Càng đến gần ngày ra mắt iPhone vào tháng 9, những tin đồn về thế hệ iPhone mới càng xuất hiện nhiều. Đây sẽ là mẫu iPhone kỷ niệm 10 năm ra mắt và thay đổi thế giới, đây cũng sẽ là mẫu iPhone đầu tiên được trang bị OLED và tỷ lệ 21:9 (hoặc có thể là 18:9 như Samsung).
Và đây cũng có thể là mẫu iPhone từ bỏ Touch ID, một công nghệ quan trọng mới chỉ hơn 3 năm tuổi đời. Loại bỏ cảm biến vân tay, Apple sẽ được gì và mất gì?
Vì sao nói bảo mật rất quan trọng với Apple?
Khi nhắc đến bảo mật nhiều người vẫn sẽ nghĩ ngay đến vai trò mang tính chất "bắt buộc" của chúng. Điều này có nghĩa rằng không mấy người làm bảo mật vì họ coi đây là một tính năng có thể mang lại thêm giá trị cho người mua hay cho các công ty liên quan (nhà sản xuất, nhà mạng, chuỗi bán lẻ...). Trái lại, các hãng công nghệ buộc phải làm bảo mật để tránh các tình huống rò rỉ thông tin có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Với Touch ID, Apple đã chứng minh điều ngược lại. Một tính năng bảo mật tiện dụng có thể cải thiện chất lượng trải nghiệm của người dùng và cùng lúc đem lại giá trị kinh tế cho nhà sản xuất. Từ password và passcode lên cảm biến vân tay, Apple vừa làm giảm nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân (người khác có thể nhìn thấy bạn nhập passcode trên điện thoại), vừa khiến cho quá trình mở khóa và mua sắm trên iPhone trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thay vì phải gõ password trước mặt người khác, bạn chỉ cần chạm tay lên nút Home. Rõ ràng là khi Touch ID lần lượt xuất hiện trên App Store, iTunes và sau này là Apple Pay, công ty của Tim Cook đã tìm ra cách để giúp người dùng có thể... móc tiền ra trả cho Apple và các bên liên quan một cách tiện lợi nhất, nhanh chóng nhất.
Không ai có thể phủ nhận được đó là một bước tiến quan trọng. Không phải vô cớ mà cảm biến vân tay đã có mặt trên thiết bị công nghệ từ lâu nhưng một khi iPhone có Touch ID thì các đối thủ cũng ồ ạt ra mắt công nghệ tương tự cho sản phẩm của mình.
Vì sao Touch ID buộc phải ra đi?
Đáng tiếc rằng trong không gian sáng tạo đã quá ngột ngạt của smartphone 2017, Touch ID lại đang mâu thuẫn với phương hướng cải thiện trải nghiệm duy nhất mà các nhà sản xuất có thể nghĩ đến: kéo dài màn hình. Trước cú sốc mà LG G6 và Galaxy S8 tạo ra, ai cũng hiểu rằng iPhone cũng sẽ phải đi theo hướng tương tự: không gian hiển thị cần kéo dài sang hai bên để đồng nhất với ngành phim ảnh và để phục vụ tốt nhất cho mắt người (hãy để ý và bạn sẽ thấy trường nhìn của bạn có tỷ lệ chiều dài/chiều rộng gần với 21:9 hơn là 16:9).
Việc kéo dài màn hình cũng có nghĩa rằng cảm biến vân tay không thể tồn tại trên mặt trước của smartphone được nữa: cả LG và Samsung đều đã phải đẩy cảm biến của họ ra phía sau lưng điện thoại. Các tin đồn cho rằng Apple có thể tìm cách đặt cảm biến ngay dưới màn hình, nhưng không một ai dám chắc đó có phải là ý tưởng khả thi hay không. Ẩn sau nút Home của iPhone 5s thực chất lại là một cảm biến điện dung có thể nhận diện 500 pixel trên một inch.
Như vậy, chính đột phá công nghệ làm nên thành công của Touch ID sẽ trở thành lý do khiến Apple phải loại bỏ công nghệ này khỏi iPhone 8. Cả màn hình smartphone lẫn vân tay đều là cảm ứng điện dung, nhưng độ phân giải của chúng khác nhau và cấu tạo phía dưới cũng rất khác nhau (Touch ID chứa tới 4 linh kiện chưa chắc đã tương thích với các tấm màn hiển thị). Kể cả nếu việc tích hợp Touch ID bên dưới là khả thi, Apple cũng sẽ phải thay đổi cấu tạo bên trong để phù hợp với bố cục linh kiện màn hình. Nguy cơ làm hỏng trải nghiệm vân tay rất có thể xảy ra.
Sự thay thế bắt buộc
Việc đẩy cảm biến vân tay ra phía sau cũng không phải là một lựa chọn quá hợp lý. Chúng phá hỏng thiết kế ở mặt lưng. Chúng khiến thiết kế ốp phải thay đổi. Quan trọng nhất, chúng buộc người dùng phải sử dụng điện thoại theo những cách không thực sự tự nhiên: dùng các ngón tay "mò" đến cảm biến trên mặt lưng không thể nhanh và tiện dụng như khi bạn đặt ngón tay cái lên Touch ID để mở khóa.
Ở chiều ngược lại, Apple cũng không thể "đi lùi" về mật khẩu và passcode. Muốn iPhone tiếp tục trở thành một nền tảng thanh toán quan trọng, Tim Cook, Jony Ive và các nhà lãnh đạo Apple buộc phải tìm ra một biện pháp bảo mật có mức độ tiện dụng tương tự như Touch ID. Câu trả lời khả dĩ nhất lúc này có lẽ là cảm biến mống mắt hoặc võng mạc tương tự như Galaxy S8 và Lumia 950. Hoặc, Apple có thể đang bí mật nghiên cứu một công nghệ đột phá nào đó mà báo giới không thể "dò hơi" được.
... Và những nguy cơ tiềm tàng
Một thay đổi lớn như vậy có thể tiềm ẩn những nguy cơ nhất định. Apple vốn là bậc thầy về tối ưu trải nghiệm, song Apple cũng không phải là chưa từng mắc những lỗi ngớ ngẩn: Atennagate trên iPhone 4 hay cách sạc ngớ ngẩn của Pencil và MagicMouse là những ví dụ điển hình. Với các biện pháp bảo mật mới, khả năng Apple tạo ra những chiếc iPhone bị rối loạn bởi kính đeo mắt, hình vẽ trên khuôn mặt, cảm xúc/sức khỏe của người dùng hay bất kỳ một yếu tố ngớ ngẩn nào khác.
Các công nghệ mới cũng có thể tiềm ẩn những lỗi trầm trọng: ví dụ điển hình là bảo mật mống mắt của Galaxy S8 có thể bị bẻ một cách dễ dàng bằng các vật dụng phổ thông. Khi Apple chưa có tuyên bố rõ ràng, và quan trọng hơn, khi công nghệ mới chưa được kiểm thử trên diện rộng, bất cứ tình huống xấu nào cũng có thể xảy ra. Khi đó, chuyện người dùng lôi "cái chết" của Touch ID ra để chỉ trích Táo sẽ là không có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng nhu cầu mở rộng màn hình smartphone đã trở thành tất yếu, và một công nghệ quét mắt chuẩn mực cũng có thể mở ra những chân trời tiện dụng cho cả iPhone, iPad, Mac, HomePod hay bất cứ một thiết bị điện toán nào khác (tất cả những gì bạn cần chỉ là một module camera có độ phân giải vừa đủ). Thay thế Touch ID là lựa chọn Tim Cook buộc phải đi theo.
Câu hỏi duy nhất còn lại sẽ là: liệu Apple có thể đảm bảo một giải pháp thay thế chất lượng hay sẽ vấp ngã đau đớn?
Hãy chờ đến tháng 9 để có câu trả lời.
Nguồn: Genk.vn