Theo khẳng định của kênh YouTube Front Page Tech, iOS/iPad OS 14 sắp tới sẽ được trang bị thêm phần mềm XCode. Do kênh YouTube này cũng là nguồn tin đã rò rỉ chính xác ngày phát hành của chiếc iPhone SE mới đây, rất có khả năng ứng dụng ít người biết tên này sẽ thực sự có mặt trên hệ điều hành mới của Táo - dự kiến ra mắt vào mùa hè sắp tới.
Rất nhanh chóng, giới coder đã ngay lập tức chỉ ra những tiềm năng to lớn mà XCode trên iOS có thể mang tới. Vậy XCode là gì, và vì sao sự xuất hiện của phần mềm này có thể thay đổi hoàn toàn tương lai của iPhone và iPad?
Phần mềm riêng cho Coder
Được vén màn vào mùa hè 2003, XCode là bộ công cụ phát triển phần mềm tích hợp (IDE) chạy trên nền MacOS. Mùa hè năm 2008, Apple phát hành "iPhone" SDK, biến XCode trở thành công cụ code tất cả các nền tảng của Apple.
XCode, công cụ mà mọi coder cần phải sử dụng nếu muốn đặt chân lên hệ sinh thái giàu tiềm năng của Apple.
Với người tiêu dùng thông thường, XCode là một cái tên ít biết đến. Nhưng với giới lập trình, XCode là công cụ bắt buộc phải dùng nếu muốn kiếm được doanh thu từ iOS hay macOS. Trong khi coder có thể dùng máy Mac để phát triển ứng dụng Windows hay Android (thậm chí, trang chủ của Android Studio còn được thực hiện trên macOS), việc phát triển ứng dụng iOS/macOS từ máy tính Windows hay Linux là hoàn toàn bất khả thi. Nếu muốn đưa ý tưởng ứng dụng của mình lên hệ sinh thái Táo - cũng là hệ sinh thái có tiềm năng doanh thu cao áp đảo so với Android, các lập trình viên bắt buộc phải mua máy Mac và sử dụng XCode.
Cũng bởi lý do này, XCode hiện đang là một trong những bộ IDE được nhiều người sử dụng nhất. Theo số liệu được Apple công bố, năm 2018 số tài khoản lập trình viên đăng ký trên App Store đã lên tới mức 20 triệu. Con số này cao hơn đáng kể so với mốc 2 triệu lập trình viên của VSCode (2017) hay 9 triệu của IntelliJ (2019).
Cuộc cách mạng mới
Là công cụ mà giới lập trình viên iOS bắt buộc phải dùng, XCode vì vậy cũng trở thành biểu tượng cho nhóm phần mềm "Pro" - phần mềm cho công việc. Thực tế, tuy gọi là "Pro" nhưng rất nhiều ứng dụng nhóm này đã trở thành những cái tên quen thuộc với tất cả người dùng trên toàn cầu, như Microsoft Office hay Adobe Photoshop.
Nếu đặt chân lên iOS/iPadOS, XCode sẽ trở thành minh chứng cho sức mạnh chip di động của Apple.
Lâu nay, các ứng dụng "Pro" cũng là nguồn thu chủ yếu của các nhà sản xuất PC. Các thiết bị di động cho đến thời điểm hiện tại vẫn bị coi là chưa đủ mạnh để phục vụ cho công việc, trong đó có công việc coding. Kể từ khi Apple định hướng iPad Pro là thiết bị làm việc để thay thế cho PC truyền thống, câu nói "iPad không chạy được XCode" đã trở thành biểu tượng cho sự giới hạn của dòng iPad đắt đỏ nhất.
Bởi vậy, sự xuất hiện của XCode trên iOS và iPadOS sẽ mang một ý nghĩa cách mạng: Apple sẽ tự chứng minh rằng các thiết bị di động có thể chuyển hóa thành công cụ làm việc, lấn sâu hơn nữa vào thị phần PC. Nếu iPhone 12 hay iPad Pro 2020 có đủ sức mạnh để chạy XCode, các thiết bị này có đủ sức mạnh để trở thành các công cụ code, làm việc văn phòng hay chỉnh sửa ảnh/video "nghiêm túc". Người dùng khối chuyên nghiệp sẽ càng ít lý do để phải mua PC cho công việc.
Mảnh ghép cuối cùng
Thực tế, sức mạnh phần cứng của Apple đã chạm mức thừa đủ cho người dùng "Pro" từ lâu. Năm 2016, chip A10 Fusion vượt mặt hiệu năng Xeon E5 trong thử nghiệm nhân đơn (single core) trên Geekbench. Năm 2018, con chip A12X được tuyên bố nhanh hơn 92% PC di động (laptop, tablet) chạy Windows có mặt trên thị trường. Các mẫu chip ARM của Apple luôn được cập nhật theo từng năm. Apple cũng đã chuyển sang sử dụng chu trình 7nm từ lâu, trong khi gã lớn đang thống trị PC doanh nghiệp là Intel hiện tại vẫn loay hoay với các vấn đề trên chu trình 10nm.
Dĩ nhiên, những lợi thế này không có nghĩa rằng iPhone và iPad có thể thay thế toàn bộ các công dụng của PC hiện tại. Chạy app server, chơi game AAA hay chỉnh sửa video/audio cỡ lớn cao sẽ là những tính năng mà chỉ duy nhất những cỗ máy cỡ lớn có thể đáp ứng được. Nhìn chung, tất cả các công việc đòi hỏi hiệu năng đa nhân tốt, đòi hỏi GPU mạnh mẽ hay đơn giản là RAM cao (32GB trở lên) đều sẽ nằm ngoài tầm với của iPhone, iPad và tất cả các thiết bị di động khác.
Sự xuất hiện của một ứng dụng code sẽ là minh chứng rõ rệt nhất cho sức mạnh và tính tiện dụng của iPhone/iPad.
Nhưng, như iPad, Surface hay ChromeBook đã chứng minh, sản phẩm thành công không nhất thiết phải là cỗ máy có thể làm được tất cả mọi thứ. Một sản phẩm thành công đơn giản chỉ cần đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người dùng mà thôi. Mảnh ghép cuối cùng mà Apple còn thiếu chỉ là một tuyên bố thật lớn, thật rõ ràng rằng iPhone và iPad có thể "biến hình" thành những cỗ máy làm việc, vượt ra khỏi giới hạn truyền thống của thiết bị di động. Lâu nay, đây chính là trở ngại khiến cho iPad Pro chưa thể thành công như mong muốn: nhiều người vẫn mang niềm tin rằng tablet (hay smartphone) không thể chạm tay tới lĩnh vực ứng dụng làm việc cho PC.
XCode trên iOS/iPadOS sẽ chính là mảnh ghép Apple đang kiếm tìm. Tuyên bố vén màn XCode trên iPhone hay iPad chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý đông đảo của các nhà phát triển. Khi họ tin rằng iPhone và iPad có thể được sử dụng cho các ứng dụng công việc, họ sẽ đưa các ứng dụng công cụ của mình lên nền tảng di động của Táo. Người dùng khi nhận ra rằng iPhone và iPad có thể sử dụng cho công việc sẽ càng ít mua mới laptop. Hơn một thập kỷ sau cuộc cách mạng di động, Apple sẽ giáng cho ngành công nghiệp PC một cú đấm thứ 2.
Nguồn: Genk.vn