Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Xiaomi: Hành trình trở thành 'đế chế' công nghệ thách thức Apple, Samsung

Xiaomi: Hành trình trở thành 'đế chế' công nghệ thách thức Apple, Samsung

Dưới sự điều hành của nhà đồng sáng lập kiêm CEO Lei Jun, sau 12 năm ra mắt thị trường, giờ đây Xiaomi đã trở thành một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới, cạnh tranh với Samsung và Apple.

Tháng 7/2022, thông tin về việc Xiaomi bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam đã gây xôn xao giới công nghệ trong nước. Hoạt động này được cho là nhằm cắt giảm chi phí lưu thông và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Quốc gia tỉ dân có rất nhiều hãng điện thoại thông minh, song khó có thương hiệu nào vươn tầm quốc tế như Xiaomi.

Với tài thao lược của nhà sáng lập kiêm CEO Lei Jun (Lôi Quân), Xiaomi không chỉ dừng lại ở việc sản xuất smartphone giá rẻ, mà còn trở thành ’đế chế’ công nghệ đủ sức thách thức những tên tuổi lớn như Apple hay Samsung.

Sẽ càng thú vị hơn nếu biết Lei Jun vốn không có kinh nghiệm trong chế tạo điện thoại.

“Steve Jobs Trung Quốc”

Nhà sáng lập Xiaomi từng có một câu nói rất nổi tiếng: "Ngay cả một con lợn cũng có thể bay nếu nó đứng ở tâm của một cơn lốc" ("Even a pig can fly if it stands at the center of a whirlwind"). Câu nói này cũng thể hiện triết lý của Lei Jun, rằng nếu ở đúng nơi và đúng thời điểm, bạn có thể làm bất cứ điều gì.

Xiaomi, ở giác độ nào đó, là một trong những minh chứng cho triết lý kinh doanh đã làm nên tên tuổi của vị tỷ phú sinh năm 1969 (tại Xiantao, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hồ Bắc).

Lei Jun là hình mẫu điển hình của nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, kể như Robin Li và Jack Ma, luôn nỗ lực dù gặp nhiều khó khăn ở độ tuổi 20 và 30, trước khi thành danh ở tuổi 40, theo Forbes.

CEO Xiaomi Lei Jun

Mỗi khi ra mắt dòng sản phẩm mới cho Xiaomi, Lei Jun mặc quần jean, áo phông đen và say sưa nói về từng chi tiết sản phẩm. Hình ảnh này khiến nhiều người liên tưởng đến Steve Jobs – vị CEO quá cố của Apple.

Trong thời gian theo học chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán, Lei Jun tình cờ đọc được cuốn sách về Steve Jobs và ngành công nghiệp máy tính. Chính cuốn sách này đã truyền cảm hứng để Lei theo đuổi ước mơ gây dựng một ''đế chế'' tầm cỡ như Apple.

Để sớm đạt được điều đó, Lei Jun đã cố gắng hoàn tất chương trình đại học chỉ sau 2 năm với vị trí thứ 6 trong 100 sinh viên toàn khóa.

Năm 1992, sau khi ra trường, Lei gia nhập Kingsoft – một công ty phần mềm Trung Quốc – với vai trò là kỹ sư. Sau 6 năm làm việc hiệu quả và có công lớn đẩy mạnh doanh thu, Lei Jun được bổ nhiệm vị trí CEO Kingsoft.

Trong khi điều hành Kingsoft, Lei Jun vẫn tích cực với những dự án khởi nghiệp của riêng mình, tiêu biểu là Joyo.com. Nền tảng bán sách trực tuyến này sau đó được Amazon mua lại với mức giá 75 triệu USD. Lei cũng rót vốn vào hàng chục dự án khởi nghiệp khác và thu về hàng chục triệu USD.

Tới tháng 12/2007, sau khi đưa Kingsoft niêm yết thành công trên sàn chứng khoán, Lei Jun bất ngờ thông báo rời doanh nghiệp này sau 15 năm gắn bó.

Rời Kingsoft, Lei Jun được gắn với biệt danh ''nhà đầu tư vàng'' khi liên tiếp thực hiện các khoản đầu tư thành công vào các startup như Vancl.com, Lakala Payment, UCWeb và trang mạng YY. Bên cạnh đó, ông cũng bắt đầu để ý đến mảng thương mại điện tử, mạng xã hội và ngành công nghiệp di động.

Kẻ thách thức Apple, Samsung

Để bắt đầu dự án khởi nghiệp với những chiếc smartphone, Lei Jun dành nhiều thời gian chiêu mộ nhân tài, trong đó có Lin Bin – người từng phụ trách hoạt động của Google, Microsoft tại Trung Quốc.

Khi ấy, quốc gia này có rất nhiều hãng điện thoại thông minh nhưng chưa có thương hiệu nào đủ sức thâm nhập thị trường quốc tế.

Đến tháng 4/2010, Lei Jun chính thức thành lập Xiaomi Inc – một công ty công nghệ chuyên sản xuất điện thoại thông minh, ứng dụng di động và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Đồng hành cùng Lei Jun là nhóm 7 kỹ sư là các chuyên gia từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ hàng đầu như Google, Motorola, Kingsoft.

Xiaomi bắt đầu từ việc xây dựng một cộng đồng người dùng trực tuyến và phát triển phần mềm ROM MIUI. Cũng từ đây các sản phẩm của Xiaomi dần trở nên phổ biến với việc sở hữu giao diện có nhiều nét tương đồng với iOS, nhưng dành cho người dùng Android. Họ mang đến cho người tiêu dùng Trung Quốc chiếc điện thoại Android giá rẻ, có phong cách của iPhone và có nhiều tính năng thú vị.

Chiến lược bán hàng của Xiaomi cũng rất khác so với Apple hay Samsung.

Các nhà sáng lập quyết định không mở bất kỳ cửa hàng vật lý nào mà chỉ bán độc quyền từ cửa hàng trực tuyến, vì vậy Xiaomi có thể kiểm soát được trải nghiệm và hỗ trợ khách hàng. Hãng cũng nói không với quảng cáo truyền thống và chỉ dựa vào các dịch vụ mạng xã hội và phương thức truyền miệng để công bố sản phẩm. Xiaomi thường tổ chức các ''lễ hội'' định kỳ dành cho các "Mi-Fans" và một số sự kiện độc đáo khác.

Đến năm 2011, sau khi xây dựng được lượng fan hâm mộ nhất định, Xiaomi thông báo cho ra mắt chiếc smartphone đầu tiên mang tên Mi 1 và nhanh chóng nhận được 300 ngàn đơn đặt trước chỉ sau 34 giờ mở bán.

Khi doanh thu của công ty đã tăng trưởng ổn định, nhà đồng sáng lập Lei Jun quyết định chi ra 1 tỉ USD để hỗ trợ 100 startup tại Ấn Độ và đây cũng là chiến lược để bắt đầu mở rộng thị trường tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Năm 2016, Xiaomi đứng trước thách thức lớn khi đánh mất vị trí số một tại thị trường Trung Quốc vào tay Oppo. Tuy nhiên, dưới sự lèo lái của Lei Jun, công ty này đã nhanh chóng lấy lại vị thế khi ra mắt 2 dòng sản phẩm mới.

Năm 2017, Xiaomi tăng trưởng nhanh đến mức hãng nghiên cứu Strategy Analytics dự đoán công ty này có thể vượt Oppo, Huawei và Apple để trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.

Tuy vậy, trong hành trình phát triển, Xiaomi cũng từng dính nghi vấn thu thập dữ liệu người dùng. Song, hãng này khẳng định họ chỉ thu thập thông tin để cải tiến trải nghiệm trình duyệt và dựa trên sự đồng ý của người dùng. Toàn bộ quá trình diễn ra ẩn danh, được mã hóa và không gắn với bất cứ thông tin xác định danh tính nào của người dùng.

 

Khối tài sản của Lei Jun (Nguồn: Forbes)

Khi doanh thu của công ty đã tăng trưởng ổn định, nhà đồng sáng lập Lei Jun quyết định chi ra 1 tỉ USD để hỗ trợ 100 startup tại Ấn Độ và đây cũng là chiến lược để bắt đầu mở rộng thị trường tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Hiện tại, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang cung cấp cho khách hàng một chuỗi những sản phẩm, trải dài từ điện thoại, máy tính bảng, TV, router, pin dự phòng và tai nghe cho đến nồi cơm điện, máy lọc nước và không khí, thậm chí cả robot hút bụi, xe đạp, ô tô.

Trong những năm gần đây, 60% doanh thu của Xiaomi đến từ smartphone, trong khi doanh thu các sản phẩm IoT và phong cách sống dao động từ 25 – 30%, dịch vụ Internet đóng góp chưa tới 10% doanh thu.

GenK.

 

 

Similar blogs