Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Bloomberg viết về sự thật đằng sau cuộc bành trướng của Huawei: Một vụ hacker tấn công và cái chết của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới

Bloomberg viết về sự thật đằng sau cuộc bành trướng của Huawei: Một vụ hacker tấn công và cái chết của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới

Nortel đã từng là một trong những công ty công nghệ không dây hàng đầu thế giới. Sau đó là một vụ hacker tấn công, và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Huawei. Liệu đó có phải là sự trùng hợp?

8 giờ 48 phút sáng thứ 7, một ngày tháng 4 năm 2004, tập tài liệu được gửi đến Trung Quốc. Trong đó có tới gần 800 trang, bao gồm các bản thuyết trình PowerPoint sử dụng trong các cuộc họp với khách hàng, một bản phân tích doanh số bán hàng gần đây và thiết kế chi tiết của một mạng viễn thông tại Mỹ. Những thứ khác thuần về kỹ thuật, như mã nguồn. Tất cả thuộc sở hữu của Nortel Networks, một trong những công ty viễn thông hàng đầu thế giới.

Bloomberg viết về sự thật đằng sau cuộc bành trướng của Huawei: Một vụ hacker tấn công và cái chết của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới - Ảnh 1.
 

Gã khổng lồ ngạo mạn

Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2000, nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Canada này có tới 90.000 nhân viên, được định giá trên thị trường vào khoảng 367 tỷ CAD (khoảng 250 tỷ USD vào thời điểm đó). Nortel hoàn toàn thống trị thị trường hệ thống truyền dữ liệu bằng cáp quang, đã từng phát minh ra một thiết bị không dây với màn hình cảm ứng gần một thập kỷ trước khi iPhone ra mắt, nắm giữ hàng ngàn bằng sáng chế liên quan đến cáp quang và kết nối không dây.

Nortel gần như chắc chắn sẽ giúp đặt nền tảng cho các thế hệ mạng không dây tiếp theo, mà như ngày nay chúng ta có là mạng 4G và 5G. Tuy nhiên cũng chính vì thế mà Nortel bắt đầu trở thành mục tiêu được nhắm đến.

Bắt đầu từ cuối những năm 1990, Tổ chức Tình báo An ninh Canada (một phiên bản giống CIA) đã nhận thấy lưu lượng truy cập bất thường, mà có thể là do các hacker đến từ Trung Quốc đã tấn công và đánh cắp dữ liệu từ trụ sở chính của Nortel tại thủ đô Ottawa.

Bloomberg viết về sự thật đằng sau cuộc bành trướng của Huawei: Một vụ hacker tấn công và cái chết của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới - Ảnh 2.

Trụ sở chính của Nortel tại thủ đô Ottawa.

“Chúng tôi đã đến Ottawa và nói với các giám đốc của họ rằng, có người đang đánh cắp tài sản trí tuệ của các ông. Nhưng họ đã không quan tâm và không có bất kỳ hành động gì cả”, Michel Juneau-Katsuya, người chịu trách nhiệm tình báo khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại CSIS cho biết.

Đến năm 2004, các hacker đã xâm nhập được vào những dữ liệu quan trọng nhất của Nortel, mà chỉ có các giám đốc cấp cao mới có quyền truy cập. Và người đã gửi gần 800 trang tài liệu tới Trung Quốc, lại chính là Frank Dunn, CEO của Nortel lúc bấy giờ. Kết quả điều tra phát hiện thấy thông tin đăng nhập của Frank Dunn được sử dụng để gửi những tập tin PowerPoints tới một địa chỉ IP được đăng ký bởi Shanghai Faxian Corp. Công ty này không hề có mối quan hệ hợp tác nào với Nortel trước đó.

Bloomberg viết về sự thật đằng sau cuộc bành trướng của Huawei: Một vụ hacker tấn công và cái chết của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới - Ảnh 3.

Frank Dunn - cựu CEO của Nortel.

Tuy nhiên, tên trộm không phải là Dunn. Hacker đã đánh cắp thông tin tài khoản và mật khẩu của CEO, cùng với 6 thành viên cao cấp khác trong công ty. Sử dụng một tập lệnh có tên là Il.browse, hacker đã quét toàn bộ danh mục trong các hệ thống của Nortel. Bao gồm các sản phẩm đang phát triển, dự án nghiên cứu, tài liệu thiết kế…

“Chúng đã đánh cắp gần như mọi thứ, giống như một cỗ máy hút bụi”, Brian Shields - một trong nhóm 5 thành viên điều tra vụ tấn công này - cho biết.

Nhiều năm sau, Nortel không nhận ra sai lầm của mình. Có lẽ vì sự kiêu ngạo xuất phát từ vị thế dẫn đầu thị trường, hay vì phân tâm bởi một loạt các danh mục đầu tư thua lỗ, Nortel chưa bao giờ làm rõ vụ hacker tấn công và đánh cắp dữ liệu như thế nào. Họ chỉ đơn giản là đổi mật khẩu, không khó để đoán trước rằng Nortel tiếp tục bị hacker tấn công một lần nữa. Đến năm 2009, Nortel phá sản.

Ai là kẻ đứng sau những vụ tấn công?

Không ai biết được kẻ thực sự đứng đằng sau những vụ tấn công nhằm vào Nortel là ai. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, các dữ liệu này đã được gửi tới Trung Quốc. Shields và nhiều người khác cùng điều tra sự việc, nghi ngờ rằng Chính phủ Trung Quốc đã nhúng tay vào, nhằm làm suy yếu một đối thủ đáng gờm, trong khi thúc đẩy các công ty công nghệ của mình, bao gồm Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất trong nước.

Đại diện của Huawei nói rằng họ không biết gì về vụ hacker tấn công Nortel, và cũng không có sự liên quan nào. Khẳng định rằng không có sản phẩm nào của Huawei được phát triển bằng con đường bất chính. Tất nhiên không có bằng chứng nào cho thấy Huawei có liên quan đến các vụ hacker tấn công Nortel.

Bloomberg viết về sự thật đằng sau cuộc bành trướng của Huawei: Một vụ hacker tấn công và cái chết của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới - Ảnh 4.

Trụ sở chính của Huawei tại Thâm Quyến.

Nhưng có một sự thật là sau khi Nortel bị phá sản, Huawei đã tận dụng điều đó để nhanh chóng trở thành gã khổng lồ viễn thông trên toàn thế giới. Công ty Trung Quốc này đã chiếm lấy những khách hàng lớn nhất của Nortel, chiêu mộ những kỹ sư hàng đầu của Nortel, phát triển công nghệ và chiếm lấy vị trí số 1 một cách dễ dàng.

Chúng ta hầu hết biết đến Huawei như là một nhà sản xuất smartphone, nhưng sức mạnh thực sự của Huawei là sự kiểm soát đối với hệ thống cơ sở hạ tầng của thời đại kỹ thuật số. Huawei sản xuất và bán các bộ định tuyến, máy chủ lưu trữ dữ liệu, linh kiện cáp quang, ăng-ten radio, các trạm phát sóng không dây, thiết bị thu nhận tín hiệu và cả phần mềm để quản lý tất cả những thứ này. Công ty sẵn sàng xây dựng mạng lưới viễn thông ở bất kỳ đâu trên Trái đất này, kể cả trên đỉnh núi Everest, sa mạc Sahara hay Bắc Cực.

Ren Zhengfei, một cựu kỹ sư quân sự, đã thành lập Huawei vào năm 1987 tại Thâm Quyến. Đó cũng là lúc Chính phủ Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào các thiết bị viễn thông của nước ngoài, Huawei là một trong hàng trăm công ty công nghệ được hỗ trợ để tăng tốc quá trình này.

Với các khoản tiền hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương, Huawei có một lợi thế cực lớn trước các đối thủ khác, đó là có thể chấp nhận thua lỗ trong nhiều năm. Huawei bắt đầu đổ tiền vào R&D ngay khi mới bắt đầu, giảm giá thành sản phẩm bất chấp lỗ, để nhanh chóng chiếm lấy thị phần trước các công ty nước ngoài.

Bloomberg viết về sự thật đằng sau cuộc bành trướng của Huawei: Một vụ hacker tấn công và cái chết của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới - Ảnh 5.

Huawei tăng trưởng thần tốc sau khi Nortel phá sản năm 2009.

Không chỉ vậy, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc còn hỗ trợ tiền cho các quốc gia khác để mua thiết bị của Huawei. Năm 2005, Nigeria vay 200 triệu đô la để mua thiết bị Huawei, với mức lãi suất vô lý 1%. Nhờ vậy mà doanh thu bán hàng ở nước ngoài của Huawei trong năm 1999 chỉ là 50 triệu USD, nhưng đến năm 2005 đã tăng tới 100 lần, lên 5 tỷ USD.

Khi đó, các công ty viễn thông Châu Âu vẫn còn phớt lờ Huawei, cho rằng công ty Trung Quốc này chỉ mạnh ở quê nhà và sẽ không thể cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Thế nhưng vào năm 2005, Huawei khiến tất cả choáng váng khi giành được một phần trong dự án trị giá 10 tỷ Bảng Anh, để thay thế 16 mạng điện thoại ở Anh bằng một mạng kỹ thuật số duy nhất. Đến năm 2008, Huawei đánh bại Nortel ngay tại quê nhà Canada, khi giành được hợp đồng trị giá 1 tỷ USD, xây dựng mạng không dây cho Telus Corp và BCE Inc.

Các công ty phương Tây bắt đầu đổ lỗi cho việc Huawei đánh cắp tài sản trí tuệ của họ. Nhưng Huawei chỉ việc phủ nhận tất cả, vì không có bằng chứng. Sự việc được biết đến nhiều nhất là vào năm 2003, Khi Cisco cho biết Huawei đã đánh cắp mã nguồn của một thiết bị router, sao chép cả giao diện người dùng và tất cả mọi thứ.

Huawei có liên quan với Chính quyền Trung Quốc và vụ hacker tấn công Nortel hay không?

Mối quan hệ giữa Huawei và Chính quyền Trung Quốc vẫn chưa thể được làm sáng tỏ. Trong khi phương Tây cáo buộc rằng Huawei hợp tác để cung cấp thông tin cho Chính quyền Trung Quốc, đổi lại Chính quyền Trung Quốc đứng ra bảo vệ Huawei bằng các biện pháp gián điệp mạng và chính trị. Thì Huawei vẫn luôn phủ nhận điều đó.

Có những bằng chứng cho thấy rằng Huawei được bảo vệ bởi Trung Quốc. Như vụ bắt giữ CFO Meng Wanzhou tại Canada vào năm 2018. Trung Quốc ngay lập tức bắt giam hai người Canada, một động thái được cho là trả đũa và gây sức ép để Canada không cho Mỹ dẫn độ bà Meng về nước.

Về phía Huawei, công ty này chứng minh rằng mình không có bất kỳ sự liên quan nào với Chính quyền Trung Quốc. Bằng cách mời các phóng viên nước ngoài đến thăm trụ sở chính tại Thâm Quyến để kiểm tra danh sách cổ đông của mình. Bản danh sách mà theo Huawei giải thích, là không có một cơ quan chính phủ hoặc quan chức nào. Chứng minh rằng Huawei không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ Chính quyền Trung Quốc.

Bloomberg viết về sự thật đằng sau cuộc bành trướng của Huawei: Một vụ hacker tấn công và cái chết của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới - Ảnh 6.

Chính phủ Trung Quốc luôn ra tay bảo vệ Huawei.

Thế nhưng các nhà điều tra phương Tây cho rằng vẫn chưa thuyết phục. Họ nói rằng luật pháp Trung Quốc bắt buộc các công ty phải hợp tác để hỗ trợ tình báo quốc gia, và tất nhiên phải giữ kín bí mật đó khi được hỏi.

Brian Shields cho biết vụ hacker tấn công Nortel kéo dài từ năm 2000 đến năm 2009, đây là vụ tấn công mạng kéo dài nhất trong lịch sử điều tra của ông. Shields cho biết thêm rằng các kỹ thuật hacker sử dụng rất tinh vi, rất khó để một công ty tư nhân có thể làm được những điều đó. Nhiều khả năng đây là hành động của một tổ chức tình báo của một quốc gia.

Ngày nay, trung tâm nghiên cứu của Huawei tại Ottawa khiến nhiều người nhớ đến trụ sở của Nortel trước đây. Mặc dù lối kiến trúc bên ngoài hoàn toàn khác biệt, nhưng bên trong lại toàn là những kỹ sư tài năng của Nortel. Những con người này đang chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển công nghệ không dây 5G.

Tại Canada, nơi đã từng có một gã khổng lồ viễn thông dẫn đầu những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, giờ đây đang bị Huawei thâm nhập đến tận xương tủy. Hồi đầu năm nay, cựu Thủ tướng Canada - ông Harper đã được hỏi về việc Huawei đang thâm nhập vào tất cả các nhà mạng viễn thông tại nước này. Ông Harper nói rằng đó là vì Huawei đã phát triển quá mạnh mẽ, và không có công ty phương Tây nào đủ mạnh để cạnh tranh.

Nếu Nortel không quá ngạo mạn và chủ quan, để rồi dẫn đến phá sản, thì có thể Huawei sẽ không có cơ hội để bành trướng ra thế giới như ngày nay. Nhưng mọi chuyện cũng đã rồi và không thể nào thay đổi quá khứ.

Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho Mỹ, đang tìm mọi cách để đánh bại Huawei. Từ việc đưa vào danh sách thực thể, cấm các công ty công nghệ hợp tác và chặn đứng nguồn cung ứng chip xử lý từ TSMC. Tất cả đều nhằm ngăn chặn sự bành trướng và thế lực đang phát triển quá mạnh của Huawei.

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự