Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập

Apple mới đây vừa giới thiệu chiếc MacBook mới của họ chạy trên chip M1 thay cho Intel mà chúng ta đã quen thuộc nhiều năm qua. Và mới đây chúng tôi đã được trên tay bản MacBook Air tại Việt Nam cũng như có một số trải nghiệm nhanh sau 1 ngày sử dụng.

Ngoại hình không có gì thay đổi

Ngoại hình của MacBook Air phiên bản chạy chip Apple M1 này gần như không có gì khác biệt so với kẻ tiền nhiệm. Vẫn là vỏ kim loại, màu bạc nguyên khối cùng logo táo bóng loáng.

Các cạnh bên cũng không có thêm thắt gì, vẫn là 2 cổng Thunderbolt 3 và 1 cổng tai nghe 3,5mm.

Vậy có gì để nhận dạng nó từ bên ngoài không? Thực ra là có. Nếu để ý đến phần bàn phím, Apple đã thay đổi dàn phím từ F4 đến F6 của MacBook Air mới so với trước đây. Theo đó F4 trước đây là LaunchPad giờ chuyển thành Search, F5 và F6 từ thay đổi đèn nền bàn phím sang thành Đọc chính tả/Siri và kích hoạt chế độ Không làm phiền (do not disturb).

Ngoài ra, phím Fn giờ đây cũng có thêm biểu tượng quả địa cầu, khi nhấn vào sẽ hiển thị bảng emoji để bạn add nhanh vào cuộc hội thoại.

Cảm nhận đầu tiên khi sử dụng: Cái gì cũng nhanh gấp đôi!

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 4.
 

Khi nhận máy lần đầu, tôi đã thử nhanh khả năng khởi động các ứng dụng native của chip Apple M1 ra sao và nó hoàn toàn làm tôi bất ngờ. Mọi thứ đều diễn ra ngay lập tức và độ trễ gần như rất thấp.

Trong khi đó, chiếc MacBook Pro 13 2020 bản Intel Core i5 8th Gen tôi đang sử dụng có thời gian khởi chạy ứng dụng native chậm hơn một chút, đặc biệt khi bấm sang load Lightroom là bắt đầu thấy thua xa.

Nói thêm về chiếc MacBook Air 2020 mới này, Apple đã trang bị chip M1 với 8 nhân, gồm 4 nhân hiệu suất cao và 4 nhân tiết kiệm điện. Đây cũng là vi xử lý chạy trên kiến trúc ARM thay cho x86 vốn dùng trên các dòng Mac trước và theo Apple là có thể mang lại hiệu năng tốt hơn cũng như thời lượng pin trâu hơn. Phiên bản mà tôi trên tay cũng trang bị RAM 8GB, tức là mức cơ bản nhất.

Tò mò với khả năng của chiếc máy mới này, tôi bắt đầu tiến hành một số bài benchmark để có phép so rõ nhất. Theo đó, bài test đầu tiên là benchmark trên Safari - ứng dụng lướt web hàng đầu trên nền MacOS.

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 7.

Với Speedometer 2.0, MacBook Air M1 có kết quả điểm gấp đôi so với người anh em nhà Pro dùng chip Intel (229 với 114 điểm)

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 8.

Còn khi đo với Jetstream2, chip M1 của Air 2020 xuất sắc vượt xa với 182.104 điểm, trong khi nhà Intel chỉ có 136.328. Có thể thấy với vi xử lý mới do chính Apple phát triển, họ đã giúp cho sản phẩm trong nhà của mình xử lý tác vụ trên ứng dụng native nhanh hơn đáng kể.

Sau Safari, tôi cũng cho tải thêm Chrome về để đối chiếu có sự chênh lệch nhiều không. Hiện tại Google đã cho ra hai phiên bản và người dùng MacBook chạy chip M1 có thể chọn bản "máy Mac có chip Apple", có nghĩa máy sẽ chạy native chứ không qua rosetta như trước.

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 9.

Nếu mua MacBook bản chip M1 và có nhu cầu dùng trình duyệt Chrome, bạn nên tải bản dành cho chip Apple để có hiệu năng tốt nhất.

So sánh M1 chạy Chrome "native" khi bench Speedometer 2.0 và Jetstream2. Theo thứ tự bên trái là MacBook Air M1 và bên phải là MacBook Pro 13 Intel 8th Gen(tất nhiên chạy Chrome qua rosetta):

Chrome "native" cho hiệu năng không cao như Safari "cây nhà lá vườn" nhưng tựu chung vẫn đủ cho Chrome chạy qua rosetta hít khói.

Tiếp đến là bài thử về tốc độ đọc/ghi của ổ cứng SSD. Được biết cả chiếc Air chạy chip M1 và Pro 13 2020 chạy Intel của tôi đều dùng 256GB bộ nhớ, cũng như không có gì khác biệt về các thông số khác. Tuy nhiên, một lần nữa Apple đã khiến người dùng bất ngờ khi điểm đo tốc độ từ Disk Speed Test cao gần như gấp đôi so với bản chạy chip Intel.

MacBook Air chạy chip M1 cho tốc độ đọc và ghi gần như gấp đôi bản Pro 13 chạy chip Intel.

Trong buổi giới thiệu sản phẩm, đại diện Apple đã từng nói rằng vi xử lý M1 của họ đã trang bị controller mới cùng công nghệ flash mới sẽ giúp cho tốc độ đọc ghi data nhanh hơn với bản tiền nhiệm, và tấm ảnh trên là ví dụ rõ ràng nhất.

Hiệu năng xử lý nhẹ nhàng đã tạm đủ, giờ qua đến các bài test "nặng ký" hơn: Cinebench R23. Với phần mềm này, CPU của máy sẽ bị ép hoạt động công suất 100% để render hình ảnh nặng, từ đó bạn có thể đánh giá được hiệu năng của CPU máy tới đâu và có thước đo xếp hạng cụ thể hơn.

Dù mang mác Air nhưng nhờ sử dụng chip M1, nó đã vượt xa chiếc Pro 13 2020 mà tôi đang sử dụng. Thậm chí điểm xếp hạng còn hơn cà i7-1165G7 của Intel (khi chạy ở 1,69GHz).

Test Multi core và Single core trên chip M1:

Và đây là Multi core cùng Single core của MacBook Pro 13 2020 chạy Intel i5-8257U:

 

Có một điểm tôi từng lo lắng là MacBook Air không có quạt tản nhiệt nên nếu chạy tác vụ nặng thì có vẻ không ổn. Tuy nhiên hôm nay tôi đã có câu trả lời khi chiếc máy này chạy Cinebench nhưng khi sờ vào mặt đáy lẫn chiếu nghỉ tay vẫn rất mát mẻ và đặc biệt là nhờ không có quạt nên chẳng có tiếng rít gió nào ở đây cả. Ngược lại, anh Pro chạy Intel i5-8257U vẫn rít gió khi bench và tất nhiên thân máy vẫn ấm nhiều hơn so với Air chạy M1.

Đến xử lý ảnh RAW cũng cho MacBook chạy Intel ngửi khói

Trước đây bản thân tôi từng khuyên một số bạn bè nếu chụp ảnh thường xuyên và phải edit ảnh bằng Lightroom hay Photoshop thì nên né dòng Air ra khi chọn laptop Apple. Nhưng thời thế đã đổi thay khi hôm nay, lần đầu tôi thử "try hard" import 473 tấm ảnh RAW chụp từ máy ảnh Sony A7C vào Lightroom...

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 14.

Import 473 tấm ảnh RAW với tổng dung lượng gần 35GB.

Thời gian Import và xử lý cache thumbnail cho tất cả 473 tấm ảnh RAW này của MacBook Air chỉ 2 phút 02 giây, trong khi đó MacBook Pro 13 chạy chip Intel cần đến 3 phút 41 giây. Ngoài ra, thời gian xuất một loạt file đó ra JPEG (full res, không hậu kì) của chiếc laptop chạy chip M1 là 2 phút 34 giây, trong khi Intel lại tốn 4 phút 47 giây, gần như là gấp đôi.

Cuối cùng, với 473 tấm ảnh RAW đã qua hậu kỳ, thời gian xuất file JPEG của Air là 15 phút 51 giây, còn người anh chạy chip Intel lại là… 29 phút 03 giây.

Với hiệu năng khá ấn tượng, có thể nói chiếc MacBook Air chạy M1 giờ đây đã có thể dư sức đáp ứng được nhu cầu chỉnh sửa ảnh dành cho các bạn nhiếp ảnh nghiệp dư hoặc bán chuyên.

Cuối cùng một chiếc máy Mac cấu hình cơ bản đã có thể chơi game ổn

Từ trước đến nay nếu muốn chơi game, ai cũng nghĩ đến chỉ có dòng máy chạy Windows mới có thể đáp ứng được, và cả tôi cũng từng như thế. Nhưng sau ngày hôm nay, chúng ta hãy tạm xóa dần định kiến ấy vì chip M1 của Apple đã cho ta thấy tương lai tươi sáng hơn rồi.

Vì những hiệu năng khá bất ngờ mà chiếc Apple M1 mang lại, tôi đã quyết định cài một vài tựa game để xem em ấy "gánh" được đến đâu.

Mở danh sách có sẵn trên Steam mà tôi đang có, hiện tại không có nhiều game hỗ trợ nền tảng MacOS và duy nhất trong số đó tôi chỉ có thể thử được Counter Strike: Global Offensive và Dota 2.

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 15.

Với tựa CS: GO, cả hai máy chạy chip M1 và Intel đều không vào được. Có thể nhà phát triển chưa tối ưu và hy vọng sẽ fix trong thời gian tới.

Còn ở Dota 2, cả hai máy đều chạy được nhưng có kết quả chênh lệch nhau khá rõ rệt. Với cấu hình Cao, MacBook Air chạy M1 đã có thể chơi được ở mức 4x fps, trung bình dao động ở tầm 3x fps và ít khi drop xuống hàng 2x. Với MacBook Pro 13 chạy chip Intel, nguyên trận đấu tôi chỉ thấy mức khung hình đạt cao nhất là tầm 35 fps, nhưng chẳng được lâu mà đa phần nằm ở khoảng 17-27 và cảm giác khá khó chịu vì game cứ giật tung lên mỗi khi ra skill.

Dota 2 trên MacBook Air, số đo FPS đặt góc trái phía trên:

 

Dota 2 trên MacBook Pro 13 2020 chip Intel:

 

Tựa game tiếp theo mà tôi lựa chọn là Diablo 3 vốn gắn bó một thời sinh viên. Khá bất ngờ là khi vào máy đã tự động Optimized cho cấu hình Cao, trừ phần đổ bóng là ở mức Medium mà thôi. Mọi thứ đều rất mượt mà với chiếc MacBook Air mới này.

Ở phân cảnh trong thành, khung hình đều nằm ở mức trên 50 fps và khi ra ngoài chiến trường đấu quái đa phần đều nằm ở mức 40 fps. Chỉ riêng vài cảnh trong hang động với đông quái vật quá thì lúc này bị drop xuống 24 nhưng cá nhân tôi thấy vẫn ổn. Nếu bạn cần khung hình mượt hơn nữa có thể giảm độ phân giải hoặc cấu hình đồ họa xuống, nhìn chung là máy này có thể chiến game ở mức chấp nhận được.

Mải nói về MacBook Air mới, tôi quên béng đến chiếc Pro 2020 chip Intel mà mình đang dùng. Có thể nói ở trò Diablo 3 này, bản MacBook chạy Intel đã rớt ngay vòng giữ xe khi chỉ có 20 fps ở menu chính, và nếu cố gắng vào chơi tiếp thì bạn buộc phải hy sinh rất nhiều đồ họa lẫn độ phân giải mới có thể tạm yên ổn.

Khung hình khi chơi trên MacBook Pro 13 2020 bản Intel tụt thảm hại khiến tôi không còn hứng thú để chơi.

Nhìn chung ở tiết mục chơi game này, Apple M1 đã chứng minh cho chúng ta thấy nó hoàn toàn có khả năng xử lý game và hy vọng trong một tương lai không xa sẽ có nhiều nhà phát triển game bước đến vùng đất này hơn.

Và bạn cũng nên nghĩ đến chuyện bỏ củ sạc ở nhà được rồi

MacBook Air luôn là dòng sản phẩm có thời lượng pin lâu nhất, và khi chuyển sang chip Apple M1 mới này, mọi thứ lại càng thể hiện rõ hơn. Dù thời gian trải nghiệm không nhiều nhưng cá nhân tôi cũng có đánh giá về thời lượng pin của chiếc máy này. Trong thời gian 2 giờ để cài đặt phần mềm, tải game và chạy các bài benchmark (bao gồm Speedometer 2.0, Jetstream2, Disk Speed Test, Cinebench R23), MacBook Air 2020 chỉ tốn khoảng 26% pin, trong khi MacBook Pro của tôi đã đi mất 60%!

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 20.

Biểu đồ pin của MacBook Air. Thời gian tôi cài đặt, tải game và benchmark là từ 7pm đến 9pm, tức cột bên phải. Mức pin lúc đấy từ khoảng 48% và sau 2 tiếng tụt còn 22%, có nghĩa chỉ mất 26% lượng pin cho các tác vụ ngốn tài nguyên trong vòng 2 tiếng.

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 21.

Cũng trong thời gian song song đó và với khối lượng tác vụ tương đương, MacBook Pro 13 2020 chạy chip Intel của tôi tụt thảm từ 80% xuống còn 19% sau 2 tiếng.

Theo dự đoán của tôi, nếu với nhu cầu sử dụng tác vụ thông thường, chắc chắn MacBook Air mới này sẽ còn chạy được lâu hơn và chuyện dùng cả ngày mà không cần sạc là điều có thể tin được.

Tổng kết

Trải nghiệm nhanh MacBook Air 2020 chip M1: Tôi đã sốc khi Pro 13 inch 2020 bị ngửi khói toàn tập - Ảnh 22.
 

Dù rằng cái tên Air trước đây luôn được gắn mác dành cho người dùng cơ bản, không nhiều tác vụ nặng nhưng nhờ trang bị vi xử lý mới do chính Apple phát triển, chúng ta có thể thấy nó làm được những thứ mà có khi một chiếc MacBook Pro chạy Core i7 cũng phải ngán ngẩm.

- Vậy chiếc máy này sẽ dành cho đối tượng nào? Trước đây nó khá giới hạn, vòng tròn đối tượng khách hàng đa phần nhắm đến nữ giới thích gọn nhẹ, sinh viên "chanh xả" hoặc giới văn phòng không cần xử lý tác vụ nhiều. Nhưng với bước chuyển mình, thay thế Apple M1 cho vi xử lý Intel đã khiến vòng tròn này "nở to" ra hơn, phù hợp với cả những bạn có nhu cầu giải trí, gaming "sương sương" (tất nhiên thời điểm hiện tại hơi khan hiếm kho game nhưng tương lai chắc chắn sẽ đa dạng hơn) hoặc dành cho các bạn nhiếp ảnh nghiệp dư hay bán chuyên muốn giảm tải bớt cân nặng của balo thay vì phải vác MacBook Pro 16 cồng kềnh thì đây cũng là lựa chọn đáng cân nhắc.

- MacBook Air chip mới sẽ không dành cho những ai? Theo thông tin mình biết được, hiện tại do chạy trên nền tảng xử lý mới nên một số ứng dụng vẫn chưa tương thích, đặc biệt là với các bạn làm nghề lập trình. Ngoài ra, vì vốn chạy trên MacOS nên chắc chắn lượng phần mềm sẽ không nhiều như Windows nên bạn nào thích vọc vạch nhiều hơn thì đây tất nhiên vẫn không phải là lựa chọn hợp lý. Cuối cùng, đối tượng muốn tìm sản phẩm laptop vừa túi tiền cho sinh viên thì MacBook Air vẫn nên được đặt ngoài danh sách vì ở mức giá khoảng 25 triệu đồng bạn có thể tìm kiếm được nhiều sản phẩm của các hãng khác hơn, lại còn dư là kha khá để trang bị phụ kiện và những thứ khác nữa.

Cảm ơn hệ thống CellphoneS đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này.

 

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs