Tầm nhìn nhà Táo
Ít người nhận ra rằng, mặc dù vẫn đang sống bằng iPhone, Apple đã luôn tìm cách để giảm bớt vai trò của chiếc smartphone trong cuộc sống. iPhone 4S, mẫu iPhone đầu tiên được vén màn sau khi Steve Jobs qua đời, chỉ có duy nhất một tính năng "đỉnh" là Siri – công cụ "trợ lý ảo" giọng nói ra đời khi nhà sáng lập Dag Kittlaus làm vỡ màn hình chiếc iPhone đang sử dụng.
Năm 2014, Apple vén màn Apple Watch, dòng sản phẩm mới đầu tiên không có bàn tay của Steve Jobs. Cũng giống như Siri, Apple Watch mang vai trò giảm bớt sự phụ thuộc của người dùng lên điện thoại: hiển thị thông báo, đếm bước chạy, nghe nhạc và xem thời gian là những tính năng cho phép iFan không cần phải rút iPhone ra khỏi túi quần.
Apple có một tầm nhìn lạ lùng cho tương lai công nghệ: vẫn là trung tâm, nhưng sự phụ thuộc của người dùng lên iPhone sẽ ngày càng giảm bớt.
Năm 2016, Apple khiến cho tranh cãi bùng nổ khi xóa bỏ cổng tai nghe. Cùng lúc, AirPods ra mắt và khai sinh danh mục "True Wireless", những chiếc tai nghe nhỏ, gọn và tiện lợi nhất dành cho người dùng. Với tính năng nhận cuộc gọi, kích hoạt Siri tiện lợi hay bật/tắt nhạc bằng nút cảm ứng tích hợp ở hai bên tay, AirPods về bản chất cũng giống như Apple Watch: một thứ phụ kiện phải kết hợp với iPhone, nhưng sẽ góp phần làm giảm thời gian dùng iPhone.
Google vượt lên trên
Với Pixel Buds và Pixel 4, Google đang đi theo những gì Apple đã vạch ra từ tận 8 năm trước. Chưa bao giờ một thế hệ Pixel lại mang đến nhiều cải tiến dành cho Google Assistant đến vậy: bằng cách tích hợp một bộ engine AI "offline", Pixel 4 có thể ghi chú giọng nói theo thời gian thực ở mức độ chính xác gần như tuyệt đối mà không cần phải kết nối lên máy chủ. Đáng kinh ngạc hơn, Google Assistant có lẽ đã trở thành trợ lý ảo đầu tiên trên thế giới có khả năng hiểu ngữ cảnh giọng nói: trong màn demo, khi được hỏi "hãy cho tôi xem danh sách các buổi diễn của CÔ ẤY", mẫu smartphone mới của Google đã ngay lập tức đưa ra danh sách liên quan đến nghệ sĩ vừa được đề cập trong câu lệnh trước đó. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là một tính năng cực kỳ khó nhằn mà nhiều trợ lý ảo vẫn chưa thực hiện được.
Pixel 4 và Pixel Buds 2: Cùng một tầm nhìn với Apple...
...nhưng được nâng lên một tầm cao mới.
Pixel Buds 2 về bản chất cũng chỉ là câu trả lời thực thụ đầu tiên của Google dành cho AirPods. Sau màn ra mắt quá thất bại của Pixel Buds đời đầu (vốn vẫn có dây nối 2 bên tai), Pixel Buds 2 giờ đã là True Wireless. Về bản chất, Pixel Buds 2 cũng không khác với AirPods là bao: mục tiêu quan trọng nhất vẫn là để nghe/gọi, để chơi nhạc và để kích hoạt trợ lý ảo mà không phải rút điện thoại ra khỏi túi.
Mảnh ghép duy nhất còn thiếu để người dùng Pixel có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào những chiếc Pixel là smartwatch. Cái chết từ trong trứng nước của chiếc smartwatch Pixel đầu tiên (năm 2016) và thất bại của WearOS có thể là nguyên nhân khiến Pixel Watch đến giờ vẫn chưa thành hình. Nhưng Google cũng có một vũ khí mới mà Apple không có: chip cảm biến radar trên Pixel 4. Bằng loại cảm biến vô cùng mới mẻ này, người dùng có thể điều khiển smartphone từ xa thông qua các cử chỉ cảm ứng. Hiện tại, Pixel 4 mới hỗ trợ từ chối cuộc gọi và chuyển bản nhạc tiếp theo (YouTube Music), nhưng rõ ràng là tiềm năng của công nghệ này sẽ phủ rộng lên tất cả các chuyển động của con người.
Đánh bại iPhone
Mục tiêu cuối cùng của Google chỉ có một: hoàn thành tầm nhìn của Apple, rằng chiếc smartphone trong cuộc sống con người nên được giảm bớt. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Google đang đi sau Apple. Trái lại, Google đang đi trước. Siri vẫn chưa có khả năng nhận diện ngữ cảnh câu nói như Google Asssistant, tốc độ nhận diện câu nói vẫn còn thua xa – AI engine trên chip A13 có lẽ thua kém Pixel Core về sức mạnh và/hoặc đội ngũ AI của Apple vẫn đang đi sau Google. Đặc biệt, điều chỉnh âm lượng Pixel Buds 2 dựa theo tiếng ồn môi trường cũng là một tính năng hữu ích và trực quan theo đúng kiểu... Apple, nhưng lại là do Google tiên phong.
Đây có thể là cách Google sẽ đánh bại được iPhone. Hãy nhớ rằng với Android 10, Google đã buộc phải học hỏi cơ chế điều khiển cảm ứng của iPhone. Lý do Google PHẢI làm như vậy, rất đơn giản, là bởi smartphone đã bão hòa, không gian sáng tạo đã cạn kiệt. Nếu Apple đã chọn đúng, Google không có cách nào khác ngoài việc chạy theo Apple. Chỉ riêng chip, camera, màn hình..., những yếu tố nội tại của Pixel 4 là không đủ để đánh bại iPhone.
Nhưng bằng cách vượt ra ngoài khuôn khổ của smartphone – bằng giọng nói, bằng những cử chỉ điều khiển từ xa, bằng tai nghe True Wireless, Google có thể tạo ra những trải nghiệm đi trước Apple. Google vượt mặt Apple một cách tuyệt đối trên lĩnh vực AI, và thật tình cờ, như những gì Pixel 4 cùng Pixel Buds đã chứng minh, chìa khóa để tạo ra một trải nghiệm ngoài-smartphone thực sự trực quan và hữu ích chỉ có thể là AI.
Nguồn: Genk.vn
Nhân viên Digital Marketing - Google
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ OMMANI
Location: Hà Nội
Salary: 10 Mil - 15 Mil VND