Tưởng chừng là niềm hy vọng vớt vát cho mảng kinh doanh smartphone và màn hình nhưng giờ đây, chip nhớ cũng phải chịu chung số phận. Đó có thể là lý do buộc Samsung phải tìm đến một giải pháp tăng trưởng khác tốt hơn.
Hoạt động kinh doanh chip nhớ đã từng là "mỏ vàng" hái ra tiền của Samsung. Thậm chí nó đã đem lại lợi nhuận kỷ lục cho Samsung suốt hai năm qua. Tuy nhiên nhu cầu chip nhớ đang có dấu hiệu suy giảm và ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của Samsung trong năm 2018 vừa qua.
Theo báo cáo tài chính Q4/2018 công bố mới đây, lợi nhuận của Samsung đã giảm tới 29% so với cùng kỳ năm trước và nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu chip nhớ suy giảm và tác động của thị trường smartphone toàn cầu yếu kém.
Hãng cũng dự báo doanh thu từ chip nhớ trong nửa đầu năm 2019 chưa thể khởi sắc. Chính bởi vậy, Samsung đang tìm hướng phát triển mới nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt của mảng kinh doanh chip nhớ.
Không phải ngẫu nhiên Samsung lại trở thành công ty cung cấp DRAM và NAND nhiều nhất thế giới. Điều đó có được nhờ việc hãng điện tử Hàn Quốc thường xuyên đầu tư mạnh tay vào mảng kinh doanh bán dẫn, đặc biệt là bộ nhớ.
Mới đây, công ty đã công bố giải pháp bộ nhớ trong eUFS 2.1 dung lượng 1TB đầu tiên trên smartphone. Điều này cũng có nghĩa chúng ta sẽ sớm thấy những chiếc smartphone có bộ nhớ trong lên tới 1TB trong tương lai không xa.
Đầu tư mạnh là vậy nhưng rõ ràng, việc tập trung quá nhiều cho mảng chip nhớ sẽ buộc Samsung phải đánh đổi các mảng kinh doanh khác cũng có tiềm năng không kém. Chưa nói nếu mảng chip nhớ bất ngờ sa sút, Samsung sẽ phải đối mặt với bài toán bù đắp chi phí rất đau đầu.
Đứng trước sự lựa chọn khó khăn này, "thái tử" Samsung Lee Jae-yong mới đây đã khẳng định, Samsung sẽ bắt đầu tập trung nhiều hơn cho các mảng kinh doanh khác ngoài chip nhớ và công nghệ đúc để hướng tới một sự phát triển bền vững hơn. Nói cách khác, Samsung sẽ cố gắng duy trì mảng chip ở mức vừa phải trong khi nỗ lực mở rộng đầu tư sang các mảng khác như IoT, 5G, công nghệ xe hơi,…
Chia sẻ mới đây tại cơ sở sản xuất Hwaseong của Samsung, Lee khẳng định: "Luôn có những cuộc khủng hoảng nhưng chúng tôi sẽ vượt qua nhờ những đổi mới nhất quán".
Từ trước đến nay, Samsung và nhiều hãng điện tử Hàn Quốc khó có khả năng cạnh tranh được với đối thủ từ Mỹ và Châu Âu trong các lĩnh vực ngoài chip nhớ. Nhưng nếu có sự đầu tư đúng đắn, Samsung hoàn toàn có thể vươn lên và chiếm lĩnh trong các lĩnh vực khác.
Tham khảo Sammobile
GenK.vn