Tầm quan trọng của các trạm sạc cũng lớn không kém gì các cây xăng đối với những chiếc xe truyền thống hiện nay. Do đó, song song với việc sản xuất ô tô chạy điện, các trạm sạc cũng cần được chuẩn bị và lắp đặt một cách rất kỳ công.
Tesla – công ty đi tiên phong về lĩnh vực xe điện đã thực hiện lộ trình xây dựng những trạm sạc tại nhiều địa điểm không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới, xứng đáng để các công ty khác noi theo.
Tại Việt Nam, hiện hãng xe Vinfast đã bắt đầu chiến lược xây dựng các cây sạc riêng nhằm hỗ trợ không chỉ ô tô mà còn cả xe máy điện của hãng. Giống như Tesla, việc làm này sẽ giúp Vinfast không chỉ thu được lợi nhuận từ việc sạc điện cho các xe, mà số lượng xe của hãng bán ra nhiều khả năng sẽ tăng cao nhờ vào sự tiện lợi cho khách hàng mà các cây sạc này mang lại.
Hãng xe thuộc tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới đây đã phát đi thông báo kêu gọi đối tác có mặt bằng phù hợp cùng đầu tư hạ tầng trạm sạc xe điện rộng khắp trên toàn quốc với mạng lưới dự kiến gồm 2.000 trạm sạc với hơn 40.000 trụ sạc pin. VinFast cho biết các trạm sạc sẽ phát triển theo tiêu chuẩn của châu Âu, trạm sạc vận hành tự động và có thể đặt ở bất kỳ khu vực đỗ xe nào mà không làm thay đổi công năng mặt bằng khu vực đỗ xe.
Ngay từ khi bắt đầu sản xuất xe điện, các trạm sạc đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Tesla; họ đã xây dựng mạng lưới của mình ngay từ khi bắt đầu phát triển một trong những chiếc ô tô chạy điện đầu tiên – Model S. Trái với phương thức tiếp cận của nhiều hãng xe khác chỉ tập trung vào phát triển tính năng, Tesla đã chủ động đem lại tiện ích lớn hơn nhiều cho những khách hàng của mình.
Nissan là một ví dụ điển hình. Với chiếc Leaf có giá cả tương đối phải chăng cùng nhiều tính năng mới mẻ, hãng này đã sớm dẫn đầu thị trường xe điện và Nissan Leaf cũng là ô tô điện bán chạy nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014. Mặc dù vậy, Nissan không xây dựng cho người dùng một mạng lưới các trạm sạc nhanh mà phụ thuộc vào bên thứ ba, đem lại khá nhiều phiền toái cho khách hàng.
Nhận thấy điều này, từ năm 2012, Tesla đã bắt đầu giới thiệu 6 trạm sạc nhanh mang tên Tesla Supercharger. Tesla khởi đầu với các cây sạc SuperCharger tiêu chuẩn V1 và V2 có công suất 150 kW. Với công suất như vậy, người dùng mất khoảng 20 phút để sạc đến 50%, 40 phút để sạc đến 80% và 75 phút đến 100% đối với xe Tesla model S.
Trạm sạc V2 của Tesla (Ảnh: Electrive)
Tới tháng 9 năm 2017, Tesla đã công bố sự ra mắt của các cây sạc Supercharger đô thị (urban Superchargers). Supercharger đô thị nhỏ gọn hơn so với Supercharger tiêu chuẩn, chủ yếu được triển khai ở các khu vực thành phố lớn như bãi đậu xe và nhà để xe tại trung tâm thương mại.
So với Supercharger tiêu chuẩn, Supercharger đô thị có công suất tối đa là 72 kW, tức bằng khoảng một nửa. Hiện trạm sạc sử dụng các cây sạc đô thị này mới chỉ được áp dụng tại Mỹ và sẽ được sử dụng ở nhiều địa điểm khác trong một vài năm tới. 2 năm sau, công ty tiếp tục giới thiệu cây sạc Supercharger V3 tại New York với nhiều tính năng ưu việt, đáng kể nhất là tốc độ sạc đã được cải thiện đáng kể. Tất cả các mẫu ô tô điện do Tesla sản xuất, từ Model S, X, Y... đều có thể sử dụng các cây sạc này.
Thời gian sạc điện giảm đáng kể với Tesla Supercharger V3 (Ảnh: Tesla)
Tính tới năm 2016, số lượng xe Tesla có thể sử dụng sạc cùng lúc trên mỗi gian hàng Supercharger trung bình vào khoảng 34 chiếc; chi phí để xây dựng một trạm sạc vào khoảng 100,000 USD (năm 2013) và tăng lên tới 270,000 USD vào năm 2015, tùy thuộc vào số lượng cây sạc được lắp đặt. Các cây sạc điện này được công ty dự kiến có tuổi đời vào khoảng 12 năm.
Thời gian đầu, chưa tới 10% trong tổng số lượng điện được sử dụng để sạc cho xe ô tô tới từ các trạm sạc của Tesla. Tuy nhiên tới năm 2019, theo số liệu Tesla cung cấp, đã có tới 72 GWh điện được sử dụng thông qua các trạm sạc của họ trên toàn thế giới. Phần lớn các trạm sạc Supercharger thuộc sở hữu của Tesla, chỉ có một số nhỏ trạm sạc được sở hữu bởi các hãng taxi với đội xe điện được mua từ chính Tesla.
Tesla cũng áp dụng chính sách khá linh hoạt với việc sử dụng các trạm sạc của mình. Các xe điện model S và X được đặt từ Tesla trước ngày 15/1/2017 sẽ được sử dụng miễn phí dịch vụ tại các trạm sạc cho tới cuối vòng đời của xe. Các xe mua từ ngày 15/1/2017 tới 2/11/2018 sẽ được miễn phí khoảng 400 KWh (tương đương với khoảng 1000 tới 1600 dặm di chuyển); sau khi sử dụng hết, họ sẽ phải trả một mức phí được cho là thấp hơn so với việc sử dụng xăng đối với ô tô truyền thống. Mức giá này rơi vào khoảng 0.2 đến 0.26 USD/KWh (tương đương với 6,000 VNĐ/ KWh) tại Mỹ (trừ Hawaii). Cũng trong khoảng thời gian này, tối đa 5 người bạn cùng với chủ sở hữu xe điện Tesla hiện tại sẽ được miễn phí trọn đời cho việc sạc điện xe ô tô tại trạm sạc này với nếu những người này mua xe của hãng thông qua mã giới thiệu.
Chi phí sử dụng sạc điện tại cây sạc của Tesla (USD/ KWh) so với chi phí sử dụng xăng dầu (USD/ Gallon) (Ảnh: CleanTechnica)
Cuối năm 2014, có 119 trạm Tesla Supercharger tiêu chuẩn đang hoạt động tại Hoa Kỳ, 76 trạm ở Châu Âu và 26 ở Châu Á. Tháng 3 năm 2020, Tesla đã sở hữu 1,826 trạm sạc trên toàn thế giới với 16.103 cây sạc điện, bao gồm 908 trạm ở Mỹ, 398 trạm ở khu vực châu Á và các trạm còn lại rải rác tại nhiều nước khác trên toàn cầu. Số lượng cây sạc của Tesla chạm mốc 20,000 vào tháng 11 năm ngoái, cho thấy độ phủ sóng cực kỳ mạnh mẽ của hãng xe điện này.
Tesla chạm mốc 20,000 cây sạc điện toàn cầu (Ảnh: Tesla)
Như vậy có thể thấy, thông qua việc phát triển các trạm sạc, Tesla không chỉ có thêm nguồn thu từ việc bán điện cho ô tô mà còn giúp gia tăng số lượng xe bán ra – vốn là mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao mặc dù rất nhiều hãng phát triển xe điện, thậm chí sớm hơn Tesla, nhưng cho tới hiện tại, xe của họ có độ phủ sóng mạnh nhất trên toàn cầu.
Nguồn: Genk.vn