Thật may lệnh cấm này đã được gỡ bỏ chỉ sau 2 ngày.
Mọi người dường như không còn thời gian kiểm tra hay đọc email nữa khi trong hòm thư nhiều người có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn email chưa đọc. Nếu một email quan trọng bị bỏ sót, không chỉ một cá nhân nào đó mà có thể cả công ty bị ảnh hưởng. Đó là điều vừa xảy ra gần đây với ứng dụng nhắn tin Telegram tại Brazil.
Thứ 6 tuần trước, thẩm phán tối cao của Brazil, Alexandre de Moraes đã yêu cầu Apple và Google giúp chặn ứng dụng Telegram tại nước này với các cáo buộc phát tán tin giả. Nhưng trong tuyên bố mới của nhà sáng lập kiêm CEO Telegram, Pavel Durov đã giải thích nguồn cơn cho lệnh cấm này.
Theo ông Durov, lệnh cấm này là vì công ty đã không phản hồi lại một yêu cầu của tòa án nhằm gỡ bỏ một tài khoản. Nhưng theo ông Durov, công ty đã quyết định sử dụng một email dành riêng cho những yêu cầu như thế này – nhưng có lẽ tòa án đã không biết đến điều này và lại gửi yêu cầu đến địa chỉ email chung. Do vậy Telegram đã bỏ qua, không nhận được email này và cuối cùng phải nhận lệnh cấm vì bị xem như coi thường tòa án. Tuyên bố cũng cho biết, hiện công ty đã tìm thấy email nói trên và đang cố gắng khắc phục tình hình.
Báo cáo từ New York Times cho biết, Telegram bị Brazil điều tra với cáo buộc là nơi chia sẻ tin giả về các chính trị gia của nước này. Đây cũng là lý do thẩm phán tối cao của Brazil Alexandre de Moraes đã gửi email yêu cầu Telegram gỡ bỏ một số tài khoản và nhóm trên nền tảng này. Tuy nhiên, vì không kiểm tra hòm thư này, Telegram đã không biết đến email trên và không phản hồi lại tòa án, điều đó dẫn đến lệnh cấm ứng dụng của Brazil.
Dường như lời giải thích của CEO Telegram đã được tòa án Brazil chấp thuận khi chỉ 2 ngày sau khi cấm cửa ứng dụng này, lệnh cấm đã được gỡ bỏ. Bên cạnh lời giải thích về việc bỏ qua email của tòa án, Telegram cũng đã thực hiện yêu cầu trong email này khi xóa bỏ những tài khoản liên quan đến việc phát tán thông tin về những chính trị gia của nước này.
GenK