Ngày 16/10, Google vén màn Pixel 4. Là chiếc điện thoại mang trong mình tầm nhìn của riêng Google dành cho Android, Pixel 4 lại học hỏi 2 yếu tố quan trọng từ iPhone: cảm biến nhận diện khuôn mặt 3D và cơ chế điều khiển cảm ứng gần như giống hệt iPhone X. Khác với toàn bộ những chiếc smartphone Android trước đây, Pixel 4 không còn cảm biến vân tay. Và Pixel 4 cũng không còn nút Back theo mặc định nữa – muốn có trải nghiệm không theo ý của Google, bạn sẽ phải vào Settings bật lại tùy chỉnh.
Chưa bao giờ trải nghiệm Android lại giống với Google đến vậy. Thậm chí, kẻ đưa Android về gần iOS không ai khác ngoài chính ông chủ của Android.
Phải theo Apple
Smartphone Android đã có thể đi theo một con đường rất khác: Bàn phím trượt!
Để hiểu vì sao Google đường đường là ông chủ của hệ điều hành phổ biến nhất hành tinh mà lại đi copy Apple, hãy cùng nhìn lại khởi điểm của Android. Năm 2008, Android ra đời trên HTC Dream, một chiếc smartphone có màn hình cảm ứng điện dung và bàn phím dạng trượt. Lý do Dream có bàn phím là bởi Andy Rubin lo sợ người dùng chưa thể thích ứng ngay với một trải nghiệm không có nút bấm, và quả thật một số mẫu Android đóng vai trò nền móng như Motorola Zoom hay Xperia X10 sau này cũng đều có phím vật lý.
Thế rồi, khi Google hoàn thiện Android, bàn phím cũng dần biến mất. Android đã phải chạy theo trải nghiệm giống với Apple (sử dụng duy nhất màn hình cảm ứng) thay vì giữ phím vật lý làm đặc trưng riêng, đơn giản vì đó là con đường đúng đắn duy nhất. Phím vật lý làm cho máy dày hơn và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về độ bền.
Trở lại với Pixel 4. Hãy nhớ rằng, kể từ khi Samsung khởi đầu cuộc đua "tràn viền" vào năm 2017 với Galaxy S8, các nhà sản xuất Android cũng bắt đầu rơi vào thế khó: làm thế nào để tiếp tục có cơ chế điều khiển sinh trắc học, và làm thế nào để dùng máy một cách thuận tiện khi mặt trước điện thoại không còn nhiều chỗ bám cho tay? Chỉ đến cuối năm, Apple đã có ngay câu trả lời: chừa lại một "rãnh" cho camera 3D và cùng lúc xóa bỏ cả cảm biến vân tay lẫn nút Home (vốn được tích hợp là 1 trên iPhone). Một cơ chế điều hướng mới cũng được đưa ra, cho phép người dùng trượt tay để kích hoạt bất kỳ thành phần nào trong hệ điều hành một cách nhanh chóng.
Loại bỏ viền màn hình đã đưa các nhà sản xuất vào thế khó: đưa cảm biến vân tay đi đâu?
Lựa chọn đúng duy nhất
Thành công của iPhone X và iPhone XR cho thấy Apple đã lựa chọn con đường đúng đắn. Nhưng các nhà sản xuất Android thì chưa. Ban đầu, họ đưa cảm biến vân tay ra mặt sau, tạo ra trải nghiệm vô cùng bất tiện mà điển hình không ai khác ngoài Pixel 3. Sau những nỗ lực kém cỏi để học theo Face ID, họ lại trở về với vân tay, nhưng là cảm biến vân tay đặt ngay dưới màn hình.
Là ông chủ của cả hệ điều hành, Google không thể đi theo con đường này: cảm biến vân tay dù là quang học hay siêu âm đều tồn tại những điểm yếu chết người. Cảm biến vân tay dưới màn cũng buộc người dùng phải đưa mắt xác định vị trí của cảm biến rồi mới đặt tay. Chưa kể, một bộ cảm biến 3D lại có thể giúp đưa những trải nghiệm mới, thú vị đến với người dùng.
Với Pixel 4, Google đứng trước hai lựa chọn: hoặc lựa chọn sai, hoặc phải đi theo con đường của Táo.
Đi theo Apple là con đường đúng đắn duy nhất lúc này.
Và thế là Google đi theo con đường của Táo. Pixel 4 mở khóa bằng khuôn mặt. Mở khóa bằng khuôn mặt rồi lại loại bỏ cả nút bấm, Pixel 4 lại phải học luôn cơ chế điều khiển của iPhone X. Đó đơn giản là cơ chế điều khiển đơn giản và trực quan nhất trên những chiếc điện thoại đã gần như không còn viền màn hình.
Bản chất sáng tạo
Ở phía ngược lại, Apple cũng đã rất nhiều lần chạy theo Android. 2 SIM 2 sóng, sạc không dây, bàn phím bên thứ 3, tấm màn OLED... tất cả đều có mặt trên Android trước hết. Đáng nhớ nhất có lẽ là iPhone 6 (2014). Từ chỗ kiên quyết nói không với màn hình cỡ lớn, iPhone năm đó đã lần đầu tiên phá bỏ ranh giới 4 inch, thậm chí lại có cả phablet. Kẻ chứng minh nhu cầu màn hình lớn trên điện thoại là các nhà sản xuất Android: ngay từ 2012, Galaxy S3 đã có màn hình 4.7 inch.
Đường đường là ông vua phân khúc cao cấp, tại sao Apple lại copy Google? Năm 2013, các tài liệu nội bộ của Apple cho thấy rằng tăng trưởng doanh số iPhone đã chậm lại cho dù lúc đó toàn thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng. Toàn bộ phần tăng trưởng đều dành cho các điện thoại có màn hình trên 4 inch. Một slide trong tài liệu nội bộ này có tựa đề "Người tiêu dùng muốn cái mà chúng ta không có". Tức là, Apple cũng có 2 lựa chọn, hoặc học theo Samsung và ra mắt màn hình lớn, hoặc tiếp tục nhìn nhà Android chiếm hết phần tăng trưởng.
Bao lần Apple copy smartphone Android cũng là vì vậy: Chọn copy, hay chọn thất bại?
Năm 2010, bạn có thích cầm trên tay những chiếc điện thoại dày cộp, dễ gẫy làm đôi? Năm 2014, bạn còn muốn chấp nhận trải nghiệm 4 inch? Năm 2019, bạn còn nên chấp nhận khả năng bảo mật yếu kém của cảm biến vân tay hay các nút bấm truyền thống thiếu trực quan của Android ngày trước?
Đến cuối cùng, smartphone vẫn chỉ là smartphone. Trong từng giai đoạn, có thể sẽ có nhiều trào lưu, nhiều lựa chọn công nghệ xuất hiện, nhưng sẽ chỉ có một lựa chọn đúng duy nhất. Có thể Apple là kẻ đưa ra lựa chọn đó trước, hoặc có thể phần tiên phong lại thuộc về Google hay Samsung. Đừng trách khi các nhà sản xuất học hỏi lẫn nhau, bởi đôi khi họ chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là muối mặt copy, hoặc cầm chắc thất bại.
Nguồn: Genk.vn