Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Cách mạng 4.0 là cá nhanh ăn cá chậm chứ không phải cá lớn nuốt cá bé

Cách mạng 4.0 là cá nhanh ăn cá chậm chứ không phải cá lớn nuốt cá bé

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, trong cách mạng 4.0 sẽ xảy ra xu hướng "cá nhanh ăn cá chậm" chứ không phải "cá lớn nuốt cá bé".

Ngày 4 và 5/12/2017, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017) với chủ đề “Định hình & Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn với chuỗi 4 Hội thảo quốc tế, 1 Triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 của gần 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: tự động hóa, rôbốt, công nghệ thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, fintech, phần mềm... Sự kiện có sự tham dự của trên 1500 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia quốc tế.

Trong phiên thảo luận về cách mạng 4.0 diễn ra sáng nay ngày 5/12, ông Raimund Klein, Phó chủ tịch khối nhà máy số của Siemens Singapore cho rằng: "Việt Nam đang có cơ hội trước xu hướng cách mạng 4.0 vì Việt Nam có dân số trẻ có cơ hội phát triển. Chúng ta có thể chuyển đổi công nghệ truyền thống sang công nghệ hiện đại hơn. Tôi tin tưởng Việt Nam có thể thực hiện được giấc mơ đó, nhưng cần có cơ chế chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp bắt kịp cách mạng 4.0".

Đồng tình với quan điểm này, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho rằng, Việt Nam có nhân lực trẻ và khả năng cập nhật công nghệ mới không thua kém bất cứ quốc gia nào. Ông Trung nhấn mạnh rằng, nguồn nhân lực là sức mạnh của Việt Nam trong cách mạng 4.0.

"Chúng tôi làm viễn thông nhưng những năm gần đây lĩnh vực này tăng trưởng thấp, ngân hàng cũng như vậy, ngành IT cũng như vậy cho dù lẽ ra viễn thông và IT sẽ phải là ngành có cơ hội để tăng trưởng nhiều nhất và mang tính dẫn dắt. Thế nhưng, do cạnh tranh quá khốc liệt khi giá trị tạo ra của doanh nghiệp không mang giá trị cho người tiêu dùng nữa và người ta quay lưng lại. Chúng ta phải thay đổi cả khi chưa cần phải thay đổi" ông Trung nói.

 Ông Kishore Natarajan, Giám đốc điều hành khối chiến lược kinh doanh toàn cầu của Schneider Electric cũng nhấn mạnh rằng, với dân số trẻ và được kết nối Internet Việt Nam có cơ hội lớn trong cách mạng 4.0.

"Chúng ta có nhiều cơ hội biến giấc mơ cạnh tranh của Việt Nam thành hiện thực. Chúng ta cần đầu tư vào nguồn nhân lực là quan trọng nhất vì họ sẽ đem kiến thức CNTT để ứng dụng vào các lĩnh vực khác. Nhưng tôi nhận thấy Việt Nam vẫn ngần ngại đầu tư vào nguồn nhân lực này. Khi chúng ta nói đến thời đại số, điện thoại thông minh thì chính những người trẻ sẽ sử dụng công nghệ này" ông Kishore Natarajan nói.  

Phát biểu tại diễn đàn này, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT cho rằng: "Nếu nhìn lạc quan về tương lai thì Việt Nam có lợi thế về con người. Cách mạng 4.0 tiếp cận nguồn lực con người nên dễ hơn so cách mạng công nghiệp cần hạ tầng lớn như cảng biển hay đường xá chẳng hạn. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số nếu không hội nhập chúng ta sẽ không phát triển. Chúng ta phải hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta mới có những doanh nghiệp như Google, Uber…". Ông Liêm cũng nhấn mạnh, điều quan trọng cần tính chuyên nghiệp ở các doanh nghiệp và tổ chức. Nếu có lộ trình chuyển đổi số phải vẽ chiến lược và hành động chuyên nghiệp. Nếu bạn không thay đổi sẽ có người khác sẽ thay đổi cho bạn.

Cũng tại diễn đàn này, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KHCN nhấn mạnh, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chương trình như Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Hai đối tượng này gắn kết này với nhau cách mạng 4.0 sẽ thúc đẩy khi chính phủ và doanh nghiệp cùng quyết tâm.

"Tôi cố gắng không nghĩ trong đầu mình đến cách mạng 4.0. Nhưng đó là con đường tất yếu. Vai trò Chính phủ đẫn dắt khối doanh nghiệp và người dân để đi theo xu hướng này. Nhưng xu hướng này đi quá nhanh khiến hệ thống luật pháp, quản lý khó khăn và phải chạy theo. Chính phủ phải kịp thời thay đổi và tạo cơ chế chính sách cho người dân doanh nghiệp tham gia" ông Dương nói.

Chia sẻ tại diễn đàn này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, trong cách mạng 4.0, cá nhanh ăn cá chậm chứ không phải cá lớn nuốt cá bé. Ông Bình cũng tổng kết theo các diễn giả, hiện Việt Nam đang có thiên thời địa lợi nhân hòa từ quốc gia có thu nhập thấp tiến lên sánh vai cùng các nước năm châu. Tuy nhiên, trong cách mạng 4.0 cần tất cả cùng dấn thân và quan trọng nhất là giáo dục phải được đặt lên hàng đầu.

Thái Khang

 

Nguồn: Ictnews.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật