Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Tại sao phải viết blog kĩ thuật?

Tại sao phải viết blog kĩ thuật?

Có rất nhiều bài viết trên mạng nói về vấn đề tại sao một lập trình viên nên thường xuyên viết các bài blog kĩ thuật.

Tựu chung lại có thể là ba vấn đề sau:

Giúp đời

Rõ ràng, bạn không viết blog kĩ thuật để chia sẽ những thứ nhăng cuội như tự sự chuyện tình của bạn với gấu, hay báo cáo cho dân mạng biết hôm nay bạn buồn như thế nào vì trời nó mãi không chịu nắng.

Bạn viết blog kĩ thuật là để chia sẽ kiến thức, hiểu biết của mình cho những người chưa biết.

Screen Shot 2016-09-07 at 5.47.04 PM

Nếu chưa hình dung ra được, thì hãy nhớ lại những đêm thức trắng tìm đồ án mẫu, vì đã ngâm cả tháng trời không chịu làm mà mai là phải nộp rồi :)) Bạn sẽ cảm thấy biết ơn những anh hùng vô danh đã đưa lên mạng mọi thứ bạn cần, cứu giúp bạn qua khỏi cuộc đời sinh viên ăn chơi bạt mạng… Oan oan tương báo. Đã đến lúc bạn phải làm điều tương tự cho lớp hậu sinh.

Giúp mình

Năm vững kiến thức

Mình rất sợ bị ăn gạch, vì vậy nên mỗi lần viết bài thì mình phải tìm hiểu rất nhiều về chủ đề mà mình viết, và nhiều lúc để viết được một đoạn phân tích cho một khái niệm kĩ thuật, mình phải đọc đến 4, 5 bài báo hoặc lục tung từng cuốn sách…

Và tất nhiên điều này chỉ có lợi cho mình. Sau khi hoàn thành bài viết, mình thu được một lượng kha khá kiến thức về vấn đề mình đã viết và các vấn đề liên quan. Đây cũng là cách tự học hiệu quả bất kì món công nghệ nào.

Tiếc thay, viết bài nào cũng vẫn bị ăn gạch như thường…

Tăng cường khả năng tiếng Anh

Hồi học cấp 3, từng có một giai đoạn mình tự học C++ bằng cách dịch lại các bài viết hướng dẫn sử dụng một game engine và đăng lên các forum tiếng Việt để chia sẽ. Kết quả là năm đó điểm anh văn mình từ hạng 30 nhảy vọt lên top 10 của lớp :v

Và điều mình không ngờ là kĩ năng này đã giúp mình rất nhiều trong những năm tháng theo học ngành CNTT sau này.

Có cơ hội kiểm chứng kiến thức

Nếu bạn am hiểu một vấn đề gì đó, mà không nói ra thì không ai biết là bạn am hiểu nó. Hoặc tệ hơn, bạn sẽ bị lầm tưởng là mình am hiểu nó cho tới khi nhận được những câu hỏi hay góp ý của độc giả…

Viết và nhận được câu hỏi, phản biện, vắt óc ra suy nghĩ hoặc lao đầu vào nghiên cứu để trả lời các câu hỏi đó, cuối cùng bạn thực sự trở thành một tay đáng gờm vì lượng kiến thức ngày một chắc chắn. Còn chờ gì nữa mà không viết nhỉ?

Nổi tiếng… :v

Thực ra ý mình không phải đưa một động cơ sặc mùi danh vọng này ra để dụ dỗ các bạn đâu. Chỉ là, nếu tích cực hoạt động, chia sẽ thì bạn sẽ có cơ hội quen biết với rất nhiều người, và rất nhiều người sẽ biết tới khả năng của bạn.

Viết blog kĩ thuật như thế nào?

Không có một công thức hay một phương pháp chuẩn nào để mình bắt ép các bạn phải làm theo cả.

Việc viết như thế nào là tuỳ vào sở thích và kinh nghiệm của mỗi cá nhân.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẽ với các bạn kinh nghiệm viết bài của mình, tất nhiên chỉ để tham khảo, vì có thể nó không phù hợp với bạn…

Bước 0: Đọc

Screen Shot 2016-09-07 at 5.48.01 PM

Để viết được một bài viết về kĩ thuật, việc đầu tiên là bạn cần phải hiểu rõ vấn đề đó, nếu không sẽ nhận phải một lượng gạch đá khá lớn, và bài viết sẽ chẳng hề có một giá trị gì.

Hãy tìm cách đọc thật nhiều bài viết về vấn đề mình sắp viết, phân tích ưu nhược điểm của nó cho đến khi bạn đủ tự tin để qua bước tiếp theo.

Bước 1: Lập dàn ý

Hồi xưa đi học hẳn ai cũng đã học qua môn Tập làm văn, và nhớ rõ là cô giáo lúc nào cũng bắt chúng ta lập dàn ý cho bài văn sẽ viết. Mình chưa bao giờ làm vậy ở trường nên điểm văn thường rất thấp :v

Mãi sau này, khi tham gia viết lách, dần dần mình nhận ra, dàn ý là một công cụ hết sức hữu hiệu. Bạn hoàn toàn có thể viết một bài blog/bài báo mà không cần đến dàn ý, nếu khả năng kiểm soát nội dung của bạn tốt, còn không, chính bạn khi đọc lại bài viết sẽ không hiểu mình đang viết về cái gì, chứ đừng nói đến độc giả =))

Screen Shot 2016-09-07 at 5.48.28 PM

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị:

  • Một phần mềm soạn thảo, nếu thích có thể dùng Sublime, Atom hoặc Evernote, Medium cũng là một sự lựa chọn vì nó có giao diện rất gọn gàng.
  • Hoặc một cuốn sổ và cây bút.

Để lập dàn ý, chúng ta có 2 cách: Viết hoặc Vẽ

Đây là cách lập dàn ý bằng cách viết:

Screen Shot 2016-09-07 at 5.48.51 PM

Còn đây là cách mình thường dùng để lập dàn ý, đó là vẽ phác thảo ý tưởng ra sổ tay:

Đây là bước mà bạn cần hệ thống hoá nội dung mình sẽ viết, sau khi đã có dàn bài một cách khái quát, bạn có thể đi sâu vào một vài gạch đầu dòng nhỏ hơn để triển khai ý tưởng cho từng nội dung.

Bước 2: Viết

Ở bước này, đơn giản bạn chỉ việc bắt tay vào viết, viết, viết và viết.

Nếu đã lập dàn bài một cách chi tiết ở bước 1, thì đến bước này hầu như bạn chỉ cần đắp thêm chữ vào cho cái khung dàn bài của mình.

Điều quan trọng ở bước này là phải trình bày nội dung một cách ngắn gọn, dễ hiểu, không nên viết dông dài.

Bước này chúng ta không cần quan tâm tới việc trình bày nội dung, cứ viết thả cửa. Nếu dùng các text editor như Sublime hay Atom, các bạn có thể chọn cách viết bằng Markdown (sau đó dùng các tool để convert ra HTML sau). Việc bố trí không gian làm việc trên text editor yêu thích cũng là một cách kích thích khả năng viết. Hình bên dưới là không gian làm việc của mình khi viết bài cho Kipalog bằng Markdown

Screen Shot 2016-09-07 at 5.52.10 PM

Văn phong cũng là một yếu tố quan trọng, phong cách viết bài, cách dùng từ sẽ là thương hiệu của bạn. Mình thích cách viết dân dã, không trịnh trọng, giống như đang đối thoại trực tiếp với độc giả. Mặc dù với những người khó tính sẽ cho đó là không tôn trọng người đọc, nhưng theo mình, cách viết này sẽ giúp cho người đọc nắm bắt vấn đề một cách dễ dàng hơn là những ngôn ngữ như sách giáo khoa.

Mình ảnh hưởng cách viết này của các bác Lê Hoàng, Phạm Hồng Phước, Hoài An. Nếu ai đã từng đọc tạp chí eChíp, Làm bạn với máy tính những năm 2003 – 2008, 2009 chắc hẳn sẽ rất nhớ phong cách viết gần gũi của họ, đúng với slogan của tờ báo: “Tin học như cơm bình dân”

Bước 3: Trình bày nội dung, thêm hình minh hoạ

Sau khi viết thả cửa ở bước 2, chúng ta đi vào công đoạn sửa soạn.

Hãy trình bày bài viết một cách rõ ràng, tốt nhất nên dùng font chữ to và dễ đọc. Đừng màu mè làm gì.

Hãy kiểm tra từng khoảng trắng, thò thụt đầu dòng, đánh số thứ tự ở các mục danh sách, gạch đầu dòng ở những chỗ liệt kê.

In đậm hoặc highlight các từ khoá, tên menu item, tên class hoặc tên riêng của các nhân vật được đề cập trong bài,…

Screen Shot 2016-09-07 at 5.52.33 PM

Việc lựa chọn hình minh hoạ cũng khá quan trọng. Nên lựa các hình ảnh đơn giản, ít rườm rà, ít màu sắc, quan trọng là phải hợp tông với giao diện trang blog mà bạn đang viết. Chèn một cách cẩn thận vào bài viết, tránh làm nó bể bung bét lên. Hình ảnh nên upload thẳng lên trang blog của bạn, tránh hot link từ bên ngoài đề phòng link gốc bị die thì bài viết cũng mất giá trị.

Nếu có khả năng vẽ, tự vẽ hình minh hoạ cũng sẽ tạo được ấn tượng cho người đọc về blog của bạn.

Screen Shot 2016-09-07 at 5.52.59 PM

Chèn nhiều hình sẽ làm cho bài viết rõ ràng hơn. Chèn quá nhiều hình thì sẽ làm cho bài viết trở nên lộn xộn hơn. Bao nhiêu là đủ? Đây là cả một môn nghệ thuật :))

Syntax highlight cho code cũng khá quan trọng, tránh làm người đọc khó chịu vì không phân biệt được đâu là code, đâu là nội dung bài viết.

Lời khuyên cuối cùng

Cuối cùng, để viết được một bài viết có chất lượng, bạn phải có một cấu trúc nội dung logic, giọng văn không quá khô cứng, hình ảnh minh hoạ trực quan, và trình bày bài viết một cách tỉ mỉ.

Hãy đọc lại bài viết của mình nhiều lần trước khi nhấn nút Publish

Screen Shot 2016-09-07 at 5.53.18 PM

Happy blogging ^^

Techtalk via Kipalog

Nguồn: Techtalk.vn

Similar blogs

Hot Blogs

Similar jobs