Gắn bó với “Big Blue” từ khi bắt đầu sự nghiệp, CEO kiêm Chủ tịch IBM không chỉ là người chứng kiến thăng trầm mà còn đứng sau những bước ngoặt to lớn của tập đoàn điện toán gạo cội này.
Bước ngoặt quan trọng
Một ngày tháng 7/2017, tại tập đoàn International Business Machines Corp (IBM), Arvind Krishna bước vào cuộc họp định kỳ với các lãnh đạo cấp cao. Khoảnh khắc người đàn ông này trình bày ý tưởng của mình là giây phút khiến tương lai của công ty 108 tuổi thay đổi mãi mãi.
Trước đó 4 tháng, Krishna, người đứng đầu bộ phận điện toán đám mây của IBM, đã trăn trở về cách kết nối các dữ liệu quan trọng nhất của người dùng - thường đặt trên các máy chủ riêng - tới các máy chủ đám mây công cộng chạy bởi bên cung cấp thứ ba như IBM, Amazon hay Microsoft.
Tại thời điểm đó, công ty vừa thoát khỏi chuỗi 19 quý lợi nhuận giảm liên tiếp nhưng đã bị tụt lại phía sau các đối thủ trên lĩnh vực điện toán đám mây hấp dẫn. Trước toàn bộ ban giám đốc điều hành và CEO Ginni Rometty tại trụ sở IBM, Armonk, New York, Krishna đưa ra chiến lược đa đám mây hỗn hợp với một số sản phẩm đám mây chạy thử ngay trên chiếc MacBook của mình.
Dù mới chỉ là bản chạy thử và chưa hoàn thiện, sản phẩm đã khiến tất cả mọi người, gồm khoảng 60-70 lãnh đạo cấp cao của IBM, như được “khai sáng”. Câu hỏi đầu tiên cả nhóm đưa ra, là khi nào sản phẩm có thể thương mại hoá.
Ba tháng sau, IBM đưa ra sản phẩm đám mây hỗn hợp. Rometty gọi đó là “kẻ thay đổi cuộc chơi”. Để phục vụ cho cuộc chơi ngàn tỷ USD này, theo đề nghị của Krishna, IBM đã thâu tóm công ty phần mềm mã nguồn mở Red Hat với giá 34 tỷ USD.
Tái thiết di sản
Chuyên gia công nghệ người Ấn đã dành cả sự nghiệp tại IBM và chứng kiến tất cả giai đoạn thăng trầm của công ty, từ lúc dẫn đầu thế giới về điện toán và dịch vụ IT, cho tới giai đoạn bỏ lỡ con sóng cách mạng đám mây và tụt lại phía sau những đối thủ trẻ hơn như Amazon.
Nhiệm vụ khôi phục lại “Big Blue” đòi hỏi sự chuyển đổi triệt để, thoát khỏi các di sản kinh doanh không sinh lời hoặc phát triển quá chậm, để hướng tới tương lai của điện toán hiện đại, và không ai khác, Arvind Krishna là người được chọn cho sứ mệnh trên.
Con đường thăng tiến của Krishna gợi nhớ tới việc Satya Nadella, trưởng bộ phận Microsoft được bổ nhiệm vị trí CEO của công ty này năm 2014. Như Krishna, Nadella cũng đánh cược với ván bài đám mây và đã được hưởng thành quả, đưa Microsoft trở thành công ty công nghệ thứ hai vốn hoá hơn 1.000 tỷ USD.
Tới nay, IBM đã ra mắt hai dịch vụ đám mây, được thiết kế để giải quyết các yêu cầu cụ thể thuộc các lĩnh vực quan trọng và cần quản lý sát sao. Đám mây cho các dịch vụ tài chính, đã ký kết được với các đối tác quan trọng trong năm 2020, gồm Adobe, Infosys Finacle và Persistent System. Trong khi đó, dịch vụ Đám mây viễn thông đã có hơn 35 đối tác, gồm cả Samsung, Verizon và Vodafone Idea.
Theo kết quả kinh doanh quý II/2021, doanh thu mảng điện toán đám mây của IBM tăng 13% lên 7 tỷ USD. Sự cấp thiết của chuyển đổi kỹ thuật số trong bối cảnh sau đại dịch sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy mảng kinh doanh này trong tương lai.
Chuyển đổi văn hoá
Không chỉ liên quan tới những mảnh ghép công nghệ, đối với một công ty lớn như IBM, văn hoá doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Krishna hiểu rõ, để thành công, ông sẽ phải thực hiện một cuộc đại chuyển đổi văn hoá công ty.
Một lần nữa, người ta lại so sánh sự tương đồng giữa Arvind Krishna và người đồng hương Satya Nadella trên khía cạnh thực hiện cuộc cách mạng văn hoá. Giống như Nadella, Krishna là người gắn bó với công ty từ những ngày đầu lập nghiệp trên đất Mỹ, nên có sự hiểu biết sâu sắc về văn hoá nội bộ công ty.
“Một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi là thúc đẩy tư duy doanh nghiệp xuyên suốt các mảng kinh doanh. Đó là sự nhanh nhẹn, thực dụng và hướng tới tốc độ hơn là hào nhoáng. Đó là việc phải cảm thấy thoải mái trong một môi trường mở và liên tục thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh”, Krishna nói nhắc tới yêu cầu thay đổi tư duy doanh nghiệp từ bên trong.
Thay đổi chiến lược đã khó, điều chỉnh văn hoá doanh nghiệp của một công ty có tuổi đời hàng trăm năm còn khó hơn nữa, song đây cũng là việc Krishna đã để lại dấu ấn quản trị đậm nét của mình.
Điều đầu tiên sau khi tiếp quản vị trí CEO, Krishna tuyên bố IBM sẽ dồn toàn lực cho cuộc chiến trí tuệ nhân tạo và đám mây hỗn hợp, bắt đầu từ việc mở rộng mảng kinh doanh dịch vụ cơ sở hạ tầng.
Có nghĩa rằng, bên cạnh kinh doanh các dịch vụ cơ sở hạ tầng và phần mềm, Red Hat, công ty phần mềm mã nguồn mở đã bị thâu tóm trước đó, sẽ trở thành đầu tàu giúp khách hàng quản lý môi trường điện toán đám mây hỗn hợp ở trên toàn cầu. Red Hat cũng là thương vụ trọng tâm mà Krishna lên kế hoạch từ trước để chuẩn bị cho thị phần của “miếng bánh” hơn ngàn tỷ USD.
“Thâu tóm Red Hat giúp chúng tôi có được cơ sở công nghệ để xây dựng nền tảng công nghệ đám mây hỗn hợp dựa trên mã nguồn mở, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn khi tham gia vào hành trình này. Sự thành công của thương vụ là động lực để chúng tôi có thể thực hiện bước tiếp theo, lớn hơn, đó là đưa các dịch vụ cơ sở hạ tầng ra bên ngoài. Từ đó, phần còn lại của công ty có thể tập trung vào đám mây lai và trí tuệ nhân tạo”, CEO IBM trả lời CNBC.
Krishna đem tới cái nhìn mới đối với các đối thủ trong cuộc đua điện toán đám mây như Microsoft và Amazon. Ông coi họ như những đối tác quyền lực trong mảng đám mây công cộng, gọi chung là các đối tác bên thứ ba.
“Trong hành trình này, tôi xem Microsoft và Amazon như những đối tác, chứ không phải là đối thủ trên thị trường. Trong thế giới hỗn hợp, câu hỏi của khách hàng sẽ là họ quyết định đặt khối lượng công việc ở đâu? Họ có thể đặt ở Amazon, có thể là Microsoft và có thể là IBM, hay thậm chí là tự chạy ngay tại trụ sở của mình”, ông nói.
Và trong mối tương quan như vậy, điều gì sẽ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng? Red Hat có thể chính là câu trả lời, khi trở thành chất kết dính các môi trường với nhau, tạo ra cách thức đơn giản để quản lý một thứ phức tạp.
GenK