Hội Nghị Thượng Đỉnh Qualcomm 2019 tại Hawaii đã giới thiệu rất nhiều nền tảng và công nghệ mới của hãng này, hứa hẹn mang đến trải nghiệm mới cho người dùng lẫn doanh nghiệp trong năm sau.
Và trong khuôn khổ ngày thứ 2 giới thiệu nền tảng Snapdragon 865, trưởng bộ phận Marketing PJ Jacobowitz đã lên phát biểu trước báo giới và đối tác về những công nghệ mà Qualcomm đem lại cho nhiếp ảnh trên điện thoại.
Mở đầu slide phát biểu, ông đưa máy ảnh DSLR ra thành đối tượng so sánh. PJ Jacobowitz cho biết "10 năm nay, máy ảnh DSLR đã đi được đến đâu? Dù có đến đâu thì nó vẫn có 1 camera!".
Những tưởng đây chỉ là một câu đùa, nhưng ngay lập tức ông đưa ra phép so sánh tiếp theo, cho hiển thị "đối thủ sừng sỏ" của DSLR hiện nay là smartphone. "Nhìn sang smartphone, bạn sẽ thấy thị trường giờ đây đã có đến 5 camera, trong khi đó DSLR qua 10 năm vẫn mãi là 1 camera".
Vị trưởng bộ phận Marketing này còn không ngần ngại khoe một loạt công nghệ mà smartphone sở hữu nhưng DSLR chưa chắc gì có được, chẳng hạn như AR, Depth Sensing, Portrait Mode, Computer Vision, Super zoom...
Dẫu biết rằng camera trên smartphone những năm gần đây phát triển rất nhanh, tất nhiên có sự đóng góp không nhỏ của vi xử lý hình ảnh và nền tảng Snapdragon đến từ Qualcomm. Nhưng chính sự so sánh có phần khập khiễng như thế khiến chúng tôi lo ngại, rằng liệu Qualcomm đang nhầm tưởng phần cứng và cả phần mềm smartphone đang vượt trội so với DSLR hay đó chỉ là một bài quảng cáo nhằm loè người dùng?
Về khía cạnh phần cứng, dù cho rằng hiện tại smartphone đạt được 5 camera và có 5 cảm biến khác nhau phục vụ cho mục đích của người dùng, nhưng điều đó không có nghĩa nó hơn hẳn được DSLR.
Nhược điểm của smartphone là không thể thay được ống kính như trên máy ảnh DSLR, nên các nhà sản xuất và phát triển mới nghĩ ra hướng làm nhiều camera trên một thân máy smartphone để đáp ứng được nhiều nhu cầu từ zoom cho đến macro hay xoá phông.
Tuy nhiên, vì thân hình nhỏ gọn của smartphone nên cảm biến bên trong cũng nhỏ hơn rất nhiều so với một chiếc máy ảnh mà chúng ta cầm trên tay, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chi tiết, dải sáng động... và chưa kể đến là các thuật toán xoá phông hiện nay cũng không thể bằng được ống kính chụp chân dung của máy ảnh.
Một phép so sánh nhỏ về kích thước cảm biến và hàng dưới cùng chính là những cảm biến dành cho smartphone. Để dễ hình dung, chiếc smartphone 108 MP mới đây của Xiaomi là CC9 Pro chỉ có kích thước cảm biến 1/1.33".
Thêm một điểm vượt trội khác của máy ảnh DSLR so với smartphone chính là cấu tạo quang học từ ống kính. Những ống kính dành cho DSLR được sản xuất từ các thấu kính tốt, có khả năng tái tạo hình ảnh và màu sắc với thực tế tốt hơn, bên cạnh đó khử các hiện tượng flare, quang sai, méo góc... cũng hơn hẳn so với những thấu kính bé tẹo trên smartphone.
Nói cách khác, nhiếp ảnh của smartphone thực tế chỉ sống dựa vào các thuật toán và những chiếc ống kính nhỏ lắp đầy ở mặt sau thân máy để giảm bớt đi khiếm khuyết của nó, còn về việc thay thế hoàn toàn chiếc máy ảnh (ở khía cạnh chất lượng) thì vẫn chưa khả thi ở thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, chúng tôi phải công nhận rằng chính smartphone đã phổ biến nhiếp ảnh đến cho người dùng nhiều hơn, nhờ sự tiện dụng có sẵn cũng như thao tác dễ dàng nên giờ đây bất cứ ai cũng có thể chụp ảnh được.
PJ Jacobowitz cho biết "một gia đình chỉ có thể chia nhau dùng chung một chiếc máy ảnh, nhưng với smartphone thì giờ đây ai cũng có "máy ảnh" cả rồi!".
Một loạt công nghệ được sinh ra, kể cả khả năng xử lý được cảm biến độ phân giải 200 MP trên smartphone, những thứ này có thể giúp smartphone ngày càng chụp ảnh chất lượng hơn, nhưng để ngang tầm được với DSLR thì có lẽ vẫn còn chặng đường khá dài phía trước.