Nếu đang sở hữu một thiết bị đeo thực tế ảo, bạn chắc chắn đã nhận được vài lời khuyên để sử dụng nó một cách an toàn và đảm bảo sức khỏe. Ví dụ như không sử dụng kính VR trong một chiếc xe đang di chuyển hoặc bạn phải nghỉ ngơi thường xuyên. Đối với hầu hết chúng ta, các hướng dẫn này có ý nghĩa vì thực tế VR có thể tạo ra cảm giác buồn nôn. Việc hạn chế thời gian sống trong thế giới nhân tạo là cách tốt nhất để tránh rơi vào tình trạng này.
Nhưng sẽ như thế nào nếu bạn phá vỡ tất cả các quy tắc và quyết định ở lại trong không gian thực tế ảo 48 giờ đồng hồ để thực hiện những hành động hàng ngày như ăn, ngủ và làm việc? Vâng, Dean Johnson và một gã bạn “điên rồ” của anh sẽ cho chúng ta biết cảm giác khi trải nghiệm điều này.
Hai chàng trai dành 48 tiếng trong thế giới thực tế ảo
Johnson đã từng thử thách các quy tắc của người tiêu dùng VR ngay từ đầu. Khi thực tế ảo trở thành xu hướng phổ biến hồi năm ngoái, anh đã trải qua 24 giờ đắm mình trong các thiết bị như Rift, Vive và Gear VR – kết quả là anh đã tạo ra một kỷ lục không chính thức về thời gian ở trong thế giới thực tế ảo. Năm nay, anh đã tuyển Sarah Jones từ Đại học Coventry để tăng gấp đôi nỗi lực của mình khi ở trong môi trường ảo 2 ngày (48 giờ).
Thử nghiệm được tiến hành để đo các giới hạn về thời gian sử dụng VR và giúp phổ biến VR đến nhiều người hơn. Tuy nhiên, Dean Johnson không có ý định PR cho bất kỳ thương hiệu thiết bị đeo VR nào. Ngược lại, các công ty được mời tham gia thử nghiệm đều từ chối. Dean Johnson nói đùa: “Hầu hết họ nghĩ chúng tôi sẽ chết”.
Những nỗi sợ hãi của các công ty sở hữu thiết bị VR như HTC hay Oculus hoàn toàn không phải vô căn cứ. Johnson không chỉ dành hai ngày để xem phim và chơi trò chơi trong môi trường thực tế ảo (VR) - anh đã đeo kính VR trong khi lái xe go-kart, xăm hình và đi bộ qua đôi cánh của một chiếc máy bay đang bay.
Anh cho biết: “Chúng tôi muốn trải nghiệm các tương tác vật lý thực nhất có thể”.
Chẳng hạn, chuyến phiêu lưu bằng gió của Johnson và Jones đã được nhìn thấy qua camera của Gear VR – nhưng mặc dù có các nỗ lực về mặt thể chất để chống lại gió khi bay, trải nghiệm này không hoàn toàn thật. Johnson cho biết: “Nó vẫn không thực như những gì chúng ta nhìn thấy”. Họ đã không nhìn thấy mọi thứ hoàn toàn thông qua ống kính của Gear VR để có được trải nghiệm đầy đủ nhất.
Johnson nói vui rằng có lẽ một con rồng đeo kính VR sẽ trải qua cảm giác đầy đủ, thực hơn: “Nếu mọi thứ bạn thấy đều trở thành sự thật thì tất cả sẽ tuyệt vời”.
Go-karting tốt hơn một chút - tầm nhìn giới hạn của máy ảnh trên Gear VR dường như không ảnh hưởng đến trải nghiệm lái xe. Johnson nói: "Thật đáng kinh ngạc khi bộ não của chúng tôi thích ứng rất nhanh với điều này. Chúng tôi đã đi khá nhanh trên đường đua xe, không va chạm với bất cứ điều gì – mặc dù tầm nhìn của chúng tôi bị giảm”.
Những sự thú vị lại đến từ những thử nghiệm nhỏ hơn. Johnson đã đeo một chiếc kính VR đến phòng xăm để xem liệu sự phân tâm vào thế giới ảo có làm giảm cảm giác đau khi xăm hình lên cơ thể hay không.
Sau khi rút thiết bị đeo ra để đo ngưỡng đau của mình trong thế giới thực, Johnson đã dành phần còn lại của hình xăm khi đang chơi game Gunjack. Anh cho biết nếu lấy điểm chuẩn ngưỡng đau khi không đeo kính VR là 10 thì điểm số này sẽ giảm xuống 6 hoặc 7 trong môi trường thực tế ảo. Theo dữ liệu từ chiếc Apple Watch của Johnson thì nhịp tim của anh giảm trong môi trường VR: trung bình 74 nhịp/phút, trong khi bình thường là 103 nhịp/phút.
Việc ở trong môi trường VR làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống hàng ngày. Có một cuộc trò chuyện mặt đối mặt với bất cứ ai trên Facebook Spaces (hoặc ứng dụng xã hội-VR khác) hay ngủ là một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Johnson giải thích: “Khi thức dậy trong môi trường VR, bạn chỉ tin mọi thứ”. Thông thường, thực tế ảo là một lựa chọn có ý thức, nhưng nếu bạn thức dậy trong môi trường mô phỏng, bao quanh bởi khủng long và phi thuyền, bạn không có thời gian để đặt câu hỏi về thực tế của bạn trước khi bạn lấy lại ý thức. Anh nói tiếp: “Nó giống như thức dậy trong một căn phòng khách sạn không quen thuộc, bạn có thể không biết bạn đang ở đâu và múi giờ là gì và bạn chỉ tin rằng mình đang ở trong một phòng khách sạn”.
Mặc dù đã phá vỡ mọi hướng dẫn về sức khoẻ và an toàn của VR, nhưng Johnson và Jones đã hoàn thành cuộc thử nghiệm mà không gặp phải bất kỳ tổn thương nào. Họ nhận ra rằng việc xem một bộ phim 360 độ trong xe hơi là một trải nghiệm buồn tẻ. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm này không có nghĩa là việc kéo dài thời gian trong môi trường VR không có hậu quả.
Đầu tiên là nỗi đau thể xác, Johnson thừa nhận: “Cái mũi của tôi thâm tím và má của Sarah có những vết đỏ trên đó”. Hai anh chàng này cho rằng những cảnh bảo về sức khỏe khi đeo kính VR là đúng, nhưng nó không đến từ trải nghiệm thực tế mà đến từ việc thiết bị này chưa bao giờ được thiết kế để đeo vô thời hạn. Johnson thừa nhận rằng bạn sẽ rất vui vẻ khi ra ngoài thực tế sau 2 ngày chìm trong môi trường VR.
Tham khảo: Engadget
Nguồn: Genk.vn