Trong một thời gian dài, thị trường smartphone bỗng chậm lại vì thiếu đi những điểm nâng cấp đáng giá. Mỗi năm, các hãng ra mắt thêm một phiên bản với những thay đổi 'nho nhỏ', đủ để người dùng thấy được điểm khác biệt so với chiếc máy trước đó như thay đổi 1 chút thiết kế, pin tăng thêm một vài mAh, hay có những điểm thay đổi 'lợi bất cập hại' như bỏ cổng nhạc 3.5mm.
Khi những tính năng cơ bản đã quá tốt, các nhà sản xuất bắt đầu tạo sự khác biệt bằng hệ thống camera. Từ camera đơn độ phân giải thấp, giờ ta đã có 3, 4 thậm chí 5 camera sau với rất nhiều tính năng như chụp siêu rộng, độ phân giải siêu cao, zoom, chụp đêm,... nhiều đến mức smartphone đã đủ để loại bỏ hoàn toàn sự có mặt của những chiếc máy ảnh compact du lịch.
Dòng smartphone cao cấp Find của OPPO cũng không phải là ngoại lệ. Thế hệ mới nhất của dòng flagship OPPO Find X2 đã có những nâng cấp lớn về khả năng chụp hình. Với hệ thống 3 camera gồm một camera chính 48MP f/1.7, một camera góc siêu rộng 12MP và một camera zoom 2x 13MP, người dùng đã có đủ trong tay những công cụ để sáng tạo những bức ảnh mình mong muốn.
Có chăng, thứ mà Find X2 vẫn còn thiếu là hệ thống ống kính tiềm vọng có thể zoom xa hơn. Và nếu bạn cảm thấy trong cách sử dụng hàng ngày, có nhiều lúc bạn cần phải chụp 'với' tới những vật ở xa thì OPPO cũng đã có phiên bản Find X2 Pro với ống kính zoom hybrid tới 60x. Đối với tôi, phần cứng của Find X2 đã là đủ - kết hợp với những nâng cấp về phần mềm như chế độ chụp đêm, AI nhận diện cảnh, các bộ filter màu, việc chụp ảnh 'từ sáng đến tối, từ nhà ra phố' đều trở nên dễ dàng.
Không chỉ là ảnh tĩnh, khả năng quay video của OPPO Find X2 cũng rất đáng nói. Ta có đầy đủ khả năng quay Slo-mo, 4K/60fps và đặc biệt là khả năng quay chống rung kết hợp giữa cả phần cứng và phần mềm. Video dưới đây được tôi vừa đi xe trên đường vừa quay, các chuyển động đều mượt mà, không thua kém với việc sử dụng các biện pháp chống rung như gimbal quá nhiều.
Thử khả năng quay video của smartphone OPPO Find X2
Vấn đề nằm ở chỗ, những nâng cấp của hệ thống chụp hình, quay phim trên smartphone hiện nay cũng đã đi đến những giới hạn giống với các điểm thay đổi khác trong thiết kế và cấu hình. Đúng là Find X2 đã có những bước tiến lớn ở camera, đủ để cạnh tranh với những dòng sản phẩm flagship khác trên thị trường, nhưng để bắt được sự chú ý của người dùng, chiếc smartphone này còn làm được nhiều hơn thế, mang đến những công nghệ mới mẻ và nổi bật giữa 'đám đông'.
Có lẽ chỉ sau cấu hình xử lý, màn hình là thứ ảnh hưởng đến trải nghiệm hàng ngày của người dùng nhiều nhất. Không phải ai cũng chụp ảnh nhiều, không phải ai cũng ngắm mặt lưng để thấy được chiếc smartphone của mình đẹp đến mức nào, nhưng chắc chắn ai cũng sẽ 'soi' thật kỹ màn hình trong quá trình sử dụng. Đây là yếu tố mà OPPO Find X2 đã không làm người dùng thất vọng, được trang bị một trong những màn hình với thông số ấn tượng nhất hiện nay.
Danh sách những tính năng của màn hình Find X2 dài 'dằng dặc': là một màn hình AMOLED với độ lớn 6.7 inch, độ phân giải WQHD (1440 x 3168), cong tràn ở 2 bên viền, có một lỗ khoét nhỏ để đặt camera selfie 32MP f/2.4, hỗ trợ chuẩn HDR10 và được bảo vệ bởi kính Gorilla Glass 6. Thứ tạo nên sự khác biệt nằm ở tần số làm tươi 120Hz, cao gấp đôi so với thông thường.
Thử nghiệm màn hình 120Hz OPPO Find X2
Dành cho những bạn nào chưa biết: đa phần màn hình máy tính, laptop và smartphone hiện nay hiển thị 60 hình ảnh mới trên một giây, đã từ rất lâu rồi đây trở thành chuẩn chung cho tất cả thiết bị điện tử. Xu hướng tần số làm tươi cao hơn 60Hz (90, 120Hz) bắt nguồn từ nhu cầu của các game thủ PC, muốn thấy những chuyển động trong game 'mượt mà', không có những bước nhảy hình quá lớn nữa.
Xu hướng này cũng đã bắt đầu xuất hiện ở smartphone, trong đó nổi bật là Razer với chiếc Razer Phone II, Asus cùng ROG Phone, OnePlus với chiếc OnePlus 7 Pro, Samsung S20 Series và giờ là OPPO Find X2. Thứ làm Find X2 khác biệt, đó là lần đầu tiên kết hợp được màn hình AMOLED, độ phân giải WQHD và tần số 120Hz - cho một trải nghiệm hình ảnh cao cấp, không phải đánh đổi.
Cũng phải thừa nhận, lượng game hỗ trợ tần số làm cao lớn hơn 60Hz hiện nay cũng không nhiều, cũng với lý do là tính năng này vẫn còn khá mới. Song một điều chắc chắn đó là tất cả những smartphone cao cấp trong tương lai sẽ có màn hình 120Hz, và khi đó những game không hỗ trợ tần số mới sẽ lập tức trở thành lỗi thời!
Thời gian sạc là thời gian người dùng không được sử dụng máy, thay vì lướt web, xem phim hay chơi game ta thường 'bám' lấy tường để đợi máy sạc xong. Trong thời gian vừa qua các hãng smartphone đã có những cải tiến quan trọng trong vấn đề pin sạc để tăng thời lượng sử dụng cũng như rút ngắn thời gian cắm sạc.
OPPO cũng nằm trong số đó, thậm chí rất nhiều lần hãng dẫn đầu thị trường với chuẩn sạc VOOC độc quyền của mình. Với Find X2, ta có chuẩn siêu sạc nhanh mới nhất mang tên Super VOOC 2.0 65W, công suất lớn nhất trên thị trường hiện nay. Tôi đã có một bài viết tìm hiểu kỹ hơn về khả năng sạc của chiếc máy này, và có thể tóm gọn bằng 1 từ: Ấn tượng!
Do sử dụng 2 viên pin có thể sạc đồng thời, Find X2 từ trạng thái cạn kiệt tới đầy pin chỉ mất đúng 38 phút, bằng 1 phần 3 thời gian sạc của chiếc iPhone 11 Pro Max trong khi chiếc máy đến từ 'Táo' có viên pin dung lượng nhỏ hơn. Ấn tượng hơn là tốc độ sạc trong những phút đầu tiên của máy: mất 5 phút để đạt 20%, 10 phút đã có 40% và 50% (nửa pin) chỉ tốn 13 phút.
Trên thực tế, không ai sử dụng smartphone tới lúc sập nguồn thì mới bắt đầu sạc cả! Nếu như bắt đầu từ 20 - 30%, bạn sẽ chỉ phải thời gian sạc sẽ còn rút ngắn hơn nữa, không còn cảnh phải chờ hàng tiếng đồng hồ trước khi có thể tiếp tục sử dụng như những dòng máy không sạc nhanh, hoặc 'sạc không nhanh bằng'.
Bài viết này đã đưa ra lời dự đoán rằng công nghệ mạng 5G sẽ là một nhân tố để 'hâm nóng' lại thị trường smartphone sau một thời gian dài ảm đạm. Ngoài ưu điểm tốc độ nhanh hơn mạng 4G LTE hiện nay để người dùng có thể tải nội dung như game, phim nặng một cách nhanh chóng hơn, 5G cũng sẽ có độ trễ thấp hơn đáng kể để mở đường cho những ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường. Khi sử dụng thực tế ảo, không ai muốn tương tác với những ứng dụng có độ trễ cao, gây ra lag - thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe (chóng mặt, đau đầu) trong thời gian sử dụng lâu dài.
Một ứng dụng khác cũng đáng nói của mạng 5G đó là khả năng stream game trực tuyến. Thông qua các dịch vụ như Nvidia GeForce Now hay Google Stadia, người dùng có thể chơi những game nặng, thậm chí không được làm cho nền tảng di động trực tuyến và tất cả đều được xử lý bằng một máy chủ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
OPPO Find X2 là smartphone đầu tiên ra mắt chính thức tại Việt Nam được trang bị mạng 5G nhờ vào việc có vi xử lý Qualcomm Snapdragon 865 cùng module X65. Cũng giống như màn hình 120Hz thì mạng 5G hiện nay chưa được phát triển một cách toàn diện khi các nhà mạng Việt Nam vẫn đang ở bước thử nghiệm chứ chưa đưa vào áp dụng diện rộng. Nhưng cũng giống màn 120Hz, 5G sẽ trở thành tương lai và bỏ lại những dòng máy không được áp dụng nó.
2020 chỉ mới bắt đầu, nhưng qua việc tìm hiểu dòng smartphone đầu bảng OPPO Find X2 ta hiểu được hướng đi của thị trường này trong toàn năm. Không còn là những điểm nâng cấp nho nhỏ, 'thêm mắm thêm muối' nữa, đó là những điểm nâng cấp thực sự có ích cho người dùng trong hiện tại và tương lai như đã kể trên.
Nguồn: Genk.vn