Do bộ phận truyền thông của Tesla đã bị giải thể nên Twitter của ông Elon Musk gần như đang trở thành nơi đưa ra các tuyên bố của công ty về những sự việc quan trọng, mới đây nhất là vụ tai nạn thảm khốc của một chiếc Tesla Model S ở Texas khiến 2 người chết.
Theo báo cáo của cảnh sát, dù có 2 người ngồi trong xe vào lúc xảy ra tai nạn nhưng đều ngồi ghế phụ và không ai ngồi sau ghế lái. Người nhà một nạn nhân cũng cho biết đã nhìn thấy người thân của mình ngồi vào ghế sau sau khi khởi động xe.
Việc một chiếc xe Tesla "không người lái" gặp tai nạn ngay lập tức khiến nhiều người cho rằng nguyên nhân nằm ở tính năng tự lái của xe Tesla. Tuy nhiên, ông Elon Musk hoàn toàn bác bỏ điều này. Hiện tại, các xe Tesla đều chưa hề có tính năng tự lái hoàn toàn, mà chỉ có tính năng hỗ trợ lái xe Autopilot.
Nhưng bí ẩn hơn cả khi theo ông Musk, chính chiếc xe này cũng chưa bật tính năng Autopilot – tính năng hỗ trợ lái xe nổi tiếng của xe Tesla. Hãng Tesla đã kiểm tra lại "nhật ký dữ liệu" từ phương tiện của mình và xác nhận rằng, chiếc xe lúc đó không bật Autopilot.
Hơn thế nữa, ông Musk cũng cho rằng phiên bản cơ sở của tính năng này chỉ hoạt động được trên các tuyến đường đã được phân làn, trong khi con đường này lại không được phân làn. Ngoài ra tai nạn xảy ra trong một khu vực đông dân cư, nơi tính năng Autopilot đáng nhẽ không được phép sử dụng.
Địa điểm xảy ra tai nạn, nơi tính năng Autopilot của xe Tesla không được phép bật lên
Ngoài tính năng Autopilot, Tesla còn có tính năng hỗ trợ lái xe ở mức cao hơn có tên Fully Self-Driving (FSD) đang được thử nghiệm ở bản beta và yêu cầu lái xe phải ngồi sau tay lái. Tuy vậy, theo ông Musk, chiếc xe này cũng không đăng ký dùng tính năng FSD này.
Nếu các tính năng hỗ trợ lái xe tự động không được bật lên cũng như không được đăng ký, vậy làm thế nào chiếc xe có thể gây tai nạn khi không có ai ngồi đằng sau tay lái? Có lẽ phải chờ cuộc điều tra đi sâu mới biết được nguyên nhân cuối cùng của nó.
Nguồn: Genk.vn