Một bằng sáng chế mới được đăng ký bởi Apple đã tiết lộ một giải pháp tiềm năng mà công ty đang cân nhắc nhằm giải quyết vấn đề này. Theo đó, Apple dự định sử dụng các cảm biến dạng tấm phim uốn cong để giúp Apple Watch trở nên mỏng hơn, ít cồng kềnh hơn.
Trong bằng sáng chế, Apple đã chỉ ra những thách thức khi tìm cách đưa một cảm biến quang học vào thiết bị. Apple Watch hiện đang sử dụng một cảm biến quang học để đo nhịp tim của người dùng, và cảm biến này được đặt ở dưới đáy của đồng hồ. Hãng còn đề cập đến việc "các linh kiện quang học dùng để mang lại cho một thiết bị điện tử các chức năng mong muốn có thể quá cồng kềnh để có thể tích hợp vào thiết bị điện tử".
Tiếp đó, bằng sáng chế miêu tả một cảm biến quang học đặt bên trong một lớp bảo vệ. Lớp bảo vệ này có một phần trong suốt cho phép ánh sáng đi qua để vào cảm biến và phản xạ lại từ cổ tay hoặc bất kỳ phần nào trên cơ thể người dùng. Tia phản xạ sẽ đi đến các bộ tách sóng quang "sau khi vượt qua các thành phần kiểm soát ánh sáng".
Các thành phần kiểm soát ánh sáng này được sắp xếp bên trong một linh kiện uốn cong, như hình trên. Nhờ cách bố trí này, các kỹ sư có thể tiết kiệm được một khoảng không gian đáng kể mà không phải can thiệp vào chức năng của các cảm biến quang học. Hơn nữa, các thành phần kiểm soát ánh sáng có thể được chế tạo bằng "các tấm phim kiểm soát ánh sáng uốn cong cán mỏng". Khá thú vị là mô-đun kiểm soát ánh sáng này có thể được ép thành nhiều hình dạng khác nhau tuỳ thuộc cách bố trí các linh kiện xung quanh.
Trong nhiều năm qua, Apple Watch vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể về mặt thiết kế và kích cỡ. Thậm chí khối lượng của đồng hồ cũng được duy trì ở một mức gần như nhau giữa mọi thế hệ. Có lẽ, bằng sáng chế mới nhất này sẽ mở đường cho một đột phá xuất hiện và giúp chiếc Apple Watch trở nên mỏng hơn bao giờ hết.
Nguồn: Genk.vn