Trong bài viết trước, tôi đã chia sẻ với các bạn một số cảm nhận đầu tiên về camera của Google Pixel. Mặc dù thời gian trải nghiệm là chưa lâu, nhưng Pixel đã để lại trong tôi một ấn tượng tốt khi cho những bức ảnh với chất lượng ngang ngửa với Galaxy S7 edge, mặc dù thông số phần cứng có phần hạn chế hơn đối thủ.
Sự xuất sắc của Pixel đã khiến cho việc đánh giá camera của chiếc máy này trở nên khó khăn. Sẽ là hoàn toàn vô nghĩa nếu như tôi trưng ra một loạt ảnh được chụp bởi Pixel - vì ai trong chúng ta cũng đã biết rằng nó có một camera rất tốt. Câu hỏi quan trọng cần được đặt ra với Pixel giờ đây không phải là tốt hay không, mà là tốt đến đâu.
2016 cũng đã dần đi đến hồi kết. Chính điều này, kết hợp với lý do trên, đã thôi thúc tôi chuyển hướng sang việc so găng camera của Pixel với những chiếc máy khác, thay vì viết một bài đánh giá thông thường. Và hai đối thủ chính của Pixel chắc chắn không còn ai ngoài Apple iPhone 7 Plus và Samsung Galaxy S7 Edge. Đương nhiên trên thị trường còn có rất nhiều mẫu máy sở hữu camera tốt, nhưng xét trên cùng phân khúc cao cấp thì đây là ba sự lựa chọn tốt nhất hiện nay.
Hai đối thủ chính của Pixel là iPhone 7 Plus và Galaxy S7 edge
Trước khi đi vào phần chính, hãy cùng nói qua một chút về camera của Pixel. Như đã đề cập trong bài viết trước, phần cứng của Pixel có phần thua thiệt so với các đối thủ khi có ống kính khẩu độ bé hơn và không hỗ trợ chống rung quang học. Nhưng trên thực tế, Pixel cũng có những ưu điểm riêng của mình, và nó nằm ở kích thước cảm biến lớn hơn đáng kể, đi kèm với đó là kích thước của mỗi pixel cũng lớn hơn. Điều này sẽ mang đến nhiều ưu thế cho Pixel khi chụp trong điều kiện thiếu sáng.
So sánh thông số camera của Google Pixel - iPhone 7/7+ và Galaxy S7 Edge
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của Pixel có lẽ nằm ở phần mềm. Đi kèm Pixel là phần mềm Google Camera mà nhiều người dùng Nexus đã quen thuộc, nhưng đằng sau đó là một thuật toán xử lý hình ảnh tuyệt vời, trong đó đáng chú ý nhất là tính năng HDR+ được Google tùy biến dành riêng cho Pixel.
Đa số chúng ta đã quen với cách thức hoạt động của HDR trên smartphone và máy ảnh hiện nay, khi những gì nó làm mỗi khi người dùng bấm nút là chụp 3 bức ảnh với mức độ sáng khác nhau và gộp chúng lại thành 1. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của HDR+ trên Pixel là hoàn toàn khác biệt. Thay vì chụp 3 bức ảnh với độ sáng khác nhau, HDR+ chụp một loạt ảnh với độ sáng thấp (underexposed) và gộp chúng lại.
HDR+ rõ ràng sẽ mang đến hiệu quả trong những tình huống ánh sáng phức tạp, đặc biệt là khi trời sáng. Nhưng trong môi trường thiếu sáng thì sao? Những bức ảnh thiếu sáng để lộ ra điểm yếu là lượng noise nhiều, nhưng nó lại mang đến ưu điểm là giúp phần highlights không bị "cháy". Bằng việc gộp hàng loạt những bức ảnh underexposed với nhau, lượng noise sẽ giảm thiểu, trong khi phần highlight sẽ không bị cháy, và kết quả là chúng ta sẽ có một bức ảnh với độ chi tiết cao.
Trên Pixel, chúng ta có ba chế độ HDR+ là Bật (On), Tắt (Off) và Tự động (Auto). Tuy nhiên, khác với chế độ HDR Auto thông thường, chế độ HDR+ Auto của Pixel không chỉ đơn thuần là tự động lựa chọn giữa bật và tắt, mà tính chất của nó rất khác biệt. Với sử dụng HDR+ Auto, Pixel sẽ bắt đầu chụp ảnh liên tục ngay khi người dùng khởi động ứng dụng camera. Khi người dùng bấm nút chụp, máy sẽ gộp những bức ảnh được chụp gần nhất để tạo nên kết quả cuối cùng.
Ba chế độ HDR+ của Pixel
Còn khi HDR+ ở chế độ bật (On), máy sẽ chỉ bắt đầu chụp hình khi người dùng bấm vào nút chụp. Sau đó, quá trình xử lý HDR+ mới bắt đầu được diễn ra. Khác với HDR+ Auto, HDR+ On xử lý bức ảnh tỉ mỉ hơn rất nhiều, từ đó nó cũng tiêu tốn nhiều năng lực xử lý và thời gian hơn. Trên thực tế, khi người dùng chụp một bức ảnh với chế độ HDR+ On, hiệu ứng HDR+ sẽ không thể hiển thị ngay mà người dùng cần chờ từ 5-7 giây để máy xử lý.
Khi bật chế độ HDR+, sẽ mất khoảng 5-7s để máy xử lý mỗi khi chụp xong một tấm hình
Điều mà chúng ta quan tâm nhất hiệu quả thực tế của tính năng này đến đâu? Câu trả lời là rất ấn tượng.
So sánh giữa các chế độ HDR+ của Pixel
Qua so sánh trên, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt về độ chi tiết giữa ba bức ảnh. Khi tắt HDR+, các chi tiết như song sắt lan can hay chậu cây trước cửa sổ gần như bị vỡ vụn, kèm theo phần highlights (ánh đèn hắt ra từ căn hộ bên trong) bị cháy khiến cho mất chi tiết bên trong. Ở chế độ HDR+ Auto, những chi tiết này dần xuất hiện trở lại, nhưng chỉ khi chuyển sang HDR+ On, chúng ta mới thấy được sự cải thiện rõ rệt. Một nhân tố chính dẫn đến điều này, theo tôi chính là việc ISO của bức ảnh HDR+ On (977) thấp hơn đáng kể so với HDR+ Off và Auto (1774).
Mặc dù HDR+ On cho kết quả tốt hơn rõ rệt, Google lại không cho phép người dùng luôn bật nó ở chế độ mặc định. Trên thực tế, khi người dùng chuyển sang HDR+ On, thoát ứng dụng Google Camera và rồi bật lại ứng dụng, nó sẽ tự động chuyển về HDR+ Auto.
Google làm điều này là hoàn toàn có cơ sở. Với tốc độ xử lý chậm hơn đáng kể, HDR+ On sẽ đem lại một trải nghiệm không tốt khi người dùng phải đợi một khoảng thời gian khá dài mới có thể xem lại được bức ảnh họ vừa chụp, cũng như là tiến hành chụp các bức ảnh tiếp theo. Ngoài ra, thuật toán xử lý phức tạp của HDR+ On cũng yêu cầu một khả năng xử lý lớn hơn đáng kể, đi đôi với đó là một lượng điện năng tiêu thụ cao hơn, từ đó gây ảnh hưởng đến thời lượng pin của máy. Chính vì vậy, đa số người dùng sẽ chụp ở chế độ HDR+ Auto là nhiều hơn.
Sau đây, hãy cùng đến với phần chính là so sánh những hình ảnh được chụp bởi Pixel, iPhone 7 Plus và Galaxy S7 Edge. Tất cả những bức ảnh này đều được chụp bằng ứng dụng camera gốc của máy ở chế độ Auto với thông số mặc định. Để đảm bảo sự công bằng, những bức ảnh của Pixel sẽ đều được chụp ở chế độ HDR+ Auto.
So sánh ảnh chụp giữa Pixel - iPhone 7 Plus và Galaxy S7 edge
Có thể thấy ngay cả khi chỉ sử dụng chế độ HDR+ Auto, Google Pixel vẫn có thể dễ dàng cho ra ảnh với chất lượng ngang ngửa, thậm chí là vượt mặt Galaxy S7 edge và iPhone 7 Plus. Đều có cảm biến 12MP, nhưng ảnh của iPhone 7 Plus cho độ chi tiết thấp nhất. Trong khi đó, tất cả những bức ảnh của Galaxy S7 edge trong điều kiện thiếu sáng đều bị ám vàng và thừa sáng (overexposed), tạo ra cảm giác thiếu thực tế. Ảnh của Pixel là sự kết hợp hoàn hảo khi nó cho độ chi tiết cao và màu sắc trung thực.
Một ví dụ khác cho thấy rõ thuật toán xử lý rất tốt của Pixel là bức ảnh dưới đây. Điều kiện ánh sáng của bức ảnh này khá phức tạp khi nó được chụp ngược sáng và đằng sau một tấm cửa kính xanh. Và, Pixel là chiếc điện thoại duy nhất có thể đưa ra được một bức ảnh với màu sắc đúng theo ý muốn của người dùng.
Pixel là chiếc smartphone duy nhất có thể xử lý được tình huống ánh sáng phức tạp này
Tuy nhiên, trong năm nay cuộc chiến còn được hâm nóng khi bởi hàng loạt sản phẩm với hệ thống camera kép, trong đó, nổi danh nhất chính là iPhone 7 Plus. Ứng dụng được người dùng mong đợi nhất ở nó này chính là khả năng chụp ảnh xóa phông. Một chiếc smartphone với khả năng chụp ảnh như DSLR nhưng lại có thể đút gọn trong túi quần từ lâu đã là niềm ao ước của rất nhiều người, và cuối cùng, 2016 là thời điểm mà công nghệ này bắt đầu nở rộ.
Trong khuôn khổ bài viết này, đây là cuộc đấu tay đôi giữa iPhone 7 Plus và Pixel. Galaxy S7 edge mặc dù sở hữu tính năng Selective Focus, nhưng nó chỉ là chụp ảnh trước, lấy nét sau chứ không phải là xóa phông như hai mẫu máy còn lại.
Cho hiệu ứng như nhau, nhưng cách thức xóa phông của iPhone 7 Plus và Pixel là hoàn toàn khác biệt. iPhone 7 Plus sử dụng ống kính 56mm để zoom gần vào vật thể và ống kính 28mm để tạo sơ đồ chiều sâu (depth map), sau đó kết hợp dữ liệu từ hai camera này và sử dụng phần mềm để tạo hiệu ứng depth-of-field. Hạn chế của phần cứng dẫn đến một số vấn đề khi chụp ảnh xóa phông với iPhone 7 Plus như chất lượng ảnh không tốt khi thiếu sáng, hay phải giữ một khoảng cách nhất định với vật thể.
Trong khi đó, do chỉ có 1 camera, hiệu ứng xóa phông của Pixel được làm hoàn toàn bằng phần mềm. Điều này đồng nghĩa với việc Pixel sẽ không gặp phải các rào cản về phần cứng như iPhone, tuy nhiên nó cũng đặt ra dấu hỏi chấm về độ "chân thật" của hiệu ứng. Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều hãng thử sức với hiệu ứng xóa phông, tuy nhiên đa phần đều thất bại do thuật toán phần mềm cho ra kết quả không như mong muốn.
Tính năng xóa phông của iPhone 7 Plus có sự hỗ trợ của phần cứng, trong khi đó Google Pixel hoàn toàn bằng phần mềm
Đầu tiên hãy cùng nói một chút về tính dễ sử dụng. Nếu được xét trên thang điểm 10, tôi sẽ đánh giá iPhone 7 Plus 7/10 còn Pixel chỉ là 4/10. Với iPhone 7, người dùng sẽ chuyển qua chế độ Portrait, hướng máy vào vật thể và chụp. Còn với Pixel, người dùng sẽ chuyển qua chế độ Lens Blur, hướng máy vào vật thể, bấm nút chụp, và di chuyển máy theo hướng lên trên. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu như Pixel liên tục báo lỗi "Thiết bị di chuyển qua nhanh" hoặc "Không thể tách biệt vật thể", mặc cho việc tôi đã thử hết cách. Để chụp được một bức ảnh xóa phông với Pixel quả thật không phải đơn giản.
Tính năng Lens Blur của Pixel rất khó sử dụng và thường xuyên thất bại trong việc tạo hiệu ứng
Như đã nói ở trên, Pixel không sở hữu bất kỳ hạn chế nào về phần cứng mà iPhone 7 Plus gặp phải. Khi xóa phông với Pixel, sẽ không có những thông báo hiện ra yêu cầu bạn tiến gần vào, lùi xa ra hay bổ sung ánh sáng như iPhone 7 Plus, và bạn có thể áp dụng hiệu ứng này với mọi khung cảnh mà bạn thích. Điều này đồng nghĩa với việc người chụp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tính thực tế của hiệu ứng, khi bạn cần tự mình tạo ra một khoảng cách hợp lý với vật thể để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Để có thể kích hoạt tính năng Depth Effect trên iPhone 7 Plus, người dùng sẽ cần phải tuân theo một số yêu cầu về khoảng cách và ánh sáng
Nếu như thỏa mãn được yếu tố trên, Pixel có thể tạo ra những bức ảnh xóa phông khá ấn tượng, thậm chí trong một số trường hợp (hiếm hoi) còn vượt mặt cả iPhone 7 Plus. Một ưu điểm khác của Pixel là việc nó cho phép người dùng điều chỉnh mức độ xóa phông cho vừa ý mình.
iPhone 7 Plus bắt buộc sử dụng ống kính 56mm trong chế độ xóa phông, dẫn đến việc vật thể bị zoom vào gần hơn. Trong khi đó, Pixel vẫn có thể xóa phông với ống kính 28mm của mình.
Một bức ảnh xóa phông thành công (hiếm hoi) khác bởi Pixel
Nhìn chung, khả năng xử lý của tính năng Lens Blur trên Pixel là khá tốt, nhưng nếu xét một cách tổng thể thì tôi vẫn đánh giá cao iPhone 7 Plus hơn. Không chỉ vì tính dễ dùng, tính năng xóa phông của iPhone 7 Plus còn là một giải pháp phần cứng và sẽ giúp cho người dùng dễ dàng tạo ra một kết quả vừa ý với mình hơn. Còn đối với Pixel, hãy chỉ coi Lens Blur như một tính năng "thêm vào cho vui", chứ chưa thể xứng tầm để có thể so sánh trực tiếp với iPhone 7 Plus.
Cuối cùng, chúng ta không thể nói về camera sau mà bỏ quên camera trước, khi selfie đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Khi xét về yếu tố phần cứng, camera trước của Pixel có vẻ như khá yếu thế khi có khẩu độ f/2.4, thua kém so với f/2.2 của iPhone 7 và f/1.7 của Galaxy S7 edge. Tuy nhiên, Pixel lại có ưu điểm về kích thước cảm biến 1/3.2" và độ phân giải 8MP lớn hơn.
Đánh giá camera trước là một việc mang tính chất cảm giác nhiều hơn, do chúng ta không thể áp dụng những yếu tố thường thấy như tính chân thực của màu sắc hay độ sắc nét, mà thay vào đó, là độ "ảo" của bức ảnh. Đúng như tên gọi, định nghĩa của từ "ảo" quả thực rất... ảo, do không ai có thể biết được chính xác là gì, mà nó dựa vào cảm quan của mỗi người. Vì vậy, bạn hãy tự nhìn vào những bức ảnh dưới đây để tự mình đưa ra quyết định, và hãy coi những đánh giá của tôi như một nguồn tham khảo thôi nhé!
Quay trở lại với bộ ba smartphone của chúng ta, đầu tiên cần khẳng định cả ba đều cho chất lượng ảnh selfie rất tốt. Mỗi máy cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng của mình. Galaxy S7 edge sở hữu ống kính góc rộng, cho phép đưa vào khung hình nhiều vật thể hơn. Đây cũng là chiếc smartphone duy nhất với tính năng làm đẹp được tích hợp sẵn vào ứng dụng camera mặc định, thích hợp với những ai muốn che giấu khiếm khuyết trên khuôn mặt. Tuy nhiên, hiệu ứng khử nếp nhăn kết hợp với độ phân giải 5MP khiêm tốn khiến cho ảnh selfie của S7 edge bị mất chi tiết khá nhiều. Màu sắc cũng không thật sự tốt và bị ám vàng, tương tự như ảnh chụp bởi camera chính.
So với Galaxy S7 edge, ảnh selfie của iPhone 7 Plus và Pixel có phần bớt "ảo" hơn. Pixel là chiếc máy có độ sắc nét tốt nhất, vượt bậc so với hai máy còn lại. Tuy nhiên, phần mềm của Pixel còn khá sơ sài khi không cung cấp các tính năng như filter hay Retina Flash như iPhone và Galaxy.
Tổng kết lại, cho dù lựa chọn của bạn có là Pixel, Galaxy S7 edge hay iPhone 7 Plus, tôi tin chắc rằng bạn sẽ hài lòng với camera của chúng. Qua những hình ảnh so sánh ở trên, chúng ta có thể thấy sự khác biệt là có, tuy nhiên không nhiều. Đừng quên rằng, những hình ảnh này đều được tôi crop 100% để các bạn có thể "săm soi" từng điểm ảnh, còn trong thực tế thì sẽ chẳng ai làm như vậy cả. Với việc người dùng chia sẻ những hình ảnh này lên các mạng xã hội, sau đó tận hưởng chúng qua màn hình cỡ nhỏ của một chiếc smartphone, ranh giới về chất lượng giữa những chiếc máy này sẽ còn tiếp tục bị xóa nhòa.
Thế mạnh của camera Pixel nằm ở phần mềm
Tuy nhiên, chúng ta không thể vì thế mà phủ nhận nỗ lực mà Google đã tạo ra nhằm cải tiến camera của Pixel. Sở hữu một nền tảng phần cứng chưa phải là tốt nhất, nhưng nhờ một thuật toán xử lý hình ảnh tuyệt vời, Google đã cho thấy đôi khi phần cứng không phải là tất cả, mà phần mềm cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Trong đó, có thể coi HDR+ như một "nhân tố bí ẩn" khi không được Google nhấn mạnh nhiều, nhưng hiệu quả mà nó đem lại thì quả thật là không thể xem thường. Thế nhưng, tốc độ xử lý vẫn là một yếu tố mà hãng cần phải cải thiện trong thời gian tới.
Pixel, iPhone 7 Plus và Galaxy S7 edge đều sở hữu những ưu điểm riêng, và bạn là người quyết định chiếc máy nào phù hợp với nhu cầu của mình nhất
Để trả lời câu hỏi trên tiêu đề: "Liệu đâu là chiếc smartphone chụp ảnh tốt nhất 2016?", tôi nghĩ chỉ có bạn mới là người có thể giải đáp, do mỗi chiếc máy lại có những đặc tính riêng, phù hợp với từng đối tượng người dùng khác nhau. Chất ảnh của iPhone 7 Plus không tỏ ra nổi trội so với hai chiếc máy còn lại, tuy nhiên yếu tố hấp dẫn của nó lại nằm ở sự dễ dùng, ổn định và khả năng xóa phông mà ai trong chúng ta cũng có thể sử dụng được.
Còn nếu bạn là một "photo geek" (dân chơi ảnh), tôi tin chắc rằng Galaxy S7 edge sẽ khiến bạn hài lòng với chế độ chỉnh tay chuyên nghiệp. Đây cũng là chiếc máy với tốc độ nhanh nhất, từ việc khởi chạy camera, lấy nét cho đến chụp hình - bạn sẽ không bao giờ bỏ lỡ một khoảnh khắc đẹp với chiếc máy này.
Nếu bạn là một người như cô gái này: Không thích sử dụng iPhone - Không am hiểu kỹ thuật - Không quan tâm đến các tính năng khác mà chỉ chú trọng CHẤT LƯỢNG, thì Pixel chắc chắn là sự lựa chọn tốt nhất
Pixel thì sao? Nếu có ai hỏi tôi rằng tại sao Pixel chụp ảnh đẹp, tôi cũng sẽ tỏ ra rất lúng túng. Thông số phần cứng của Pixel không thật sự hấp dẫn, nó không sở hữu các công nghệ "sướng lỗ tai" như lấy nét Dual Pixel hay chụp ảnh gam màu rộng DCI-P3, và cũng chẳng có một tính năng nào nổi trội như xóa phông, chỉnh tay hay... chụp ảnh dưới nước. Điểm mạnh nhất của Pixel nằm ở phần mềm, nhưng đó là một điều không phải ai cũng có thể hiểu để mà trân trọng. Vậy nên, sẽ rất khó để có thể quảng cáo chiếc Pixel này đến đại bộ phận người tiêu dùng hiện nay - vốn đã bị các hãng "tẩy não" bởi các khía cạnh như khẩu độ hay chống rung. Nhưng nếu bạn là một người đơn giản, chỉ biết giơ điện thoại lên và chụp, thì tôi tin rằng, Pixel là sự lựa chọn tốt nhất trên thị trường hiện nay.
Xin được cảm ơn Huca và CellphoneS đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!
Nguồn: Genk.vn