Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Bỏ hàng trăm triệu ra thưởng nhạc là chưa đủ, đây mới là thứ mà audiophile Việt thực sự cần vào lúc này

Bỏ hàng trăm triệu ra thưởng nhạc là chưa đủ, đây mới là thứ mà audiophile Việt thực sự cần vào lúc này

Có một mảnh ghép cực kỳ quan trọng trong bức tranh âm nhạc mà các tín đồ âm thanh/âm nhạc Việt Nam dù có muốn cũng không thể nào mua được.

10 năm theo đuổi thú vui âm thanh, tôi vẫn còn nhớ những "khoảnh khắc" đã khiến tôi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên cầm chiếc Grado SR60 lên tai, tôi bỗng nhận ra không phải tai nghe nào cũng... dở. Hay, khi được nghe thử bộ combo O2 ODAC "kéo" chiếc SR325is, tôi chợt nhận ra amp/DAC vẫn có thể mang lại rất nhiều thay đổi, kể cả với những chiếc tai nghe có thể dễ dàng chơi bằng điện thoại. Đến khi mượn được một chiếc DAC Aune S16 để so sánh với... ODAC, tôi lại hiểu, những thứ mình nghĩ là "xịn" hết mức vẫn chưa phải là tất cả.

Cách đây 2 năm, tôi lại một lần nữa được trải qua cảm giác ngỡ ngàng ấy. Nhưng khi đó, cảm giác ngỡ ngàng của tôi khi đó không đến từ bất kỳ một thiết bị phần cứng nào cả: đó là lần đầu tiên tôi đăng ký sử dụng Tidal.

Bỏ hàng trăm triệu ra thưởng nhạc là chưa đủ, đây mới là thứ mà audiophile Việt thực sự cần vào lúc này - Ảnh 1.

Thực sự, thiết bị đã không còn là trở ngại đối với giới chơi âm thanh tại Việt Nam.

Những người chơi âm thanh hiểu rằng nếu quá "máu", chúng ta sẽ rất... tốn tiền. Ngay tại Việt Nam, số lượng người sở hữu Chord Hugo (một bộ amp/DAC huyền thoại từng có giá khởi điểm lên tới 2500 USD) cũng không phải là ít. Những sản phẩm siêu đắt như Chord Dave cũng không phải là chưa từng xuất hiện; tận mắt tôi cũng từng thấy những "bộ sưu tập" audiophile có tổng trị giá hơn trăm triệu đồng.

Chính tôi cũng đã từng có Hugo, cũng đã từng sở hữu Senneheiser HD800, cũng đã từng cầm trong tay đến... 10 chiếc tai nghe, 4-5 chiếc amp/DAC cùng lúc. Thú vui mà, khó cưỡng.

Và cũng có lúc tôi từng sở hữu những bộ dây nối RCA lên đến cả chục triệu đồng.

Nhưng ngay lần đầu nghe thử những bài hát quen thuộc trên Tidal, tôi bỗng nhận ra, à hóa ra từ trước đến nay, hóa ra mình đã bỏ qua một mảnh ghép quan trọng nhưng không hề tốn kém. Một mảnh ghép có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng âm thanh.

Mảnh ghép mang tên "nhạc số".

Bỏ hàng trăm triệu ra thưởng nhạc là chưa đủ, đây mới là thứ mà audiophile Việt thực sự cần vào lúc này - Ảnh 2.

Nguồn nhạc số có vai trò quan trọng, nhưng chẳng ai đảm bảo được nhạc lậu không phải là... mp3 upscale.

Nói như vậy không có nghĩa rằng tôi chưa từng chơi nhạc số - trái lại, tôi chưa từng có ý định sở hữu đĩa than. Nhưng cũng giống như hàng chục (hay hàng trăm) người chơi âm thanh khác, phần lớn khối lượng nhạc số tôi từng sở hữu đã từng là... nhạc lậu. Yêu thích ai, tôi cứ phải lên torrent down về cả bộ lossless của nghệ sĩ đó. Với nhạc Việt, có một trang "nổi danh" với giới sưu tầm, có cho tải FLAC.

Chất lượng trên Tidal khiến tôi bàng hoàng nhận ra rằng, kể cả những file torrent có hàng trăm seed/leech cũng chưa chắc đã là "nhạc xịn". Trước đó, có những lúc tôi đã ngờ ngợ khi thấy nhạc FLAC mình down về nghe còn "lạo xạo" hơn cả Apple Music. Hóa ra, trong thế giới "cướp biển", chẳng có ai chắc chắn được đâu là xịn, đâu là "rởm" cả.

Trong bao nhiêu năm, tôi đã tốn bao nhiêu tiền chỉ để không nhận ra, chỉ với khoảng 120.000 đồng/tháng (gói family chia 6 người), tôi đã có thể cải thiện trải nghiệm của mình rất nhiều.

Bỏ hàng trăm triệu ra thưởng nhạc là chưa đủ, đây mới là thứ mà audiophile Việt thực sự cần vào lúc này - Ảnh 3.

Nguồn nhạc "Tây" chất lượng cao, giá hợp lý: Tidal.

Đáng tiếc rằng "rất nhiều" chưa phải là tất cả những gì tôi cần. Là người Việt, tôi cũng yêu thích những bản nhạc hát bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi muốn được nghe những bản nhạc Việt yêu thích bằng những chiếc tai nghe, DAC/amp tôi vẫn còn giữ - cũng là những chiếc tai nghe tôi đủ yêu thích để không "đẩy" đi như suốt 10 năm qua đã làm vậy. Tôi muốn được tận hưởng giai điệu Việt trong các định dạng Hi-res hay DSD.

Hướng đi nào cho nhạc Việt?

Nhưng thị trường âm nhạc Việt Nam lại đang đi theo hướng ngược lại. Có vẻ như, khi nguồn thu của các ca sĩ chủ yếu lại là các show diễn, khi kênh phổ biến chính của họ lại là các trang nghe online chưa bao giờ đảm bảo bitrate, chất lượng thu âm cũng thường xuyên bị bỏ qua. Trong một thời gian dài, cách duy nhất để "yêu" nhạc Việt là cầu may khi đi mua đĩa, nếu không mua được thì chỉ có thể hy vọng file AAC được up lên một trang chia sẻ "lossless" nọ là "xịn".

Cũng vẫn có những tín hiệu đáng mừng dành cho người nghe nhạc Việt. Một số ca sĩ trẻ (bao gồm cả Sơn Tùng M-TP) đã phát hành album qua USB thay vì qua CD hay các trang web nghe nhạc trong nước. Nữ ca sĩ Mỹ Linh cũng đã từng phát hành album cho phép người nhạc nghe song song trên CD và qua mạng. Đi xa hơn, vào năm ngoái, nhạc sĩ Quốc Bảo, ca sĩ Nguyên Hà, ca sĩ Phạm Hoài Nam đã bắt tay cùng Notes Audi để thực hiện album "Địa Đàng III". Thay vì được master cho CD và các định dạng truyền thống trước, toàn bộ các khâu thực hiện của Địa Đàng III đều được thực hiện để tối ưu cho định dạng Stereo DSD64. 

Đáng tiếc rằng cho đến giờ vẫn chưa có album nào được master và phát hành theo hướng tương tự. Nhạc số chất lượng cao dành cho người Việt vẫn đang là một giấc mơ xa vời.

Bỏ hàng trăm triệu ra thưởng nhạc là chưa đủ, đây mới là thứ mà audiophile Việt thực sự cần vào lúc này - Ảnh 4.

Bỏ ra hàng chục triệu mua thiết bị để nghe nhạc lossy hay nhạc "không chính thống" là nghịch lý mà người Việt phải chấp nhận vào lúc này.

 

Người Việt xứng đáng được nghe nhạc Việt chất lượng cao, và cũng nên nghe nhạc Việt chất lượng cao. Chúng ta sẵn sàng bỏ ra 15 triệu đồng (hoặc hơn) để mua DAC/amp - chưa nói đến tai nghe hay loa dàn, vậy mà vẫn cứ phải "thưởng thức" nhạc số chất lượng kém. Đó là một nghịch lý, mà đáng buồn thay, đến giờ vẫn chưa có ai đứng ra giải quyết cả.

Nguồn: GenK.vn

Bài viết tương tự