Xác vệ tinh cũ này sẽ được tập kết tại một "nghĩa địa" ngoài Trái Đất, để tránh va phải các vệ tinh khác.
Một cảnh tượng như trong phim Star Wars vừa diễn ra ngay trên quỹ đạo Trái Đất vào tháng trước. Cuối tháng Một vừa qua, một vệ tinh Trung Quốc bị phát hiện đang tóm lấy xác một vệ tinh hỏng từ lâu và đưa nó đến "nghĩa địa" của các vệ tinh – nơi các vật thể này khó có thể va vào các tàu vũ trụ khác.
Sự kiện hiếm hoi này được Tiến sĩ Brien Flewelling đến từ công ty ExoAnalytic Solutions phát hiện và trình bày trong một hội thảo mới đây do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS tổ chức.
Theo quan sát của ông Flewelling, vào ngày 22 tháng Một vừa qua, vệ tinh SJ-21 đã thay đổi vị trí của mình để tiến đến gần một vệ tinh đã hỏng có tên Compass-G2. Một vài ngày sau, SJ-21 đã gắn vào G2 và cùng nhau di chuyển về phía Tây. Vài ngày sau đó, hai vệ tinh này tách ra khỏi nhau và G2 bị đưa vào một nơi quên lãng – một nơi được xem như nghĩa địa của các vệ tinh để tránh đâm phải các vệ tinh khác.
Hiện các quan chức Trung Quốc vẫn chưa xác nhận về sự kiện này.
Vệ tinh Compass-G2 hay BeiDou-2 G2 là một vệ tinh thuộc hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường BeiDou-2, tuy nhiên nó đã bị hỏng không lâu sau khi phóng lên vào năm 2009. Trong hơn 10 năm qua, khối rác kim loại này đã trôi lang thang quanh Trái Đất cùng với hàng triệu mảnh rác vũ trụ khác trên quỹ đạo.
Trên thực tế, với tình trạng rác vũ trụ ngày càng phổ biến trên quỹ đạo Trái Đất như hiện nay, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng phát triển nhiều công nghệ khác nhau để dọn dẹp bầu trời.
Tháng Ba năm 2021, Nhật Bản ra mắt sứ mệnh ELSA-d được thiết kế cho việc thử nghiệm công nghệ thu gom và loại bỏ các mảnh rác vũ trụ. Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA cũng có kế hoạch triển khai sứ mệnh dọn rác vũ trụ của riêng mình vào năm 2025.
Kể từ khi các hoạt động không gian của nhân loại được khởi động từ những năm 60 của thế kỷ trước, hơn 6.000 vụ phóng tên lửa với hơn 50.000 vật thể đã được đưa vào quỹ đạo. Tuy nhiên theo Văn phòng Mảnh vụn Không gian của ESA, trong số 30.000 vật thể nhân tạo được quay quanh Trái Đất chỉ có khoảng 5.000 vật thể đang hoạt động.
Đó mới chỉ là các vật thể lớn có thể theo dõi, số liệu của ESA cho biết, trên không gian thuộc quỹ đạo Trái Đất còn hơn 300 triệu mảnh vụn nhỏ khác đang bay với tốc độ hơn 30.000 km/h, gấp gần 5 lần tốc độ của viên đạn nhanh nhất hiện nay.
Trong khi nhiều nỗ lực phát triển và triển khai các công nghệ thu gom rác vũ trụ đang ngày càng phổ biến, nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ lại bày tỏ lo ngại về các vệ tinh nhặt rác của Trung Quốc. James Dickinson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ cho rằng, công nghệ như SJ-21 của Trung Quốc "có thể được sử dụng để tóm lấy các vệ tinh khác trong tương lai."
GenK