷ, vui thú điền viên.

Những điều đó, sách sử không ghi chép lại, hậu thể chỉ có thể dựa theo lời đồn đại mà suy đoán lung tung.

Bài học rút ra

Ủa, thế thì câu chuyện nãy giờ có liên quan gì đến chuyện học code mà Code Dạo phải nói năng lòng vòng vậy nhỉ? Dĩ nhiên là có rồi!

Việc học code nhìn chung cũng tương tự như người ta học võ vậy. Hiện nay, đa phần các bạn sinh viên học theo hai xu hướng chính:

  • Học kiểu như “thích chiêu thức” như Thụ, thích học các công nghệ/ngôn ngữ mới, các công nghệ và framework mới thứ gì cũng biết sơ sơ một ít.
  • Học kiểu “vững cơ bản” như công, tức là học kĩ về Toán, thuật toán và cấu trúc dữ liệu, kĩ năng tư duy lập trình, cách viết clean code, không tập trung vào ngôn ngữ/framework cụ thể.

Hiện tại, biết nhiều framework như Thụ sẽ … dễ xin việc hơn, được các công ty ưa thích hơn. Tuy vậy, nếu chỉ biết dùng công nghệ mà không hiểu công nghệ, bạn sẽ mãi mãi chỉ biết mỗi thứ một ít, rất khó tiến xa và mất nhiều công sức khi cần học công nghệ mới.

Ngược lại, nếu có kiến thức nền tảng tốt, hiểu được design pattern, nguyên lý code hoạt động, các mô hình MVC/MVVM, IoC, bạn có thể dễ dàng đọc hiểu và sử dụng công nghệ/framework.

Xét cho cùng, framework cũng chỉ là code do người khác viết thôi mà!

Kết 

Tuy thế, như mình đã nói ở bài căn bản và tư duy lập trình, chỉ nắm kiến thức cơ bản là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu công việc. Bạn cần phải có kinh nghiệm, kiến thức với những công nghệ mà công ty đang sử dụng

Do vậy, mình khuyên mọi người nên hài hoà giữa việc học công nghệ do yêu cầu công việc và ôn luyện các kĩ năng cơ bản của software engineer (thuật toán, thiết kế hệ thống).

Túm cái váy lại, bài dài nhưng mình chỉ mong các bạn nhớ hai câu cuối cùng của Code Dạo Đại Sư dành cho Thụ:

Nội công thâm hậu thì không cần chiêu thức, mỗi quyền đánh ra đều có uy lực di sơn đảo hải.

Căn bản vững thì không cần chạy theo công nghệ mà có thể dễ dàng theo kịp nó.

Còn các bạn, các bạn nghĩ sao về tầm quan trọng của việc “học kiến thức căn bản” và học ngôn ngữ/công nghệ mới? Hãy để lại ý kiến trong phần comment nhé!

 

Nguồn: Toidicodedao.com

Similar blogs

Hot Blogs

Similar jobs