Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Thấm đòn trừng phạt từ Mỹ, chủ tịch Nhậm Chính Phi thừa nhận: "Huawei đang ở thời khắc sống còn"

Thấm đòn trừng phạt từ Mỹ, chủ tịch Nhậm Chính Phi thừa nhận: "Huawei đang ở thời khắc sống còn"

Trong một thông báo nội bộ của Huawei Technologies bị rò rỉ ngày hôm qua, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Nhậm Chính Phi đưa ra cảnh báo rằng công ty này đang ở "thời khắc sống còn". Ông nhắc nhở những nhân viên chưa sử dụng hết được năng lực của mình phải hình thành "các biệt đội" để tìm kiếm các dự án mới nếu không họ sẽ bị hạ lương và thậm chí sa thải.

Kể từ tháng 5, Huawei đã phải tìm nhiều cách duy trì vị thế của mình trên thế giới, khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, cấm mua hàng từ các công ty Mỹ. Dù đã được gia hạn nhiều lần, sự bất ổn do lệnh trừng phạt này tạo ra cũng khiến họ thiệt hại lớn.

Thấm đòn trừng phạt từ Mỹ, chủ tịch Nhậm Chính Phi thừa nhận: Huawei đang ở thời khắc sống còn - Ảnh 1.
 

Mất mát lớn nhất mà Huawei phải gánh chịu là trong mảng điện thoại thông minh toàn cầu. Công ty này dự báo số điện thoại bán ra năm nay giảm 60 triệu chiếc, do các lệnh cấm vận của Mỹ. Năm ngoái, doanh số bán điện thoại của Huawei tăng 34% lên 206 triệu chiếc, theo IDC. Quý đầu năm nay, tốc độ này lên tới 50%, trong bối cảnh doanh số của cả Samsung Electronics và Apple đều đi xuống. Tuy vậy, đến quý II, một phần vì các động thái của Mỹ, tăng trưởng của Huawei chỉ còn 8,3%.

Sau khi thâm nhập thành công thị trường châu Âu, Huawei từng có cơ hội trở thành hãng kinh doanh điện thoại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu vắng hệ điều hành Android và hệ sinh thái Play Store đang khiến các thiết bị của hãng này kém hấp dẫn với thị trường ngoài Trung Quốc.

Trước tình hình đó, chủ tịch công ty Nhậm Chính Phi đã thẳng thắn đưa ra cảnh báo với toàn bộ nhân viên rằng họ phải tìm mọi cách để khiến mình trở nên hữu dụng hơn. "Một là họ thành lập các biệt đội để tìm ra dự án mới. Khi đó, họ có thể được thăng chức nếu làm tốt. Hoặc là, họ có thể tìm việc khác trong công ty. Nếu không thể tìm được một vị trí cho mình, những người này sẽ bị hạ lương 3 tháng một lần, hoặc thậm chí mất việc".

Ông Nhậm Chính Phi cho biết các ưu tiên hiện tại của công ty là nhân viên phải "có đóng góp xứng đáng" và cấp quản lý phải "đề bạt các nhân viên xuất sắc càng sớm càng tốt, đồng thời bổ sung nhân tố mới cho tổ chức".

Mảng tiêu dùng hiện là cỗ máy tăng trưởng chính của tập đoàn, chiếm 45% doanh thu toàn công ty vào năm ngoái. Hoạt động của mảng này gồm bán điện thoại và những thiết bị khác được xem là yếu tố sống còn bảo đảm cho sức khỏe trong tương lai của Huawei. Tuy nhiên, tất cả những cáo buộc và lệnh trừng phạt được đưa ra thời gian gần đây đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động của mảng này và các chuyên gia đều nhận định họ sẽ khó có thể hồi phục sớm.

Huawei còn đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám. Do danh tiếng của công ty trên toàn cầu đi xuống và nhân viên phải tăng cường độ làm việc. Cụ thể, công ty này đã chuyển sang chế độ làm việc 24 giờ, để 10.000 nhân viên lập trình làm việc thay nhau 3 ca/ngày tại 3 văn phòng khác nhau.

Mỹ mới đây thông báo Huawei được tiếp tục hoãn cấm vận thêm 90 ngày, bắt đầu từ hôm qua (19/8). Điện thoại của Huawei tiếp tục được dùng hệ điều hành Android và họ vẫn được mua bán công nghệ với các công ty Mỹ. Tuy nhiên, Huawei hiểu rằng họ buộc phải đẩy nhanh việc phát triển hệ điều hành riêng có tên Harmony. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết một số hãng viễn thông Mỹ vẫn đang phụ thuộc vào công nghệ của Huawei và cần thời gian để giải quyết vấn đề này.

Nếu không có các động thái của Mỹ, Huawei sẽ tiếp tục hưởng lợi từ doanh số smartphone ngày càng tăng và sự tiên phong trong công nghệ 5G toàn cầu. Hiện tại, dù vị thế của họ vẫn vững chắc, động cơ tăng trưởng và sức hấp dẫn từ công nghệ của Huawei đang dần suy giảm.

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs