Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Thế nào mới là một coder có tâm?

Thế nào mới là một coder có tâm?

Hôm nay, chúng ta tạm gác chuyện technical qua một bên để chém gió đôi chút về chuyện đạo đức nghề nghiệp nhé!

Bài viết này là những thứ mình tự ngộ ra, tự đúc kết được qua trải nghiệm của các bậc đàn anh đã trải bao thăng trầm trong nghề.

Chúng có thể đúng, có thể sai, nhưng rất đáng để các bạn sinh viên/lập trình viên mới ra trường đọc, chiêm nghiệm và tự rút ra lẽ sống.

Trước tiên, các bạn hãy dừng đọc, thử ngẫm nghĩ xem coder thế nào thì mới tính là có tâm, sau đó hãy đọc tiếp xem nhé!

Theo mình, một coder có tâm phải có các đức tính sau:

  • Có trách nhiệm với bản thân
  • Có trách nhiệm với những thứ mình làm ra
  • Biết nghĩ cho đồng đội

Coder có tâm phải có trách nhiệm với bản thân, với những thứ mình làm ra; và biết nghĩ cho đồng đội

Có trách nhiệm với bản thân

Theo mình, điều quan trọng nhất để làm 1 coder có tâm là phải có trách nhiệm với bản thân.

  • Phải có trách nhiệm với bản thân, bạn mới chịu khó tự học thêm công nghệ mới, trau dồi kiến thức để giữ cho mình không lạc hậu.
  • Phải có trách nhiệm với bản thân, bạn mới đảm bảo chất lượng công việc, tôn trọng thương hiệu cá nhân của mình.

Giả sử thế này: Bạn đang làm việc cho một công ty vô cùng sida, sếp là những lũ hứa lèo chỉ biết lừa nhân viên, ưa những đứa code nhiều code lâu mà không quan tâm đến hiệu quả.

  • Nếu là người vô trách nhiệm, bạn sẽ viện cớ do công ty sida nên mình chỉ cần làm việc qua quýt, tới khi nghỉ thì nghỉ thôi!
  • Nếu là người “có tâm”, bạn vẫn toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt công việc của mình!

Tại sao vậy?? Đơn thuần vì khi đã nhận lương, làm việc tốt là trách nhiệm của bạn.

Khi có trách nhiệm với chính mình, bạn sẽ làm việc hết mình vì bạn cảm thấy điều đó đúng, vì nó là đam mê, là thứ làm bạn thấy ý nghĩa; chứ không phải làm để mong cấp trên để ý hay tăng lương tăng chức.

Bạn sẽ làm việc hết mình vì bạn cảm thấy điều đó đúng, vì nó là đam mê, là thứ làm bạn thấy ý nghĩa

Có trách nhiệm với những thứ mình làm ra

Không chỉ có trách nhiệm với bản thân, coder có tâm còn phải có trách nhiệm với những dòng code mình viết ra!

Có một câu nói vui thế này

Một coder có tâm sẽ không bao giờ viết ra chương trình DestroyChina. 
Người có tâm sẽ viết ra chương trình DestroyCountry, nhận param là 1 quốc gia bất kì để có thể tái sử dụng.

Ý nghĩa của câu này tức là developer có tâm sẽ không bao giờ viết những dòng code chất lượng thấp.

Chúng ta cần đảm bảo những dòng code mình viết ra là thứ tốt nhất mình có thể làm, giải quyết được vấn đề của người dùng.

Chúng ta cần đảm bảo những dòng code mình viết ra là thứ tốt nhất mình có thể làm

Lại cũng có một câu nói vui khác

Một coder có tâm sẽ không bao giờ viết ra chương trình DestroyChina. 
Người có tâm sẽ từ chối viết những thứ gây hại cho người sử dụng.

Như mình đã nói trong bài Những dòng code giết người : Lập trình viên chúng ta là những người thống trị thế giới. Máy móc không thể hoạt động nếu không có người lập trình. Công ty không thể hoạt động nếu không có phần mềm.

Bàn tay gõ code, cũng chính là bàn tay vẽ nên thế giới.

Do vậy, đừng nghe răm rắp những gì cấp trên nói, nghe họ bắt làm gì cũng làm. Một coder có tâm thực sự sẽ không bao giờ làm những thứ lừa dối hay gây hại cho khách hàng:

  • Viết hệ thống cho ngân hàng, chúng ta phải đảm bảo hệ thống không lừa hay lén lột bớt tiền của người dùng.
  • Viết app chat như Zalo hay Beetalk, chúng ta phải đảm bảo hệ thống không đọc lén tin nhắn, không lén chôm và lưu hình hở vếu hở mông các bạn nữ gửi qua hệ thống.

Coder Zalo có tâm sẽ không viết code lén tải các hình khoe vếu khoe mông từ Zalo này về máy riêng

Biết nghĩ cho đồng đội

Lập trình rất ít khi là một hoạt động đơn lẻ. Trong môi trường làm việc, bạn sẽ phải làm việc theo nhóm, làm việc với đủ mọi thành phần từ dev cho tới PM cho tới tester.

Lúc này, người coder có tâm là người biết nghĩ cho đồng đội (đoạn này nửa đùa nửa thật nên các bạn đọc kĩ nhé):

  • Với junior dev hoặc các dev mới vào, phải chia sẻ hiểu biết của mình về hệ thống, hoặc review code, giúp họ sửa những sai lầm mới mắc phải.
  • Với đồng nghiệp, nên tôn trọng và bình đẳng, đừng nghĩ mình giỏi mà coi thường người khác! Nếu có cơ hội hãy ráng giúp họ khi họ code gặp vấn đề, sau này họ sẽ giúp lại.

Trong môi trường làm việc, bạn sẽ phải làm việc theo nhóm, làm việc với đủ mọi thành phần từ dev cho tới tester cho tới PM.

  • Với tester, nên ân cần hòa nhã, lắng nghe từng lời tester nói và mang bug về sửa.
  • Nếu tester tìm ra quá nhiều bug, hoặc tỏ thái độ bất hợp tác, nhẹ nhàng rút điện máy tester, hoặc quăng cả ghế lẫn tester ra ngoài cửa sổ. Các developer khác cũng sẽ ủng hộ điều này.
  • Với cấp trên, nên trao đổi và hoàn thành đúng việc được giao. Nếu deadline ngắn quá thì thương lượng lại.
  • Trường hợp cấp trên chèn ép hoặc hứa thưởng nhưng xù thì nên ấm ức để bụng, len lén sửa CV, đi phỏng vấn rồi về nộp đơn nghỉ việc
  • Trong quá trình làm việc, nên viết code dễ đọc, dể hiểu, có đủ document để dù bạn nghỉ thì đồng nghiệp vẫn có thể gánh được.
Nguồn: Toidicodedao.com

Similar blogs

Hot Blogs