Câu chuyện của smartphone năm 2016 là câu chuyện của jack cắm tai nghe. Trong một năm mà chiếc Samsung cao cấp nhất phát nổ và bị thu hồi đồng loạt còn chiếc iPhone đầu bảng chỉ là một bản "copy paste" về mặt thiết kế nhưng lại được đánh số mới, những tranh cãi đáng chú ý lại nổ ra xung quanh một kết nối analog đã có hàng chục năm tuổi đời.
Gần như không một ai thích bước thay đổi này của Apple cả. Dựa theo một khảo sát gần đây của Yahoo Finance, 71% người dùng iPhone khẳng định họ không đồng tình với thay đổi này trong khi 73% tín đồ Android khẳng định việc thiếu khe cắm tai nghe đã làm giảm khả năng họ chuyển sang iPhone. Vào năm ngoái, cả 2 đối thủ Samsung và Google đều đã lên tiếng mỉa mai quyết định này của Apple.
*Cần tuyển dụng gấp 50+ HTML5 ngay*
Dù vậy, trong năm nay, Google lại được cho là sẽ loại bỏ cổng tai nghe trên Pixel 2. Trong khi tin tức này vẫn chưa được xác nhận, sự thật là rất nhiều nhà sản xuất Android đã tiếp bước Apple khi ra mắt những chiếc smartphone không có jack cắm tai nghe: Moto Z, HTC U Ultra, Xiaomi Mi 6, Essential Phone (của chính cha đẻ Android, Andy Rubin)...
Bước thay đổi tất yếu
Có rất nhiều lý do khiến cho quyết định loại bỏ jack tai nghe trở nên hợp lý và tất yếu – và không, chúng ta sẽ không cần bàn đến lợi thế giảm độ dày chỉ... chưa đầy nửa mm.
Đầu tiên, loại bỏ jack cắm tai nghe là bước thúc đẩy cần thiết dành cho tai nghe không dây. Tai nghe Bluetooth hiện chỉ còn có giá từ khoảng 20 USD, tức là rẻ hơn cả giá bán lẻ chính hãng của tai nghe EarPods (30 USD). Với sự phổ biến của công nghệ Bluetooth, việc các nhà sản xuất cung cấp lựa chọn mặc định sẽ chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Tiếp đến, loại bỏ jack cắm tai nghe là tạo ra thêm một động lực cho giới sành âm thanh sở hữu riêng cho mình một bộ amp/DAC rời chất lượng. Chẳng có ai sành âm thanh lại không hiểu rằng chất lượng tín hiệu analog từ iPhone hay bất cứ một loại smartphone nào khác đều không thể bì với amp/DAC rời. Ngược lại, nếu bạn chỉ là một người dùng phổ thông, sự khác biệt giữa cổng tai nghe cũ và adapter được Apple bán kèm iPhone là hoàn toàn vô nghĩa.
Cả 2 lợi thế này dều cho thấy một sự thật tất yếu: bỏ jack tai nghe sẽ là bước đi rất có lợi cho các bên liên quan. Rất nhiều nhà sản xuất thiết bị âm thanh đã từng ra mặt bày tỏ sự vui mừng về quyết định của Apple.
Đường đến tương lai
Bạn không bắt buộc phải mua những chiếc AirPods đầy đủ của Apple, dù rằng chúng đang được ca ngợi là bước đột phá mới trong trải nghiệm người dùng. Nhưng không phải vô cớ mà điểm hài lòng dành cho cặp đôi tai nghe đắt đỏ (và nghe nhạc... không hay) này lại cao đến vậy: các tính năng đàm thoải rảnh tay, tự động khởi động, kích hoạt trợ lý ảo cho đến các tính năng điều khiển "bình thường" khác đều được AirPods đẩy lên mức hoàn hảo. Dùng AirPods với iPhone tiện dụng hơn dùng iPhone với EarPods rất nhiều.
Đây đều là những hướng đi mà các nhà sản xuất Android cần phải để mắt tới. Google nay đã có trợ lý ảo đầy đủ; Samsung cũng kiên quyết không kém phần khi dành riêng hẳn một nút bấm vật lý cho Bixby. Khi tiềm năng theo dõi sức khỏe được khám phá (tai của bạn tập trung rất nhiều mạch máu), những chiếc tai nghe như AirPods có thể sẽ trở thành chương mới của thị trường wearable còn ảm đạm. Hãy thử nghĩ mà xem, ngoài vòng cổ, vòng tay và đôi tai, làm gì còn vị trí nào cho phép con người đeo thiết bị công nghệ một cách thoải mái nữa?
Từ các lợi ích này, có thể nói rằng bước đi loại bỏ jack tai nghe có thể ví với quyết định bỏ ổ đĩa mềm khỏi chiếc iMac 1997: vì đĩa mềm thời đó còn phổ biến, nhiều người đã phải mua ổ đĩa mềm kết nối qua USB để gắn với iMac. Nhưng chính hiện trạng này đã lại giúp USB thêm phổ biến và dần dần trở thành kết nối tất yếu của PC, tiếp tục tồn tại cho đến khi ổ đĩa quang đã chìm vào quá khứ. Người dùng ngày nay cũng phải chấp nhận những bất tiện không nhỏ khi jack tai nghe bị khai tử, nhưng không một ai có thể phủ nhận rằng bước đi tranh cãi này của Apple và rất nhiều tên tuổi Android sẽ buộc giới công nghệ phải nghĩ ra phương hướng khai thác mới dành cho Bluetooth, Wi-Fi, Lightning và USB-C.
Phần lớn các hãng smartphone cũng có thương hiệu tai nghe của riêng mình: Samsung có Level, LG có TONE, Xiaomi có Piston, Sony thậm chí còn đứng đầu thị trường tai nghe về thị phần. Google có thể dễ dàng thuê gia công... Việc loại bỏ jack cắm tai nghe sẽ quá dễ dàng với họ, vậy thì tội gì không thực hiện cuộc cách mạng tranh cãi này để nâng tầm trải nghiệm cho người dùng và tự mở ra vô số cơ hội doanh thu mới cho chính mình?
Nguồn: Genk.vn