Tập đoàn Toshiba mới đây đã cảnh báo đối tác của mình, Western Digital Corp., không can thiệp vào kế hoạch bán bộ phận chip nhớ của họ, và cho biết Toshiba sẽ đưa ra các hành động pháp lý để ngăn chặn công ty Mỹ cản trở thương vụ sống còn này của hãng.
Theo Bloomberg, vào ngày 3 tháng Năm vừa qua, Toshiba đã gửi hai bức thư đến Western Digital. Một bức thư từ các luật sư của Toshiba nhằm khẳng định quyền của công ty Nhật trong việc bán đi liên doanh sản xuất chất bán dẫn, bất chấp sự phản đối từ nhà sản xuất đĩa cứng của Mỹ.
Bức thư thứ Hai, do Toshiba gửi tới giám đốc pháp lý của Western Digital, cho biết công ty Mỹ đã không thông qua đề xuất hợp thức hóa mối quan hệ của họ sau khi sáp nhập, và rằng Toshiba sẽ ngăn chặn nhân viên WD vào các cơ sở sản xuất và mạng lưới của họ trừ khi họ tuân thủ đề nghị trên vào ngày 15 tháng Năm.
Năm ngoái, Western Digital trở thành đối tác sản xuất cho mảng bộ nhớ flash của Toshiba khi họ mua lại hãng SanDisk Corp. với giá 15,8 tỷ USD. Mảng kinh doanh này giờ có thể sẽ được sang tay một người sở hữu mới sau khi Toshiba quyết định rao bán nó để cân đối lại bảng kế toán sau khi thua lỗ hàng tỷ USD trong thương vụ điện hạt nhân của mình. Toshiba hiện đã thu hẹp danh sách người mua tiềm năng thành một nhóm bao gồm cả các đối thủ của Western Digital, như Hon Hai Precesion Industry Co., SK Hynix Inc., và Broadcom Ltd.
“Nếu WD tiếp tục can thiệp vào quyền của Toshiba khi bán đi chi nhánh của mình – các quyền đã thể hiện trong hợp đồng liên doanh mà bản thân WD tuân thủ khi mua lại SanDisk – Toshiba sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi tất cả các biện pháp bù đắp thích hợp.” Công ty tại Nhật cho biết.
Các bức thư trên là lời từ chối hiệu quả cho yêu cầu của Western Digital rằng Toshiba nên đàm phán với hãng sản xuất của Mỹ và cần có sự chấp thuận của họ để hoàn tất thương vụ này. Trong một bức thư gửi tới ban quản trị của Toshiba vào ngày 9 tháng Tư vừa qua, CEO của Western Digital, Steve Milligan nói rằng, các người mua tiềm năng của mảng chip là không phù hợp và cho rằng mức giá đề nghị là không hợp lý.
Bức thư của CEO Western Digital còn đặc biệt cảnh báo việc chấp thuận lời đề nghị từ Broadcom Ltd., điều đã dẫn đến một làn sóng hợp nhất trong ngành công nghiệp chip trong hai năm qua.
Một thương vụ đầy thách thức
Trong khi đó, Toshiba đang tích cực hoàn thành thương vụ bán bộ phận chip trước tháng Ba năm 2018 để có được lượng tiền mặt cần thiết. Theo Bloomberg, những lời chào mua tiềm năng sẽ ở quanh mức 2.000 tỷ Yên (khoảng 17,7 tỷ USD), thậm chí Hon Hai Precision còn cho biết họ sẵn sàng bỏ ra 3.000 tỷ Yên (khoảng 26,3 tỷ USD).
Quy mô của thương vụ này có lẽ sẽ làm những người chào mua phải tìm kiếm các đối tác để giảm bớt gánh nặng tài chính, nhưng việc có sự tham gia của các công ty Nhật Bản sẽ là chìa khóa quan trọng để thương vụ được chấp nhận.
Kazunori Ito, một nhà phân tích tại hãng Morningstar Investment Services, cho biết. “Nếu xét đến số lượng những người chào mua hiện tại, điều này sẽ không gây ra nguy cơ lớn nào cho quá trình mua lại.” Theo nhà phân tích này, “Từ góc nhìn với cổ phiếu của Toshiba, bất kỳ sự chậm trễ nào đều sẽ có tác động tiêu cực.”
Hiện Western Digital đang đàm phán với các quỹ đầu tư do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ như Innovation Networks Corp. of Japan (INCJ) và Development Bank of Japan Inc (DBJ) về việc đưa ra một lời chào mua. Ngoài ra, công ty cũng đang thảo luận với Apple Inc. về một lời đề nghị tương tự. Theo một nguồn tin thân cận, Western Digital cũng có thể tham gia một liên doanh chào mua với KKR & Co., INCJ và DBJ.
Theo một nguồn tin giấu tên, hiện Toshiba đang ủng hộ đề xuất của KKR và INCJ bởi vì nó giúp đơn giản hóa các quy định phê duyệt và đẩy nhanh việc có được nguồn tiền mặt cần thiết. Cũng theo nguồn tin này, KKR và các đối tác của họ sẵn sàng chi ra từ 1.800 tỷ Yên đến 2.100 tỷ Yên để mua lại. CEO của Western Digital cũng đã lên kế hoạch tới Nhật trong tuần này để thảo luận việc tham gia liên doanh trên.
Tình thế khó khăn của cả Toshiba và Western Digital
Hiện tại, Toshiba đang bán nhiều tài sản của mình để bù đắp cho khoản thua lỗ nặng nề ở mảng kinh doanh điện hạt nhân Westinghouse, do các chi phí phát sinh và việc xây dựng bị trì hoãn. Điều đó buộc Toshiba phải đưa Westinghouse vào diện bảo hộ phá sản và cho biết, họ có thể bị lỗ đến 1,01 nghìn tỷ Yên cho năm tài chính kết thúc vào tháng Ba vừa qua. Trong khi đó, Toshiba đã yêu cầu các ngân hàng chính mở rộng khoản vay và đưa các cổ phiếu và bất động sản làm vật thế chấp.
Bên cạnh tính pháp lý của thương vụ này, Western Digital còn gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với mức giá bỏ thầu của các đối thủ. Việc mua lại SanDisk đã làm gia tăng sức ép lên bảng cân đối kế toán của công ty, với khoản nợ ròng lên tới 8,9 tỷ USD vào tháng Mười Hai. Trong tháng Một vừa qua, Western Digital cho biết, họ hiện có tiền mặt và tài sản tương đương tiền mặt vào khoảng 5,2 tỷ USD. Tổng cộng tài sản thanh khoản của công ty ở vào mức 6,2 tỷ USD.
Louise Stoupe, đối tác tại hãng Morrison & Foerster, đã viết. “Chiến dịch quy mô của Western Digital nhằm lật đổ mối quan hệ của Toshiba với các ngân hàng và người chào mua là một nỗ lực rõ ràng nhằm tận dụng và sử dụng sai các quyền đã được chấp thuận của SanDisk để buộc Toshiba phải cấp quyền cho Western Digital và các lợi thế mà họ không có.” “Chiến dịch này cố ý can thiệp vào lợi thế kinh tế tiềm năng và các hợp đồng hiện tại của Toshiba. Nó không thích hợp và phải dừng lại.”
Tham khảo Bloomberg
Nguồn: Genk.vn