Chỉ mới chính thức mở bán vào tháng 10 vừa qua – sau khi được tinh chỉnh, nâng cấp – và có giá bán đắt đỏ nhất nhưng độ bền của Huawei Mate X vẫn là một dấu hỏi. Mới đây, trên các mạng xã hội Trung Quốc lan truyền một clip cho thấy, màn hình gập của chiếc Mate X bị hư hỏng nặng, khi một nửa màn hình bị tối đen, trong khi nửa còn lại thì nháy sáng liên tục.
Lỗi này gần giống như những gì Galaxy Fold đã gặp phải vào đầu năm nay, trước khi họ tiến hành thu hồi và chỉnh sửa trước khi ra mắt lại lần nữa. Vì vậy rất có thể với chiếc Huawei Mate X bị lỗi trên, một số hạt bụi nào đó cũng đã lọt xuống bên dưới màn hình, làm nó bị hỏng như đã thấy trong clip.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa, có thể thấy smartphone màn hình gập hiện tại vẫn rất mong manh, dễ hư hỏng. Một vài hạt bụi nhỏ li ti có thể lọt qua khe hở của khung máy và phá hủy màn hình nghìn USD trong nháy mắt. Hơn nữa, do vẫn chưa có tấm bảo vệ nào đủ vững chắc nào cho màn hình gập, nó càng dễ hỏng hơn trong quá trình sử dụng thông thường khi thường xuyên có lực bên ngoài tác động vào.
Điện thoại màn hình gập Huawei bị hỏng nghiêm trọng.
Trong khi đó, với mức giá thay màn hình đến 1.000 USD, dường như Huawei đang không quan tâm lắm đến độ bền của Mate X trước các rủi ro mà nó có thể gặp phải.
Huawei Mate X có thiết kế đưa toàn bộ màn hình gập ra bên ngoài. Với việc chỉ được bảo vệ bằng một lớp nhựa dẻo, thay vì kính như màn hình điện thoại thông thường, khả năng hỏng màn hình gập do trầy xước hay các tác động bên ngoài sẽ cao hơn hẳn, nếu không muốn nói là việc không thể tránh khỏi.
Điều này càng cho thấy sự chính xác của Samsung khi lựa chọn thiết kế gập vào trong cho Galaxy Fold. Thiết kế này không chỉ bảo vệ màn hình gập trước thói quen sử dụng hàng ngày của người dùng, như bỏ điện thoại vào túi hoặc cọ xát vào các vật cứng, mà còn giúp thiết bị sống sót trong các trường hợp va chạm mạnh như đánh rơi.
Cả Galaxy Fold và Motorola Razr đều chọn cách gập vào trong.
Lựa chọn của Samsung càng được củng cố thêm khi Motorola Razr phiên bản màn hình gập ra mắt. Thiết bị này cũng chọn giải pháp gập vào trong tương tự như Galaxy Fold, thậm chí còn dựa theo thiết kế mang phong cách của huyền thoại Motorola Razr năm nào để trở nên phù hợp hơn.
Ngay cả khi Huawei đã cẩn thận tặng kèm mỗi người dùng một túi đựng điện thoại, để tránh các trầy xước không đáng có đối với màn hình của Mate X, thiết kế của họ vẫn còn một điểm kém bền vững khác: đó là phần cạnh màn hình nơi bản lề thiết bị đang không được bảo vệ.
Khe hở ở bản lề màn hình đã được Samsung bịt lại.
Màn hình gập của Galaxy Fold từng có khe hở tương tự như vậy ở vị trí bản lề, và nó từng được xem như là nơi bụi có thể chui qua và lọt xuống dưới tấm bảo vệ, phá hủy tấm nền AMOLED gập của thiết bị. Chính vì vậy, khi ra mắt lại thiết bị này, Samsung đã phải bịt các khe hở hẹp này lại.
Một lần nữa, thiết kế gập vào trong của Samsung lại làm việc này trở nên dễ dàng hơn. Khe hở ở bản lề màn hình được thu hẹp tối đa, do vậy, Samsung có thể dễ dàng bịt nó lại và khiến nó trở nên bền bỉ hơn.
Còn với Huawei Mate X, điều đó gần như không thể.
Trong khi đó, lựa chọn thiết kế gập ngược ra ngoài của Huawei Mate X khiến khe hở cạnh màn hình nơi bản lề thiết bị này càng trở nên rộng hơn và khó có thể bịt kín hoàn toàn. Điều đó càng tạo cơ hội cho các hạt bụi nhỏ lọt qua khe hở trên và phá hủy tấm nền màn hình gập. Bản thân Huawei cũng đang hứa hẹn trong thế hệ kế tiếp, họ sẽ củng cố lại bản lề vững chắc hơn. Điều đó cho thấy, họ đã nhận ra điểm yếu này của Mate X nhưng không thể kịp sửa lại.
Ngược lại với Huawei, Samsung cho thấy mình đang là người quan tâm nhất đến việc bảo vệ smartphone màn hình gập. Không chỉ lựa chọn thiết kế gập vào trong an toàn hơn, mới đây, Samsung còn đăng ký bản quyền đối với loại kính siêu mỏng "Ultra Thin Glass", vừa có độ bền của kính, nhưng vẫn có thể gập lại cùng màn hình.
Điều trớ trêu là nếu Huawei vẫn muốn tiếp tục ra mắt một thiết bị màn hình gập như Mate X, có lẽ họ sẽ phải tìm mua lớp kính bảo vệ màn hình gập này của Samsung. Nếu không, họ khó có thể thuyết phục người dùng mua một thiết bị đắt tiền nhưng lại dễ hỏng như Huawei Mate X.
Nguồn: Genk.vn