Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Tại sao tần số làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng nhất của bất kỳ màn hình nào

Tại sao tần số làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng nhất của bất kỳ màn hình nào

Tần số làm tươi là một trong những thông số quan trọng bậc nhất của bất kỳ màn hình nào, và mức độ quan trọng của nó ngày càng tăng lên.

Đối với những nhóm đồ điện tử nhất định, như TV hay màn hình chơi game, tần số làm tươi là thứ người mua thường phải cân nhắc. Khi mua laptop, tablet và smartphone, thông số này ít được nói đến hơn, nhưng hiện nay, tần số làm tươi là thứ không thể bỏ qua nữa.

Để mở đầu, chúng ta cần biết tần số làm tươi thực sự là gì. Nói dễ hiểu nhất, đúng như tên gọi, nó ám chỉ việc màn hình làm tươi hay tự vẽ lại những thứ đang hiển thị nhanh đến mức nào. Tần số làm tươi đặc biệt quan trọng nếu bạn đang xem một trận đấu thể thao, hay đang cố rượt theo kẻ thù trong một trò chơi điện tử, nhưng với các tác vụ như làm Excel hay lượt web, nó lại không đáng chú ý lắm.

Tần số làm tươi được tính theo đơn vị Hertz hay Hz, là số lần làm tươi mỗi giây, ví dụ 60 Hz hay 240 Hz. Khái niệm này giống nhau trên mọi thiết bị như TV, màn hình, smartphone, và nhiều thứ khác, dù một số chi tiết kỹ thuật của công nghệ này có thể khác nhau.

Tại sao tần số làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng nhất của bất kỳ màn hình nào - Ảnh 1.

Tần số làm tươi càng nhanh (hay càng cao) sẽ càng tốt - lúc đó màn hình sẽ "phản ứng" nhanh hơn - nhưng đổi lại, giá thành sẽ đắt hơn và những thách thức về mặt kỹ thuật cũng nhiều hơn, đó là lý do tại sao các nhà sản xuất không tăng tần số làm tươi của màn hình trừ khi có lý do chính đáng (hoặc trừ khi họ biết chắc người dùng sẽ bỏ tiền ra để mua màn hình đó).

Tần số làm tươi càng cao không nhất thiết đồng nghĩa với việc chất lượng hình ảnh càng tốt. Chất lượng hình ảnh còn phụ thuộc vào nhiều đặc tính khác của mình hình, cũng như chính bản thân nội dung đang hiển thị: một bộ phim có tốc độ khung hình 60 fps có thể sẽ trông không khác mấy khi chiếu trên màn hình 60 Hz và 120 Hz, tùy thuộc vào những công nghệ khác mà nhà sản xuất trang bị cho các màn hình đó.

Khi tốc độ khung hình (fps) của nội dung nguồn càng tăng, thì số Hz cũng trở nên càng quan trọng. Bạn sẽ thấy tần số làm tươi trên màn hình PC có thể đạt mức tối đa 240 Hz, bởi PC có khả năng xử lý khung hình ở tốc độ cao nhất. Có nghĩa là khi chơi game, bạn sẽ thấy kẻ thù nhanh hơn một khoảnh khắc so với khi chơi trên một tấm nền với tần số làm tươi thấp hơn.

Tại sao tần số làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng nhất của bất kỳ màn hình nào - Ảnh 2.

Nếu bạn muốn đi sâu vào phân tích thông số kỹ thuật, thì số lần chỉ số fps phù hợp với chỉ số Hertz là rất quan trọng. Nhiều nội dung video hiển thị ở mức 24 fps, phù hợp với tần số làm tươi 144 Hz (gấp 6 lần) nhưng không phù hợp với tần số làm tươi 60 Hz (gấp 2,5 lần) - vì với một tấm nền 60 Hz, phần cứng sẽ phải điều chỉnh khoảng thời gian từng khung hình được hiển thị, có thể dẫn đến trải nghiệm xem tệ hơn.

Chiếc màn hình siêu đắt vừa được công bố là Apple Pro Display XDR có nhiều thông số đáng để mơ ước, nhưng tần số làm tươi tối đa của nó chỉ 60 Hz - chắc chắn không thể dùng để chơi game được (dù vậy, đèn nền LED hoạt động ở tần số làm tươi cao gấp 10 lần nhằm đảm bảo hình ảnh mượt mà và ổn định).

Bạn sẽ thấy những cụm từ như TruMotion (LG), Motion Rate (Samsung), và MotionFlow XR (Sony) trong bảng thông số TV, nhưng tất cả chúng đều là tần số làm tươi được thổi phồng lên cùng với nhưng công nghệ phụ trợ đi kèm. Nói vậy không có nghĩa những giải pháp tăng cường đó không có hiệu quả gì, nhưng bạn đừng quên kiểm tra tần số làm tươi thực sự khi so sánh các tấm nền với nhau.

Tại sao tần số làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng nhất của bất kỳ màn hình nào - Ảnh 3.

Một số TV sử dụng phương pháp nội suy khung hình để bù đắp tình trạng thiếu hụt (cho phép màn hình làm tươi 120 lần mỗi giây thay vì chỉ 60); số khác chèn vào các khung hình đen - một cách hiệu quả khác để giảm độ nhòe chuyển động (motion blur). Chất lượng hình ảnh xuất ra phụ thuộc không chỉ vào tần số làm tươi mà còn phụ thuộc công nghệ xử lý của TV chuyển đổi nội dung thành tần số làm tươi đó như thế nào.

Tần số làm tươi còn quan trọng trong thực tại ảo. Hình ảnh trước mắt bạn càng được vẽ lại nhanh, bạn càng ít lo lắng về vấn đề buồn nôn khi đắm chìm trong môi trường ảo. Một trong những khác biệt giữa kính VR kết nối với PC và kính VR độc lập là kính kết nối PC có thể hỗ trợ tần số làm tươi nhanh hơn - ví dụ trong trường hợp Oculus Rift S là 80 Hz.

Việc có thể vẽ lại màn hình nhanh hơn ngày càng trở nên quan trọng đối với điện thoại và tablet, trong bối cảnh các tựa game di động ngày càng chi tiết hơn, tinh vi hơn, cũng như sự xuất hiện của các món phụ kiện như Apple Pencil (màn hình cập nhật càng nhanh, nét mực số xuất hiện càng nhanh).

Tại sao tần số làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng nhất của bất kỳ màn hình nào - Ảnh 4.

Lấy Razer Phone 2 làm ví dụ. Chiếc điện thoại này có tần số làm tươi màn hình lên đến 120 Hz. Trên lý thuyết, điều đó sẽ khiến video, hoạt họa, và các game hiển thị siêu mượt, nhưng vẫn có hạn chế: nó phụ thuộc vào thứ bạn xem trên màn hình và khả năng upscale nội dung của điện thoại (nếu nội dung nguồn cần phải upscale). Ngoài ra, chỉ một số ít game Android hiện nay hỗ trợ 120 Hz mà thôi.

Những chiếc iPhone mới có tần số chạm 120 Hz, nhưng tần số làm tươi chỉ 60 Hz - chúng có thể nhận thao tác chạm 120 lần mỗi giây, nhưng chỉ vẽ lại màn hình ở tốc độ bằng một nửa. Tuy nhiên, iPad Pro 2018 lại có màn hình với tần số làm tươi 120 Hz đúng nghĩa, cuộn siêu mượt và cho phép bạn dùng bút Apple Pencil để vẽ bất kỳ thứ gì mong muốn.

OnePlus 7 Pro là một chiếc điện thoại khác với tần số làm tươi cao hơn thông thường: 90 Hz. Bạn sẽ thấy sự khác biệt ở độ mượt của các menu và khi cuộn nội dung, và nó có lẽ là một trong những đặc tính giúp các thiết bị flagship nổi trội trong nhiều năm tới.

Cho dù bạn sắp mua món đồ công nghệ gì, nếu nó có màn hình, hãy đảm bảo đừng bỏ qua tần số làm tươi.

Tham khảo: Gizmodo

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs